Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 04 tháng 10 năm 2024,
Cổ phiếu ITA tăng nóng và tín hiệu cảnh báo
Duy Bắc - 08/06/2023 14:02
 
Không chỉ bật tăng theo “sóng” cổ phiếu vừa và nhỏ, cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo còn hút dòng tiền bởi thông tin về hoạt động đầu tư và kế hoạch niêm yết tại Mỹ. Tuy nhiên, động thái tăng nóng cũng phát đi những tín hiệu cảnh báo.
Cổ phiếu ITA bật tăng chủ yếu nhờ kỳ vọng. Trong ảnh: Khu công nghiệp do Tân Tạo đầu tư. Ảnh: Lê Toàn

Giá cổ phiếu bật mạnh, thanh khoản tăng đột biến

Trong khoảng 10 phiên giao dịch gần đây, thị trường chứng khoán chứng kiến sự bùng nổ của nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ. Trong đó, nổi bật là cổ phiếu ITA của Công ty cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo.

Thống kê từ ngày 19/5 đến ngày 5/6/2023, cổ phiếu ITA tăng 32,6%, từ 4.200 đồng/cổ phiếu lên 5.570 đồng/cổ phiếu và vẫn tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Nếu tính từ ngày 15/11/2022 tới nay, cổ phiếu ITA đã tăng 119%, từ mức 2.590 đồng/cổ phiếu.

Với những bước bật tăng liên tiếp, gần đây, cổ phiếu ITA xuất hiện một số tín hiệu cảnh báo với nhà đầu tư. Cụ thể, chỉ báo RSI dao động lên vùng 89 (cao hơn 70), thể hiện tình trạng quá mua. Sau khi hồi phục, từ ngày 19/5 đến 1/6, cổ phiếu ITA xuất hiện các phiên giao dịch với giá cổ phiếu tăng nước rút, thanh khoản tăng đột biến  - đây là dấu hiệu nhà đầu tư lớn có thể tận dụng thanh khoản cao để bán cổ phiếu với khối lượng lớn mà nhà đầu tư cá nhân không chú ý.

Thực tế, khi cổ phiếu tăng và kéo nước rút trong 10 phiên giao dịch gần đây, nhà đầu tư bất ngờ có thêm câu chuyện mới để kỳ vọng khi bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT Tân Tạo chia sẻ về kế hoạch niêm yết tại Mỹ với các dự án đầu tư khu công nghệ cao và dược phẩm:

“Mục tiêu của liên doanh là niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York (NYSE) trong vòng 2 - 3 năm tới. Dự án chắc chắn rất khả thi. Chúng ta liên doanh với các đối tác tại Mỹ, bao gồm cả các trường đại học tại thung lũng Silicon như Stanford. Khu công nghệ cao nằm tại vị trí đắc địa kế cận sân bay, có rất nhiều lợi thế. Đây là dự án đầu tiên được cấp giấy phép của bang California để sản xuất tinh chất thuốc chữa bệnh, sản phẩm phục vụ sức khỏe, ăn uống, giải khát, mỹ phẩm. Công ty đang tiếp tục đàm phán với đối tác khác để có thêm quỹ đất phát triển”, bà Yến thông tin

Được biết, trong quý II/2022, Tân Tạo ghi nhận tạm ứng 1.973 tỷ đồng (khoảng 15% tổng tài sản của Công ty) để chuyển cho bà Yến, nhưng sau đó công bố lại Báo cáo tài chính, đính chính số tiền tạm ứng giảm xuống, còn 633 tỷ đồng, do hạch toán sai.

Trong Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) các năm 2019, 2020, 2021 và năm 2022, Tân Tạo đã thông qua và ủy quyền cho bà Yến ra các quyết định hợp tác, liên doanh Dự án Khu dược phẩm công nghệ cao và kính thông minh.

Mặc dù vậy, tính tới cuối năm 2022, Tân Tạo không sở hữu công ty con nào có địa chỉ tại Mỹ và giá trị ủy thác cho bà Yến là 14,1 tỷ đồng. Trong đó, Công ty Clearist Par, Inc (Mỹ) xác nhận đã nhận 14,1 tỷ đồng, các thông tin dự án cụ thể đầu tư tại Mỹ không được công bố.

Qua đó, có thể thấy, hoạt động đầu tư tại Mỹ cũng như kế hoạch niêm yết của Tân Tạo vẫn cần thêm thời gian và chưa thể phản ảnh trực tiếp vào tình hình tài chính của Công ty trong những tháng còn lại của năm 2023.

Không dễ đáp ứng các điều kiện niêm yết tại Mỹ

Được biết, để được niêm yết trên sàn chứng khoán New York, doanh nghiệp cần đạt các điều kiện tối thiểu như: tổng thu nhập năm gần nhất tối thiểu 75 triệu USD; tổng lợi nhuận trước thuế của 3 năm gần nhất là 10 triệu USD. Trong đó, 2 năm gần nhất, tổng lợi nhuận tối thiểu phải đạt 2 triệu USD và năm đầu tiên phải có lãi; giá trị vốn hoá thị trường tối thiểu đạt 100 triệu USD… cùng nhiều tiêu chí khác.

Thêm nữa, NYSE là sàn có nhiều cổ phiếu bluechip, giá cổ phiếu trên sàn luôn ở mức cao,  các doanh nghiệp có quy mô vốn vừa và nhỏ khó có lợi thế khi niêm yết ở sàn này.

Quay trở lại câu chuyện của Tân Tạo, trên thực tế, hoạt động đầu tư ở Mỹ vẫn chưa được công bố. Vốn hóa của Công ty tại thời điểm 1/6/2023 là 226 triệu USD; doanh thu năm 2022 âm 66 triệu USD; tổng tài sản cuối năm 2022 là 520,1 triệu USD.

Như vậy, ngay cả Công ty Tân Tạo ở thời điểm hiện tại cũng không đáp ứng điều kiện niêm yết tại NYSE. Việc niêm yết một mảng kinh doanh trên thị trường chứng khoán Mỹ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cũng như cần thêm thời gian để dự án tại Mỹ có hoạt động kinh doanh tạo ra lợi nhuận, đáp ứng điều kiện niêm yết tối thiểu.

Có thể thấy, trong ngắn hạn, khi thị trường hồi phục, đặc biệt, nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ đang hút dòng tiền, việc doanh nghiệp có thêm những kế hoạch kỳ vọng đã thúc đẩy dòng tiền đầu cơ đổ vào cổ phiếu, đẩy giá cổ phiếu tăng nóng.

Tuy nhiên, dòng tiền đầu cơ thường khó duy trì và trên thực tế, việc nhà đầu tư không “thoát hàng” đúng thời điểm có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ. Điều này từng diễn ra nhiều lần với các “đợt sóng” cổ phiếu vừa và nhỏ. Đơn cử, sau khi chạm đỉnh ngày 6/1/2022 là 18.550 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu ITA đã giảm 86% giá trị, về 2.590 đồng/cổ phiếu (ngày 15/11/2022) và hiện tại thấp hơn 69,5% so với giá đỉnh ngày 6/1/2022.

Bên cạnh thông tin về đầu tư dự án tại Mỹ, Tân Tạo còn chia sẻ kế hoạch phát triển thêm Khu công nghiệp Tân Tạo - Long An với quy mô 414,7 ha tại xã Bình Hòa Nam (huyện Đức Huệ, tỉnh Long An). Sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Tân Tạo sẽ tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư Dự án theo đúng quy định.

Tương tự câu chuyện niêm yết tại NYSE, dự án này cũng chưa thể lập tức bổ sung vào bức tranh tài chính của Công ty.

Năm 2021, Tân Tạo lỗ 404,1 tỷ đồng; năm 2022 lỗ 260,4 tỷ đồng. Quý I năm nay, Công ty chỉ lãi 14,76 tỷ đồng, giảm 8,5% so với cùng kỳ năm 2022 và hoàn thành 5,9% kế hoạch năm 2023.
Tập đoàn Tân Tạo đăng ký mua thêm 20 triệu cổ phiếu ITA
CTCP Tập đoàn Tân Tạo, tổ chức có liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA – sàn HOSE) đã...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư