Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 17 tháng 11 năm 2024,
Cổ phiếu họ FLC chất sàn, nhóm ngân hàng “gánh” thị trường
Thanh Thuỷ - 30/03/2022 16:09
 
Sắc đỏ áp đảo, toàn sàn có 42 mã giảm kịch biên độ. Toàn bộ cổ phiếu họ FLC trắng bên mua. Trụ cột chính nâng đỡ thị trường là cổ phiếu ngành ngân hàng, bảo hiểm cùng nhiều bluechips.

VN30-Index vững vàng trước tin bắt lãnh đạo FLC

FLC và các cổ phiếu liên quan tiếp tục là tâm điểm khi nhà đầu tư đang tháo chạy khỏi nhóm cổ phiếu này. Trắng bên mua, khối lượng khớp lệnh thành công nhỏ giọt trong khi lượng cổ phiếu dư bán sàn chất đống. Chỉ riêng cổ phiếu FLC, dư bán sàn có thời điểm vượt trăm triệu cổ phiếu, một số lệnh bán được huỷ nên đến cuối phiên chỉ còn 96,6 triệu cổ phiếu giá sàn chưa được khớp. Số lượng cổ phiếu giao dịch thành công trong phiên gần 886.000 đơn vị, trong đó, riêng khối ngoại mua vào 30%. Tính chung các cổ phiếu liên quan gồm ROS, AMD, ART, KLF, HAI…, tổng lượng đặt bán giá sàn và ATC đến cuối phiên xấp xỉ 200 triệu đơn vị.

Cuối giờ chiều ngày 29/3/2022, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ban hành quyết định khởi tố vụ án hình sự, các quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam đối với Trịnh Văn Quyết, đồng thời, tổ chức khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại 21 địa điểm đối với các đối tượng liên quan. Trước đó, cơ quan điều tra đã tiến hành xác minh đối với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC, các cá nhân thuộc Tập đoàn FLC, Công ty CP Chứng khoán BOS (mã ART) và các công ty có liên quan về hành vi "Thao túng thị trường chứng khoán", "Che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán" xảy ra ngày 10/01/2022, gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trong thông cáo phát đi ngay tối qua, Tập đoàn FLC nhấn mạnh vụ việc có liên quan đến việc cá nhân ông Trịnh Văn Quyết. Tập đoàn FLC không phải là chủ thể có liên quan và/hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc.Đồng thời, Chủ tịch HĐQT FLC cũng đã tiến hành ủy quyền cho Phó Tổng Giám đốc Vũ Đặng Hải Yến thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt; giữ toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp.

Trước đó, những thông tin tiêu cực cũng đã kéo cổ phiếu họ FLC nằm sàn hai phiên đầu tuần. Ngoài lực bán từ các nhà đầu tư, áp lực về khả năng cổ phiếu đang được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay có thể bị giải chấp trong tương lai cũng đè nặng nhóm cổ phiếu này.

Cũng ngay tối qua, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cũng đã gửi thông cáo đến các nhà đầu tư về vụ việc này, trong đó khuyến nghị các nhà đầu tư bình tĩnh, phân tích nhìn nhận đầy đủ. Đây không phải lần đầu thị trường chứng khoán đối diện với thông tin bắt bớ các nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thị trường.

Ở phiên sáng, giao dịch trên thị trường vẫn ở trạng thái giằng co, có khoảng thời gian vượt qua mốc 1.500 điểm. Nhóm cổ phiếu ngân hàng đóng vai trò trụ đỡ chính và tác động tích cực nhất đến VN-Index. Tuy vậy, thị trường lại rung lắc khá mạnh đầu giờ chiều. VN-Index đóng cửa giảm 7,8 điểm (-0,48%) xuống 1.490,5 điểm. UPCoM-Index giảm 0,49 điểm (-0,42%) xuống 117,03 điểm. Trong khi đó, HNX-Index giảm 10,05 điểm (-2,18%) xuống 451,19 điểm.

Sắc đỏ áp đảo, VN30-Index vững vàng trước tin bắt bớ

Toàn sàn có 615 mã gảm, 42 mã giảm sàn nhưng vẫn còn 294 mã tăng và có 32 mã tăng kịch biên độ. Cổ phiếu ngân hàng và bảo hiểm giao dịch tích cực. Nhóm này cũng là trụ đỡ chính giúp kìm chân đà giảm của chỉ số chung. Có tới 7 cổ phiếu nhà băng góp mặt trong nhóm 10 mã chứng khoán tác động đến thị trường, lần lượt là BID, VIB, SSB, MBB, VPB, HDB và TCB. Trên sàn HoSE, VN30-Index đóng cửa chỉ giảm vỏn vẹn 0,02%. Trong khi đó, VNMid-Index và VNSML-Index lần lượt giảm 1,02% và 2,08%. Cổ phiếu vốn hoá lớn như rổ danh mục VN30 khá vững vàng trước thông tin tiêu cực.

Còn trên sàn HNX, hai cổ phiếu nâng đỡ chính là PVI và PTI với mức tăng lần lượt 3,56% và 4,62%. Cổ phiếu của Tái bảo hiểm Quốc gia VN (VNR) cũng tăng 1,81% và nằm trong top 5 cổ phiếu góp điểm tăng nhiều nhất. Trong khi đó, ở chiều ngược lại, HUT, CEO và L14 – các cổ phiếu bất động sản từng có giai đoạn tăng nóng lại là nhóm điều chỉnh mạnh và kéo HNX-Index giảm sâu.  

Khối ngoại quay lại mua ròng

Thanh khoản thị trường ở mức cao với tổng giá trị giao dịch hơn 35.400 tỷ đồng. Các cổ phiếu dẫn đầu về thanh khoản lần lượt là DPM, MBB, DIG, NKG và DGC. Cổ phiếu DPM là cổ phiếu duy nhất phiên hôm nay cán mốc thanh khoản nghìn tỷ đồng. DPM đóng cửa giảm kịch biên độ. Đây cũng là mức giá được giao dịch nhiều nhất trong phiên (hơn 31% tổng khối lượng giao dịch). Trừ DGC, hầu hết các cổ phiếu phân bón đều đóng cửa giảm sàn. Tuy vậy, xét cả giai đoạn, mức điều chỉnh hôm nay vẫn khá nhỏ so với đà tăng thời gian qua của nhóm cổ phiếu này.

Khối ngoại mua ròng hơn 122 tỷ đồng ở sàn HoSE. Trong đó, DGC là cổ phiếu được mua nhiều nhất (181 tỷ đồng), ở chiều ngược lại, cổ phiếu hai ông lớn bất động sản là VHM và VIC đều bị bán ròng khá mạnh, quanh khoảng 50 tỷ đồng.

Sacombank nói gì về các khoản nợ vay của FLC
Sacombank khẳng định các khoản vay của FLC Group đảm bảo tuân thủ pháp luật và an toàn.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư