Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
Tái cơ cấu ngân hàng 2021-2025: Trọng tâm là nợ xấu và ngân hàng yếu kém
Hà Tâm - 20/10/2021 10:28
 
Tái cơ cấu ngân hàng 5 năm tới sẽ là một trong những nội dung được Quốc hội mổ xẻ tại kỳ họp thứ hai, khai mạc sáng 20/10.

Trước khi tiến tới một nền ngân hàng lành mạnh, an toàn, hiệu quả và hiện đại, tái cơ cấu ngân hàng đang gặp thách thức lớn với nợ xấu và “khối u” ngân hàng yếu kém. 

Thành tựu nổi bật nhất của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn vừa qua là sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, thanh khoản hệ thống tốt, chỉ số sinh lời tăng, vốn tự có tăng.

Hai vướng mắc lớn

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ lắng nghe và thảo luận về Kế hoạch Tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, trong đó có Kế hoạch Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, thời gian qua, việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm tính ổn định, an toàn hệ thống. Khung khổ pháp lý, cơ chế, chính sách tiền tệ, tín dụng, ngân hàng được hoàn thiện, tiệm cận với chuẩn mực, thông lệ quốc tế. Đến nay, các ngân hàng cơ bản đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo quy định áp dụng Tiêu chuẩn Basel II.

Bên cạnh đó, tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý; tình trạng thao túng, chi phối ngân hàng đã được hạn chế và từng bước được kiểm soát. Hệ thống tổ chức tín dụng đã được củng cố một bước, nâng cao hơn năng lực quản trị; xử lý nợ xấu được thực hiện một cách thực chất, hiệu quả hơn. Nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng được xử lý, kiểm soát và tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức an toàn; lãi suất cho vay trung bình giảm mạnh…

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định, thành tựu nổi bật nhất của tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn vừa qua là sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, thanh khoản hệ thống tốt, chỉ số sinh lời tăng, vốn tự có tăng. Mặc dù vậy, vấn đề đáng ngại nhất hiện nay là nợ xấu, sở hữu chéo và xử lý ngân hàng yếu kém.

Sở hữu chéo trực tiếp ngân hàng - doanh nghiệp đã giảm mạnh, song tình trạng ông chủ bất động sản đứng sau ngân hàng không giảm, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng. Bên cạnh đó, nợ xấu có nguy cơ bùng lên do Covid-19.

Báo cáo của Chính phủ cũng thừa nhận, Covid-19 có thể khiến mục tiêu nợ xấu không hoàn thành. Theo tính toán của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nếu tính cả nợ nội bảng, nợ ngoại bảng và nợ cơ cấu lại thì tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn lên tới 7,21% (cuối năm 2020 là 5,08%).

Ba ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng Đông Á là bài toán hóc búa nhất hiện nay. NHNN đang khẩn trương phối hợp các bộ, ngành và cơ quan liên quan để hoàn thiện phương án xử lý, cơ cấu lại của Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Đại Dương theo định hướng mới; tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Dầu khí toàn cầu và Ngân hàng Đông Á xây dựng, hoàn thiện phương án cơ cấu lại để xem xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền.

NHNN đã tập trung chỉ đạo các ngân hàng này chủ động, tích cực tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng; sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí...

Bốn mục tiêu tái cơ cấu

Theo mục tiêu mà Chính phủ đề ra, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng thời gian tới sẽ tập trung vào 4 mục tiêu cụ thể.

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, hỗ trợ tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu một cách thực chất, hiện đại hóa công nghệ ngân hàng, áp dụng các chuẩn mực quốc tế…

Trọng tâm tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn tới là phải tập trung giải quyết nợ xấu do Covid-19 gây ra. Muốn vậy, Quốc hội cần sớm ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu. Ngoài ra, ngành ngân hàng phải tạo được đột phá về quản trị, giải quyết dứt điểm bài toán sở hữu chéo. Đồng thời, phải tập trung giải quyết rốt ráo các ngân hàng yếu kém, củng cố chất lượng các ngân hàng nhỏ và vừa.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng

Thứ hai, tiếp tục chấn chỉnh, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính chất thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng có liên quan.

Thứ ba, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của các tổ chức tín dụng ở dưới mức 3%.

Thứ tư, thúc đẩy tín dụng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng kinh tế xanh.

Trong đó, theo các chuyên gia, muốn đạt được các mục tiêu này, cần nhấn mạnh 2 trọng tâm nhất là xử lý nợ xấu và xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém.

Theo TS. Vũ Nhữ Thăng, Phó chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn vừa qua đã ghi nhận được nhiều kết quả tích cực, như xử lý nợ đạt kết quả khả quan, thanh khoản ổn định… Tuy vậy, theo ông Thăng, hệ thống ngân hàng vẫn tiềm ẩn những rủi ro và hạn chế, như nợ xấu vẫn còn lớn và cơ chế xử lý còn nhiều vướng mắc, tỷ lệ an toàn vốn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực, tái cơ cấu ngân hàng yếu kém diễn ra còn chậm…

Trong bối cảnh này, Quốc hội cần sớm ban hành luật riêng về xử lý nợ xấu, giúp ngân hàng có thể tái cơ cấu thuận lợi trong giai đoạn tới.

TS. Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, để bán cho các nhà đầu tư nước ngoài hoặc sáp nhập, trước hết phải xử lý hết lỗ lũy kế của các ngân hàng này. Muốn vậy, điều kiện tiên quyết là phải giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp để thanh lý tài sản thế chấp nhằm thu hồi nợ và làm sạch bảng cân đối tài sản.

Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị, câu chuyện chuyển đổi số ngân hàng phải được đặt lên hàng đầu. Muốn vậy, các hành lang pháp lý liên quan đến ngân hàng số phải thực sự cởi trói cho các ngân hàng, fintech.

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết  84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!

“Trái ngọt” từ quá trình tái cơ cấu ngân hàng
Hoạt động tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã đi qua chặng đường gần 7 năm, trong đó giai đoạn I kết thúc năm 2015 và giai đoạn II bắt...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư