Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tuần này, Quốc hội thảo luận, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2022
Nguyễn Lê - 08/11/2021 07:18
 
Hai ngày đầu tuần, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch năm 2022.
.
Một phiên họp trực tuyến tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khoá XV.

Nghỉ một tuần sau đợt họp trực tuyến, hôm nay (8/11), Quốc hội khoá XV bắt đầu đợt họp trực tiếp, cũng là tuần làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ hai.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đại biểu đều có thể về họp tại phòng Diên Hồng như kế hoạch.

Đoàn đại biểu Quôc hội TP.HCM cho biết có 2 trường hợp đại biểu dương tính với SARS-CoV-2, nên không tham dự họp tập trung, mà dự họp theo hình thức trực tuyến, phát biểu thảo luận và tham gia chất vấn, trả lời chất vấn tại điểm cầu TP.HCM.

Ngoài ra, đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang cũng đang cách ly y tế theo quy định của tỉnh vì tiếp xúc với một ca F0.

Tại Nhà Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế xét nghiệm định kỳ, mỗi đợt cách nhau 72 tiếng cho các đại biểu, cán bộ nhân viên khối phục vụ để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.

Trong đợt họp thứ hai này, hai ngày đầu tuần, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch năm 2022; các báo cáo về công tác phòng, chống Covid-19, tình hình thực hiện Nghị quyết số 30; thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và Kế hoạch tài chính, ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.

Hai ngày rưỡi tiếp đó, Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 5 thành viên Chính phủ, gồm Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Lao động, Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào  tạo, Kế hoạch và Đầu tư.

Phần còn lại của kỳ họp, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê và nhiều nghị quyết quan trọng khác. 

Các nghị quyết được thông qua gồm Nghị quyết về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022, về tổ chức phiên tòa trực tuyến, về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hoá, Thửa Thiên Huế, về quy hoạch sử dụng đất quốc gia, về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.

Với kế hoạch năm 2022, Tổng thư ký Quốc hội cho biết, tại phiên thảo luận tổ trong đợt họp trực tuyến, có ý kiến cho rằng, dự báo kinh tế thế giới năm 2022 có khả năng phục hồi, nhưng không vững chắc và tình hình dịch bệnh chưa biết khi nào kết thúc. Dự báo tăng trưởng của các quốc gia liên tục bị điều chỉnh; sự phục hồi kinh tế giữa các quốc gia không đồng đều; một số doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng lớn trên thị trường toàn cầu có nguy cơ vỡ nợ (như Tập đoàn Evergrande của Trung Quốc).

Đại biểu cũng nêu dự báo có những biến chủng virus mới nguy hiểm như: Delta plus (tại châu Phi, châu Âu) và Sars Covi-3, cần đánh giá sát thực hơn trong việc đề ra các kế hoạch, nhiệm vụ cho năm 2022. Chính phủ cần đánh giá sâu, có kịch bản phù hợp với tình hình thực tiễn, quan tâm đến vấn đề thiếu hụt năng lượng thời gian tới.

Một số ý kiến đề nghị cân nhắc, xem xét tính khả thi của chỉ tiêu tăng GDP từ 6-6,5% trong bối cảnh đang có nhiều khó khăn. Có ý kiến đề nghị phải kiểm soát tốt dịch bệnh, có chiến lược quốc gia về thích ứng và phục hồi kinh tế hậu Covid-19 để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% . Mặt khác, cần tính toán thêm vì nguồn thu trong năm 2022 sẽ không chỉ sử dụng trong năm 2022, mà còn phải đầu tư, khắc phục cho những việc chưa thực hiện được trong năm 2021.

Vào sáng 13/11, Quốc hội sẽ họp phiên bế mạc, thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn và Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.

Đây cũng có thể chưa phải kỳ họp Quốc hội cuối cùng của năm nay, bởi một kỳ họp ngắn vào tháng 12 để giải quyết một số vấn đề cấp bách cũng đã được tính tới.

Nghiên cứu tăng tỷ lệ nợ công phù hợp, nhưng bội chi không quá 4% GDP
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế -...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư