Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Nghiên cứu tăng tỷ lệ nợ công phù hợp, nhưng bội chi không quá 4% GDP
An Nguyên - 20/10/2021 11:03
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra (Ảnh: Duy Linh)

Sáng 20/10, trong phiên khai mạc kỳ họp thứ Hai, sau khi nghe  báo cáo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, dự kiến năm 2022.

Làm rõ hơn nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt

Đánh giá năm 2021, báo cáo thẩm tra nêu rõ, bên cạnh nhiều khó khăn, một số điểm sáng, nổi bật trong điều hành kinh tế vĩ mô năm 2021: dự kiến 8/12 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch đề ra , kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

Để nhìn nhận đầy đủ, toàn diện hơn tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá kỹ hơn một số vấn đề.

Đề nghị làm rõ hơn nguyên nhân các chỉ tiêu không đạt, đặc biệt với chỉ tiêu đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 32%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra từ 45-47%. Có ý kiến đề nghị làm rõ hơn chỉ tiêu Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, ước cả năm khoảng 4,4-4,9% đạt mục tiêu năm 2021, chưa rõ đạt hay không đạt mục tiêu đề ra (khoảng 4,8%), Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo.

Về đầu tư công, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, giải ngân ước tính tới ngày 30/9/2021 mới đạt trên 218,55 nghìn tỷ đồng (tương ứng 47,38%, cùng kỳ là 56,33%) vẫn rất chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; số vốn chưa phân bổ, giao chi tiết đến 15/9/2021 còn trên 56,32 nghìn tỷ đồng (chiếm 12,2% kế hoạch), trong đó có vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia (16.000 tỷ đồng, chiếm 3,4%), tác động lớn đến thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

Đa số ý kiến thẩm tra cho rằng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu và thiếu thông suốt, thiếu đồng bộ; công tác chuẩn bị đầu tư, giao vốn chưa được chuẩn bị kỹ, lựa chọn các công trình trọng tâm, trọng điểm còn hạn chế; các Bộ, cơ quan trung ương và chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc, chưa có cách làm sáng tạo; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ nét; cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, giữa trung ương và địa phương trong việc xử lý vướng mắc đầu tư công chưa hiệu quả, báo cáo nêu rõ.

Vấn đề tiếp theo cơ quan thẩm tra lưu ý là theo báo cáo của Chính phủ, lãi suất liên tục được điều chỉnh giảm, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng mức giảm 0,55% ở thời điểm cuối tháng 7/2021 so với cuối năm 2020 vẫn còn thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng với mức độ khó khăn của doanh nghiệp, chưa thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Cho rằng dư địa để các ngân hàng giảm thêm lãi suất vẫn còn; doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ vẫn rất khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng ưu đãi với lãi suất cho vay thấp, cơ quan thẩm tra đề nghị báo cáo rõ hơn các hoạt động hỗ trợ của các ngân hàng thương mại đối với doanh nghiệp, người dân và người lao động bị ảnh hưởng nặng từ dịch bệnh.

Tăng bội chi cao hơn mức 3,7% GDP là cần thiết

Với kế hoạch năm 2022, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, triển vọng phục hồi kinh tế được dự báo tương đối tích cực; tuy nhiên tiếp tục đối mặt với nhiều rủi ro, diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, chiến lược tiêm chủng vắc-xin gặp thách thức.

 Tác động kéo dài của dịch bệnh khiến việc phục hồi sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn và cần nhiều thời gian hơn; phá sản, nợ xấu, đứt gãy chuỗi cung ứng, đình trệ sản xuất, suy giảm dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước, trật tự, an toàn xã hội, an sinh xã hội… là các vấn đề cần hết sức lưu ý, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh.

Liên quan đến các chỉ tiêu chủ yếu, về chỉ tiêu bội chi NSNN khoảng 4% GDP, cơ quan thẩm tra cho rằng trong bối cảnh nguồn thu bị ảnh hưởng, nhiệm vụ chi nhiều hơn cho phòng, chống dịch, an sinh xã hội, việc tăng bội chi cao hơn mức 3,7% GDP là cần thiết.

Tuy nhiên, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cung cấp cơ sở tính toán khoa học, khả năng huy động, tài trợ và hấp thụ vốn của nền kinh tế; giải trình rõ, thuyết phục hơn về cơ chế kiểm soát bội chi ở những nội dung không trực tiếp liên quan đến phòng, chống dịch bệnh để tạo sự đồng thuận cao.

Nhấn mạnh quan điểm kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, cơ quan thẩm tra cho rằng nhiệm vụ chủ yếu năm sau cần duy trì ổn định thị trường tài chính, tiền tệ, phối hợp chặt chẽ, cân bằng giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Hoàn thiện thể chế về NSNN, tăng cường vai trò chủ đạo của NSTW, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương.

Tiếp tục thực hiện tiết kiệm, hiệu quả, giữ nghiêm kỷ luật tài chính; quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thu, thu hồi nợ thuế; tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là chi mua sắm, hội nghị, công tác trong và ngoài nước, cắt giảm tối đa kinh phí cho những nhiệm vụ không thực sự cấp bách để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch.

Cơ quan thẩm tra cho rằng cần xây dựng dự toán thu chi, mức bội chi ngân sách nhà nước trên cơ sở thận trọng hơn; tăng dự phòng ngân sách để chủ động nguồn nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp. Nghiên cứu, đề xuất phát hành trái phiếu Chính phủ, tăng tỷ lệ nợ công phù hợp nhưng phải bảo đảm hiệu quả, bền vững, bội chi không quá 4% GDP.

Liên quan đến nợ công, báo cáo riêng gửi đến Quốc hội, Chính phủ dự tính trong trường hợp tăng trưởng GDP tích cực đạt chỉ tiêu Quốc hội giao, dự báo đến cuối năm 2022 nợ công khoảng 43-44%% GDP, nợ Chính phủ khoảng 40-41% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 40-41% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NSNN khoảng 21-22%

Đối với doanh nghiệp, quan điểm của cơ quan thẩm tra là bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm, giãn, hoãn thuế, hỗ trợ hiệu quả hơn về cơ cấu lại nợ vay, nghiên cứu, xem xét việc áp dụng nới lỏng trong thời gian giới hạn quy định pháp luật về chuyển lỗ để giảm bớt khó khăn, hỗ trợ dòng tiền cho doanh nghiệp.

Quốc hội góp phần quan trọng cùng cả nước ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhiều nội dung quan trọng trong phát biểu khai mạc kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV, sáng 20/10.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư