Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
“Trái ngọt” từ quá trình tái cơ cấu ngân hàng
Vân Linh - 14/10/2019 20:32
 
Hoạt động tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã đi qua chặng đường gần 7 năm, trong đó giai đoạn I kết thúc năm 2015 và giai đoạn II bắt đầu từ năm 2016 đến 2020. Quá trình tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng vừa qua đã gặt hái những thành quả khá quan trọng.
Sau giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh.
Sau giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh.

Sức khoẻ của các ngân hàng đã tốt lên rất nhiều

Nếu năm 2012, hệ thống tổ chức tín dụng có 9 ngân hàng yếu kém, sau đó có thêm một số trường hợp nữa như OceanBank, DongABank…, thì đến nay, chỉ còn 3 ngân hàng yếu kém và DongABank cần phải tái cơ cấu mạnh mẽ. Nhiều cái tên trong quá khứ từng là “nỗi ám ảnh” với không chỉ cơ quan quản lý, mà cả thị trường, thì đến nay, cũng đã vươn mình mạnh mẽ và cho những trái ngọt như TPBank (trước là Tienphongbank), SCB (ngân hàng hợp nhất giữa 3 ngân hàng yếu kém SCB, FicomBank và TinNghiaBank), NCB (trước đây là Navibank)…

Hay những ngân hàng từng phải gánh thêm một ngân hàng yếu khiến hoạt động bị chùng xuống như BIDV gánh MHB, Sacombank với SouthernBank, thì nay cũng đã ghi đậm dấu ấn trên thị trường với các kết quả tích cực.

Ngoài ra, một số ngân hàng nhỏ tự tìm đến ngân hàng lớn để sáp nhập tự nguyện nhằm nâng cao năng lực tài chính để có vị thế vững mạnh hơn trên thị trường như DaiA Bank sáp nhập HDBank hay MDB nhập vào Maritime Bank, ACB dùng nội lực để vươn lên sau biến cố kéo dài liên quan đến các cựu lãnh đạo ngân hàng này… cũng là những thành tựu không thể phủ nhận của quá trình tái cơ cấu.

Các thành quả đạt được từ khi đẩy mạnh tái cơ cấu

Sau giai đoạn tái cơ cấu vừa qua, chất lượng tài sản của các ngân hàng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu đã giảm mạnh. Nếu như giai đoạn bắt đầu tái cơ cấu, tỷ lệ nợ xấu cả nội bảng lẫn ngoại bảng của toàn hệ thống ở mức hai chữ số, thì đến nay, nợ xấu đã giảm về rất sâu. Số liệu được cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống tổ chức tín dụng chỉ còn 1,94% - mức rất thấp và thấp hơn nhiều so với mức 3% mục tiêu đề ra; còn nếu tính cả nợ xấu nội bảng lẫn nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), nợ tiềm ẩn…, thì tổng nợ xấu cũng chỉ hơn 5% một chút.

Nợ xấu giảm mạnh một phần do các ngân hàng nỗ lực xử lý, một phần khác nhờ VAMC và đặc biệt là Nghị quyết 42/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu. Nhưng phần quan trọng hơn cả, kết quả này có được nhờ quyết tâm cao của Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng, đưa hình ảnh của các tổ chức tín dụng tại Việt Nam trở nên đẹp hơn trong mắt nhà đầu tư và thị trường.

Sau quá trình tái cơ cấu vừa qua, năng lực quản trị rủi ro của các ngân hàng đã được nâng cao. Hiện đã có 11 ngân hàng đạt tiêu chuẩn Basel II là Vietcombank, ACB, MB, Techcombank, VPBank, HDBank, VIB, MSB, OCB và TPBank.

Cùng với đó, môi trường kinh doanh ngân hàng được lành mạnh hóa. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, thị trường vàng và lĩnh vực ngân hàng được chấn chỉnh và nâng cao, góp phần ổn định, bảo đảm an ninh tài chính - tiền tệ. Cụ thể, thị trường vàng đã được quản lý bằng Nghị định số 24/2012/NĐ-CP và không còn hiện tượng đầu cơ vàng, tình trạng đô la hoá, vàng hoá nền kinh tế được đẩy lùi.

Khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng được hoàn thiện một bước quan trọng. Những năm qua, nhờ công tác thanh tra, giám sát được tăng cường, nên Ngân hàng Nhà nước chủ động phát hiện, xử lý và triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại nhằm xử lý những tồn tại, yếu kém cố hữu và vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng, trong đó ưu tiên áp dụng các biện pháp kinh tế để khắc phục hậu quả, thu hồi triệt để tài sản cho ngân hàng. Với quyết tâm của toàn ngành, nhiều vụ án lớn trong lĩnh vực ngân hàng được đưa ra xét xử nghiêm minh, đủ sức răn đe, các mối quan hệ sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng được xử lý gần như dứt điểm.

Tín hiệu tích cực của giai đoạn tiếp theo

Theo Đề án Tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1058/QĐ-TTg năm 2017, một trong các mục tiêu toàn ngành hướng tới là tiếp tục tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống; giảm số lượng tổ chức tín dụng yếu kém để có số lượng các tổ chức tín dụng phù hợp, có quy mô và uy tín, hoạt động lành mạnh, bảo đảm tính thanh khoản.

Trong hơn 3 năm thực hiện vừa qua, hệ thống ngân hàng đã đón nhận thêm nhiều trái ngọt hơn nữa của hoạt động tái cơ cấu. Đó là sự hồi sinh đang hiện rõ ở Sacombank, những cú bứt phá mạnh mẽ của ACB sau biến cố kéo dài, những cây cho trái ngọt như TPBank đã thay da đổi thịt.

Nếu năm 2020 là năm cuối của chặng đường tái cơ cấu giai đoạn II, thì năm 2019 được đánh giá là năm bản lề để mở ra những bứt phá mới trong hoạt động tái cơ cấu đối với 3 ngân hàng yếu kém, đã thu hút được sự chú ý của một số nhà đầu tư. Có thể kể đến vài cái tên như Tập đoàn J. Trust của Nhật Bản (để ý tới CBBank), Maruhan cũng của Nhật Bản quan tâm OceanBank; các tập đoàn như Srisawad Corporation (Thái Lan), Clermont (Singapore)… cũng bày tỏ ý định tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém Việt Nam.

Ngoài việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, hoạt động tái cơ cấu giai đoạn II còn được thực hiện đồng loạt tại tất cả các ngân hàng khác. Bởi vậy, theo đánh giá của giới phân tích, nếu các phương án trên được hiện thực hoá, thì tương lai hoạt động tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng năm 2020 sẽ còn thêm nhiều điểm sáng hơn.

Một tương lai của ngành ngân hàng Việt Nam với 1-2 ngân hàng tầm cỡ khu vực; 15 - 20 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel II, sức khoẻ tài chính toàn hệ thống được đảm bảo và nợ xấu ở mức dưới 3% đang nằm trong tầm tay.

Vươn mình mạnh mẽ

Tính đến năm 2019, toàn hệ thống ngân hàng đã có 11 nhà băng ghi nhận tổng tài sản trên 10 tỷ USD, tức hơn 230.000 tỷ đồng, trong đó có 4 ngân hàng thương mại nhà nước ghi nhận tổng tài sản trên 1 triệu tỷ đồng. Cũng trong năm nay, 19 đại diện của Việt Nam đã lọt vào top 500 ngân hàng lớn mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó nhóm dẫn đầu của Việt Nam bao gồm Vietcombank, VietinBank, MB, Techcombank, BIDV, HDBank, ACB, Agribank…

Nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng: Có dễ sở hữu 100% nhà băng Việt?
Việc Tập đoàn J Trust (Nhật Bản) đề xuất mong muốn tham gia cơ cấu lại Ngân hàng Xây dựng (CBBank) một lần nữa xới lên câu chuyện nhà đầu tư...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư