Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Cơ chế đặc thù phải vì sự phát triển chung
Bảo Duy - 27/10/2021 09:04
 
Sáng nay (27/10), theo lịch trình dự kiến, Quốc hội sẽ tập trung thảo luận các dự thảo nghị quyết về một số cơ chế đặc thù phát triển TP. Hải Phòng, tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế.
Khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, cần tìm điểm tăng trưởng để kích hoạt, thì cơ chế đặc thù cho các địa phương cũng cần được nhìn nhận ở vai trò cải cách, tiên phong

Những địa phương có tên trong danh sách trên chắc sẽ phải quan tâm đến các phiên thảo luận này, để thấy được những vấn đề đang đặt ra, những đòi hỏi phải thay đổi và cả kỳ vọng đặt vào kết quả của các cơ chế thí điểm. Quan trọng hơn, không gian phát triển theo nghĩa cơ hội đầu tư - kinh doanh của địa phương sẽ mở rộng.

Nhưng điều này không có nghĩa và cũng không thể chỉ những địa phương có tên được hưởng lợi từ các cơ chế đặc thù.

Trong nhiều cuộc thảo luận trước đó, các đại biểu Quốc hội cũng đã đặt vấn đề, mục tiêu của cơ chế đặc thù là dành nguồn lực, tạo cơ chế thông thoáng để các địa phương phát huy sức mạnh, từ đó trở thành động lực tăng trưởng, thậm chí là tạo ra cực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Giới chuyên gia kinh tế đặt kỳ vọng cao hơn.

Đó là thí điểm, thử nghiệm thể chế kinh tế thị trường đầy đủ, đồng bộ tại một khu vực, xử lý các vấn đề còn lấn cấn về tư duy, quan điểm, cách làm, từ đó rút kinh nghiệm, nhân rộng ra toàn quốc.

Như vậy, dù là cơ chế đặc biệt cho địa phương, nhưng lại dựa trên ý đồ chiến lược của chính quyền Trung ương. Khi đó, sẽ không còn những băn khoăn tại sao bàn đặc thù ở chỗ này, địa phương này, mà không phải nơi khác, vì các địa phương không thực hiện thí điểm cũng sẽ được hưởng lợi khi các cơ chế, thể chế được thí điểm thành công…

Tuy nhiên, trách nhiệm của các địa phương nhận triển khai cơ chế đặc thù là rất lớn. Với hàng loạt cơ chế đặc thù, có thể “vượt rào”, nếu chính quyền địa phương chỉ coi đây là sự phân chia lại thẩm quyền, phân bổ lại nguồn lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, thì hiệu quả sử dụng nguồn lực sẽ là câu hỏi rất lớn, thậm chí đáng lo ngại… Đó là chưa kể khả năng xuất hiện “phong trào xin đặc thù”, một trong những nguyên nhân tạo nên sự cát cứ - một điểm nghẽn phát triển của nền kinh tế.

Nhưng cũng vì là thí điểm, để tìm kiếm cách làm mới, bứt phá trong thu hút và sử dụng nguồn lực, nên cần những cơ chế mới, khác biệt, chứ không chỉ “cơi nới” các quy định hiện hành. Ở đây, vai trò của Nhà nước, thị trường cần được làm rõ.

Có thể là thay đổi mục đích sử dụng đất, thay vì quy định chặt chẽ đất nào trồng lúa, đất nào trồng màu. Có thể mở rộng hơn, tạo dư địa cho sự chuyển đổi mục đích sử dụng đất một cách linh hoạt, theo nhu cầu phát triển mới. Kèm theo đó, là xác định rõ quyền tài sản đất nông nghiệp với người nông dân, thiết lập trung tâm giao dịch đất đai tại các đại phương trên nền tảng số… Một thị trường đất đai đúng nghĩa sẽ hình thành. Vốn hóa được quyền sử dụng đất, nguồn lực rất lớn sẽ được đưa vào phát triển trên nguyên tắc thị trường, công bằng về tài sản… Các nhà đầu tư lớn, các nhà đầu tư tài chính… sẽ nhìn thấy cơ hội đầu tư - kinh doanh.

Có thể là cơ chế tự do hóa thương mại, đầu tư, di chuyển lao động để thu hút bằng được các nhà đầu tư, nguồn nhân lực cho việc hình thành mô hình thương mại tự do mà Hải Phòng đề xuất, với nguyên tắc chọn - bỏ, nghĩa là nhà đầu tư nào đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà địa phương này cần, thì mới được hưởng ưu đãi, lợi thế đặc biệt. Nhưng các ngành, lĩnh vực mà Hải Phòng chọn không phải ở góc độ 1 thành phố, mà là 1 đầu tàu kinh tế với hậu phương là vùng công nghiệp miền Bắc, với không gian mở rộng tới Quảng Ninh. Các tập đoàn, công ty lớn, các ngân hàng sẽ đến đặt trụ sở tại Hải Phòng. Sân bay Cát Bi sẽ phục vụ các chuyến bay đi về trong ngày của lãnh đạo các tập đoàn toàn cầu… Khi Hải Phòng bứt phá, cả miền Bắc sẽ bứt phá…

Bàn về các cơ chế đặc thù, giới chuyên gia kinh tế cũng nhắc lại bài học của khoán 100, khoán 10, hay thí điểm giá lương tiền ở Long An hơn 30 năm trước. Kết quả của cơ chế thí điểm khi đó chính là công cuộc đổi mới kinh tế Việt Nam vào năm 1986.

Thời điểm này, khi nền kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn, cần tìm điểm tăng trưởng để kích hoạt, thì cơ chế đặc thù cho các địa phương cũng cần được nhìn nhận ở vai trò cải cách, tiên phong như vậy.

Sẽ xây dựng đề án riêng về khu thương mại tự do tại Hải Phòng
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình ý kiến đai biểu về dự thảo Nghị quyết một số cơ chế, chính sách đặc thù...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư