Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội lo doanh nghiệp tư nhân nhỏ, doanh nghiệp nhà nước chậm cơ cấu lại
Khánh An - 31/10/2021 10:00
 
Tại sao số lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển như mong muốn, đã có nhiều nhà kinh doanh Việt Nam thành lập doanh nghiệp ở Singapore.
.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu tại Phiên thảo luận dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025

Doanh nghiệp tư nhân khó đổi mới, sáng tạo

Tại sao số lượng doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển như mong muốn, đã có nhiều nhà kinh doanh Việt Nam thành lập doanh nghiệp ở Singapore.

Câu hỏi này của đại biểu Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (đoàn Nghệ An) đặt ra trong phiên thảo luận về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai doạn 2021-2025.

Giai đoạn 2016-2020, mục tiêu về số lượng doanh nghiệp là đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp, nhưng  thực tế mới đạt khoảng 812.000 doanh nghiệp. Đây là một trong 5 mục tiêu chưa hoàn thành của Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Nhưng đến thời điểm này, sau gần 2 năm xoay vần trong cơn bão Covid-19, số lượng này giảm đi đáng kể.

Ngược lại với tình hình trên, đại biểu Hiếu đã nhắc đến sự sôi động của động của thị trường tư vấn thành lập doanh nghiệp của người Việt ở Singapore. Mặc dù chưa có số liệu chính thức, nhưng theo ông Hiếu, điều này cho thấy nhu cầu lớn.

“Đặc biệt, đa số các doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo. Trong đó, hiện nay đã có những doanh nghiệp đang phát triển rất mạnh mẽ về khoa học công nghệ và thương mại điện tử”, ông Hiếu nhận định.

Thực trạng này khiến ông Hiếu lo ngại, khi soi vào những mục tiêu thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của trong Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó là cảnh báo về sự chảy máu tài năng trong kinh doanh và khoa học công nghệ.

“Trước hết, các quy định về thành lập doanh nghiệp ở nước ta chưa có sức thu hút lớn. Thứ hai, quan trọng hơn là môi trường kinh doanh ở nước ta chưa tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đổi mới, sáng tạo”, ông Hiếu trả lời cho chính câu hỏi đã đặt ra.

Đây cũng là các vấn đề mà đại biểu cho rằng, cần phải làm rõ trong kế hoạch cơ cấu lại, phải đặt cải cách thể chế là giải pháp đột phá.

Nhắc tới những điều cần lưu ý trong xây dựng pháp luật để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của Tổ chức OECD, đại biểu Hiếu đề nghị các quy định pháp luật phải hướng đến việc nâng cao tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ông đề xuất ưu tiên sử dụng các phương pháp điều chỉnh thân thiện với sự phát triển của công nghệ, như coi trọng các công cụ điều chỉnh mang tính kinh tế, coi trọng các thỏa thuận hơn là đặt ra các tiêu chuẩn cứng nhắc.

Ông cũng nhắc đến yêu cầu về nghiên cứu ban hành các quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát. Nội dung này đã được đề cập trong định hướng hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nhiệm kỳ 2021-2025.

Không nhắc đến số lượng doanh nghiệp, nhưng đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) cũng có con số đeo đuổi suốt nhiều năm qua. Đó là tỷ trọng đóng góp của FDI so với khu vực tư nhân vào toàn bộ nền kinh tế.

5 năm qua, xuất khẩu của FDI vẫn chiếm từ 70% trở lên khoảng 20% GDP trên 50% giá trị xuất khẩu công nghiệp. “Cơ cấu thành phần kinh tế chưa có sự chuyển biến trong 5 năm qua. Như vậy, 5 năm tới với kế hoạch này liệu có thay đổi được cục diện, trong khi khu vực tư nhân vẫn đang trong giai đoạn hồi sức thì FDI không ngừng mở rộng giữa cơn bão đại dịch”, đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt vấn đề.

Trong kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đang có nhiều chương trình, đề án cần phải xây dựng, nhiều trong số đó nhắm vào cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân, với nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu phát triển lực lượng doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng chính là nhóm nhiệm vụ, về phát triển lực lượng doanh nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế, giải pháp thứ ba, trong 5 nhóm được đề xuất.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nhân lo ngại khi thấy trong toàn bộ 130 chương trình, đề án thì có hơn 50 đề án phải trình trong năm nay.

“Giờ đã qua 10 tháng, thử hỏi có bao nhiêu đề án, chương trình đã được ban hành, với 2 tháng còn lại liệu có thể kịp tiến độ và chất lượng? Đồng thời, gần 80 đề án, chương trình còn lại sẽ thực hiện theo giai đoạn, có cái đến cả năm 2025 thì liệu có kịp thẩm thấu để nền kinh tế có thể được trợ lực hấp thu và chuyển biến”, đại biểu Nhân tiếp tục đặt câu hỏi.

Đáng chú ý là mục tiêu kinh tế số chiếm trên 20% tỷ trọng GDP quốc gia vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 thì việc xây dựng đề án hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa đến năm 2025, định hướng đến 2030 cũng trong Phụ lục 5 bao giờ được ban hành để kịp thực hiện theo kỳ vọng của Thủ tướng Chính phủ.

Khó giải bài toán cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước

.
Đại biểu Quốc hội Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau)

Bài toán cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước tiếp tục là bài toán khó trong 5 năm tới. 

“Theo báo cáo của Chính phủ, nội dung này mới thực hiện đạt 30%, cho thấy việc này thực hiện rất khó khăn”, đại biểu Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) nhấn mạnh.

Nhưng chậm trễ này thể hiện nhiều vấn đề hơn là tốc độ thực thi. Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Quốc hội Hà Nội) gọi đây là một trong những minh chứng cho thấy phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Cụ thể, vốn trong các doanh nghiệp nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, trong khi các khu vực tư nhân lại không có khả năng tiếp cận.

Phải nói thêm, các mục tiêu không hoàn thành này đáng ra phải hoàn tất từ năm 2019. Do đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (đoàn Quốc hội Nam Định) cho rằng, đến nay chưa hoàn thành là đã quá muộn so với kế hoạch dẫn đến không thể tập trung nguồn lực để triển khai cơ cấu lại các lĩnh vực khác.

“Vì thế, phải quan tâm hoàn thành càng sớm càng tốt. Không nên chậm trễ và không nên đề cập đến bối cảnh và điều kiện. Một nguyên nhân của việc chưa hoàn thành 3 mục tiêu nói trên được chỉ ra là do trách nhiệm của người đứng đầu”, ông Dũng thẳng thắn.

Đại biểu Đào Hồng Vận (đoàn Quốc hội tỉnh Hưng Yên) còn nhắc đến tình trạng có những lĩnh vực xã hội làm tốt mà ta vẫn cố giữ, doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, không cạnh tranh được với tư nhân, chúng ta phải bỏ tiền ra để cứu như tình trạng một số doanh nghiệp hiện nay.

“Tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, chỉ giữ lại và nâng cao sức mạnh những doanh nghiệp mang tính chủ đạo, định hướng của nền kinh tế. Còn những lĩnh vực khác mà xã hội đã và đang làm tốt, phù hợp với cơ chế thị trường thì để xã hội làm. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần phải có được sự quản lý chặt chẽ, phải được đánh giá, định giá một cách chính xác, phải được đấu giá một cách công khai, rộng rãi, minh bạch, tránh trường hợp lợi dụng làm thất thoát tài sản”, đại biểu Đào Hồng Vận đề nghị.

.
Đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Quốc hội Thái Bình)

Trước đó, trong các phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước chưa có nhiều giải pháp đột phá so với giai đoạn trước, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ hơn, chỉ tiêu cổ phần hóa cần đặt ra chỉ tiêu cao hơn, cụ thể hơn.

Đặc biệt, đại biểu Phan Đức Hiếu (đoàn Quốc hội Thái Bình) đặt kỳ vọng vào hoạt động hiệu quả hơn của Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và việc hình thành Quỹ đầu tư vốn nhà nước.

"Mục tiêu cuối cùng của nhiệm vụ cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước là cải thiện hiệu quả hoạt động, nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp này. Giai đoạn 2016-2020, việc thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là nhằm đạt được mục tiêu trên. Sắp tới, tôi đề nghị hình thành Quỹ Đầu tư vốn nhà nước trên cơ sở phát triển Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Mục tiêu là cấu trúc lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, nâng cao hiệu quả nguồn đầu tư của nhà nước, phân bổ lại nguồn lực của nền kinh tế", ông Hiếu lý giải.

Xác định 135 nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe báo cáo và cho ý kiến về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư