Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 10 tháng 10 năm 2024,
Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2021 - 2025
Lo ngại khi thấy thiếu vắng những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế
Khánh An - 30/10/2021 10:48
 
“Việt Nam định hướng trở thành nền kinh tế hùng cường, thì phải có những tập đoàn, doanh nghiệp mạnh, làm chủ trong nước, vươn ra thế giới, nắm được các lĩnh vực yết hầu của nền kinh tế”.
.
Phiên họp trực tuyến của Quốc hội sáng ngày 30/10 - Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội khóa XV.

Cơ cấu lại nền kinh tế là để kích thích các nguồn lực phát triển, tạo bứt phá. Các đại biểu Quốc hội đặt rõ yêu cầu cho Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Rất cần, nếu để tạo sự đột phá

Sáng nay, trong cuộc thảo luận tại Hội trường về Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-20225, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã nhắc đến một  số ý kiến khác mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đưa trong báo cáo thẩm tra.

Đó là “Một số ý kiến cho rằng, không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một Kế hoạch riêng vì khá nhiều nội dung của Kế hoạch trùng lặp với nội dung đã được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công 5 năm 2021 - 2025”.

“Nhưng quan điểm của tôi, cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ cần, mà rất cần thiết”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh ngay đầu phần phát biểu.

Theo phân tích của ông Cường, phải đặt vấn đề cơ cấu lại vì phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Ví dụ, khu vực doanh nhiệp nhà nước đang chiếm giữ nguồn lực lớn, trong khi sử dụng chưa hiệu quả, khu vực tư nhân lại khó tiếp cận với các nguồn lực phát triển. Nhiều vùng kinh tế có tiềm lực phát triển, nhưng lại chưa được đầu tư tương xứng, như khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có mức đầu tư hạ tầng thấp hơn các vùng kinh tế trọng điểm khác... Kinh tế biển chưa được quan tâm đúng mức.

Đặc biệt, ông Cường lo ngại khi thấy thiếu vắng những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế. Sự thiếu vắng này không chỉ thể hiện trong sự chiếm lĩnh của khu vực FDI trong tỷ trọng xuất nhập khẩu...

“Việt Nam đang định hướng trở thành nền kinh tế hùng cường, thì phải có những tập đoàn, doanh nghiệp mạnh, làm chủ trong nước, vươn ra thế giới, nắm được các lĩnh vực yết hầu của nền kinh tế. Hiện tại, chúng ta chưa có”, ông Cường nói và nhắc đến các hợp đồng thuê nhà thầu nước ngoài cho các dự án đường sắt đô thị với sự phụ thuộc lớn.

Đó là chưa kể tác động của đại dịch Covid-19, tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 buộc từng hộ gia đình, doanh nghiệp phải cơ cấu lại chứ không chỉ nền kinh tế.

“Ta cần có cơ chế đột phá để thay đổi các phương thức đầu tư, phân bổ nguồn lực... Các kế hoạch cơ cấu lại này nếu đưa ra được các giải pháp để tạo đột  phá thì Quốc hội cần thông qua; nhưng nếu chỉ dừng lại chỉ ở chỉ tiêu tiêu kinh tế thì đúng là các ý kiến băn khoăn về sự trung lắp mà Ủy ban kinh tế nhắc đến là có lý”, ông Cường nói.

Phát biểu giải trình sau phiên thảo luận sáng 30/10, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thành viên Chính phủ nhấn mạnh, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 không chỉ cần ban hành, mà phải được thực hiện cho được.

“Nếu trì hoãn, chúng ta sẽ không thể thực hiện được quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, khó thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước, không vượt qua được bẫy thu nhập trung bình, không ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các thiên tai, dịch bệnh; không tiếp cận được với cơ hội 4.0 và các cơ hội hội nhập quốc tế mà Việt Nam đã ký kết”, Bộ trưởng phát biểu.

Đặc biệt, năng lực tự chủ, thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế và cơ hội mới đang hình thành sau đại dịch cũng được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhắc đến là những thách thức mà nền kinh tế sẽ đối mặt nếu không thúc đẩy nhanh hơn, thực chất hơn, hiệu quả hơn các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, các cấp, các ngành, địa phương phải coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, vượt qua được tư duy nhiệm kỳ, tư duy lợi ích cục bộ, để chống cát cứ chia cắt, tính đến liên vùng, liên ngành, nếu không sẽ khó đem lại hiệu quả chung của nền kinh tế.

Nội hàm và bản chất của cơ cấu lại nền kinh tế là phân bổ lại nguồn lực phát triển trên phạm vi quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, từ đó nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Thực chất của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế là là quá trình thay đổi hệ thống thể chế, chính sách phù hợp với tình hình mới, điều chỉnh trong quá trình chỉ đạo điều hành để hình thành cơ cấu mới.

Như vậy, nội dung sẽ không chỉ tập trung vào cơ cấu thành phần kinh tế, các ngành kinh tế, các không gian kinh tế, mà cần quan tâm đến các ngành có lợi thế, dư địa, cơ hội kinh doanh mới để trở thành các ngành có tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho nền kinh tế.

Những lo ngại từ các nút thắt lưu cữu

Đại biểu Trần Hữu Hậu (đoàn Tây Ninh) kể lại câu chuyện của năm 2004, khi cùng Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội khóa XI tham gia thẩm tra Luật Điện lực.

“Khi ấy, chúng tôi đã rất hào hứng, bàn luận và kỳ vọng vào điều 18 và 19 về “Hình thành và phát triển thị trường điện lực”. Lúc ấy chúng tôi đều cho rằng, việc phát triển thị trường điện cạnh tranh, đặc biệt là tách bạch rõ ràng các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán điện, điều độ hệ thống điện quốc gia; trong đó, Nhà nước chỉ nắm chặt khâu then chốt, huyết mạch là truyền tải điện và điều độ hệ thống điện quốc gia... Còn lại, để cho doanh nghiệp cạnh tranh thực thụ, từ đó tạo sức bật cho ngành điện, giải quyết được những bài toán nan giải về điện đặt ra khi ấy”, đại biểu Trần Hữu Hậu chia sẻ với các đại biểu Quốc hội khóa XV.

Nhưng vấn đề là, sau 8 năm, kỳ vọng của các đại biểu Quốc hội khóa XI vẫn chưa đạt được. “”Chúng tôi lúc ấy cũng cho rằng, đây là việc khó, nhưng điều khó nhất, cái nút thắt khó gỡ nhất nằm trong tư duy  và quyết tâm, chịu làm hay không, dám làm hay không của chính ngành điện và ngành chủ quản... Tiếc rằng, bây giờ đã cuối năm 2021, nhưng chuyện có một thị trường điện thực sự có vẻ vẫn còn rất xa vời”, đại biểu Trần Văn Hậu thẳng thắn.

Lấy câu chuyện của ngành điện làm ví dụ, đại biểu Trần Văn Hậu cho rằng, trong cơ cấu lại nền kinh tế, nếu các ngành, các địa phương bắt đầu từ những mâu thuẫn trong đời sống kinh tế xã hội của đất nước; từ những bức xúc của người dân và doanh nghiệp sẽ tìm ra và tháo gỡ được những nút thắt, tạo ra được những thay đổi mang tính đột phá.

“Đó là một  trong những phương thức để có thể cơ cấu lại nền kinh tế thiết thực nhất, mạnh mẽ nhất và hiệu quả nhất”, đại biểu Hậu nhấn mạnh.

Cơ cấu lại nền kinh tế cần trọng tâm, trọng điểm, mới hơn, đột phá hơn
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư