Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Tái cơ cấu đầu tư công: Lấn cấn lựa chọn dự án ưu tiên
Hà Nguyễn - 28/10/2021 08:26
 
Dù để thúc đẩy giải ngân hay tái cơ cấu đầu tư công, thì đều phải bắt đầu bằng việc nâng cao chất lượng khâu lập, thẩm định, lựa chọn, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án đầu tư.
Dự kiến tổng mức vốn ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư công năm 2022 là trên 526.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021 Ảnh: Đức Thanh

Lấn cấn lựa chọn dự án ưu tiên, tái cơ cấu đầu tư công chưa thành

Có tới 5/22 mục tiêu cụ thể về cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2020 chưa hoàn thành, trong đó có mục tiêu nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận ASEAN-4.

Thậm chí, nếu đánh giá theo 15 chỉ tiêu về Chất lượng Thể chế quản lý đầu tư công (PIMA), do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra, điểm số chất lượng hệ thống quản lý đầu tư công của Việt Nam còn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của các quốc gia đang phát triển và các nền kinh tế chuyển đổi - các quốc gia có những nét tương đồng trong quản lý đầu tư công.

Thừa nhận điều này, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, dù đã đạt được những thành tựu đáng kể trong tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn vừa qua, như các quy định, pháp luật về đầu tư công được sửa đổi, hoàn thiện, dần khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải…, song chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn hạn chế.

“Đặc biệt, Việt Nam kém hơn ở khâu thẩm định và sắp xếp ưu tiên dự án đầu tư công và khâu thực hiện dự án đầu tư công”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Lấn cấn trong lựa chọn dự án ưu tiên dẫn tới tình trạng, giai đoạn 2016-2020, dù số lượng dự án đầu tư công đã giảm hơn một nửa so với giai đoạn 2011-2016, nhưng sau 5 năm, vẫn còn nhiều dự án chưa hoàn thành; giải ngân vốn đầu tư công dù đã được cải thiện đáng kể, nhưng chưa đạt kỳ vọng.

Trên thực tế, chuyện lấn cấn trong lựa chọn dự án ưu tiên là một trong những điểm yếu cố hữu của đầu tư công Việt Nam và nó xuất phát từ các vấn đề như tư duy nhiệm kỳ, lợi ích nhóm, cơ chế xin - cho… Nguồn lực có hạn, song dự án nào cũng muốn làm, dẫn tới đầu tư dàn trải, kém hiệu quả, chưa kể có thể kéo theo tham nhũng, lãng phí…

Thế nên mới có chuyện, hồi cuối năm ngoái và đầu năm nay, các địa phương ồ ạt đề xuất xây dựng sân bay, bất kể nguồn lực thực hiện và hiệu quả dự án đầu tư đến đâu. Những đề xuất này đã “làm khó” Chính phủ trong quá trình xây dựng Kế hoạch Đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Khi đó, chính Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và các đại biểu Quốc hội khi thảo luận và thông qua Kế hoạch Đầu tư công trung hạn đều thống nhất quan điểm cho rằng, yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất là phải lựa chọn được các dự án ưu tiên, trong bối cảnh nguồn lực có hạn.

Ban đầu, các địa phương đề xuất tới gần 6.500 dự án, với tổng nhu cầu lên tới 3,9 triệu tỷ đồng. Tuy nhiên, ngân khoản được xác định cho giai đoạn này chỉ là 2,87 triệu tỷ đồng và theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, số dự án đầu tư đã được cắt giảm xuống chỉ còn 4.979 dự án, giảm một nửa so với giai đoạn 2016-2020. Nhờ vậy, mức vốn bố trí cho từng dự án đã tăng bình quân tới 2,4 lần so với giai đoạn trước, không chỉ giúp khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải và phân tán, mà còn giúp nâng cao chất lượng đầu tư công.

Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển

Một điểm không thể không nhắc tới là, dù đã xác định yếu tố mấu chốt phải xác định được dự án ưu tiên và cả nghị quyết của Quốc hội lẫn của Chính phủ khi hướng dẫn các địa phương đều đưa ra các tiêu chí rất rõ ràng trong lựa chọn dự án đầu tư, song có vẻ như điều này chưa được cải thiện nhiều trong thực tế.

Chất lượng thể chế quản lý đầu tư công còn hạn chế, nhất là ở các khâu thẩm định, xác định thứ tự ưu tiên và thực hiện Dự án; công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra có lúc, có nơi còn chưa chặt chẽ, chưa nghiêm minh; phân cấp chưa triệt để, chưa gắn với trách nhiệm rõ ràng và năng lực của cấp dưới.

Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Một minh chứng là, trong 9 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 47,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Lý giải tiến độ giải ngân chậm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, bên cạnh việc chỉ ra một loạt nguyên nhân, từ khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đến ảnh hưởng của Covid-19…, đã chỉ ra một nguyên nhân cốt yếu khác.

Đó là chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị dự án đầu tư công ở một số bộ, ngành, địa phương còn nhiều bất cập, mang tính hình thức, dẫn đến việc nhiều dự án được giao kế hoạch, nhưng chưa thể triển khai. Đây chính là nguyên nhân khiến nhiều bộ, ngành, địa phương đã phải xin “trả lại” 25.000 tỷ đồng vốn kế hoạch năm 2021 vì không thể giải ngân.

Rõ ràng, để tái cơ cấu đầu tư công thành công, phải khắc phục các điểm yếu đó nhanh chóng, trước mắt là ngay trong năm 2022.

Thông tin cho biết, dự kiến, tổng mức vốn ngân sách nhà nước bố trí cho đầu tư công năm 2022 là trên 526.000 tỷ đồng, tăng 10,2% so với kế hoạch năm 2021. Nguyên tắc phân bổ vốn được xác định rất rõ ràng là phải tuân thủ các quy định của Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, quyết định và chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Cùng với đó, phải đảm bảo thực hiện các mục tiêu và các định hướng phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bố trí vốn tập trung, khắc phục triệt để phân tán, dài trải.

Ngân khoản này sẽ được tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ, chương trình, dự án, ngành, lĩnh vực, vùng trọng tâm, ưu tiên; tuân thủ thứ tự bố trí vốn theo quy định pháp luật; bảo đảm công khai, minh bạch.

Trách nhiệm còn lại là của người đứng đầu, lãnh đạo các địa phương, những người quyết định phân bổ vốn cụ thể cho từng dự án, làm sao lựa chọn đúng dự án ưu tiên, chuẩn bị dự án tốt để không chỉ thúc đẩy giải ngân, nâng cao hiệu quả đầu tư công, mà còn góp phần tái cơ cấu đầu tư công.

Và tất nhiên, còn là sự chuẩn bị dài hơn cho kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công trong giai đoạn 2021-2025. Theo kế hoạch, để thúc đẩy tái cơ cấu đầu tư công giai đoạn tới, các nhiệm vụ và giải pháp được ưu tiên là huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, gắn kết danh mục đầu tư với nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế, chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải, manh mún, bố trí vốn phân tán, không đúng trọng tâm, trọng điểm, không theo thứ tự ưu tiên; đảm bảo nguyên tắc “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Đồng thời, cần nâng cao chất lượng thể chế đầu tư công, hướng tới thông lệ quản lý đầu tư công tốt trên thế giới, trong đó tập trung hoàn thiện các khâu: thẩm định, lựa chọn dự án; tổ chức thực hiện; giám sát, đánh giá.

Sửa luật để thúc giải ngân vốn đầu tư công
Đã có những điều khoản quan trọng trong Luật Đầu tư công được đề xuất sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư công,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư