Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Cổ phiếu ngân hàng có tăng giá khi lên sàn?
Vân Linh - 10/10/2019 10:21
 
Trong khi giá cổ phiếu của không ít ngân hàng niêm yết trên sàn HNX và HoSE, cũng như sàn UPCoM đều trên mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thì không ít cổ phiếu “vua” đang giao dịch trên sàn OTC có giá chỉ tính bằng đồng, có cổ phiếu chỉ còn 3.000 - 4.500 đồng/cổ phiếu.
.
Nhóm cổ phiếu “vua” vẫn giữ được sự ổn định và tiếp tục hút dòng tiền của nhà đầu tư.

Cổ phiếu giá “bèo”

Một số cổ phiếu ngân hàng đang giao dịch trên sàn OTC có giá dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu như cổ phiếu của DongABank có giá 2.800 - 3.200 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của PVCB giá 3.500 - 3.900 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của Ngân hàng Việt Á giá 3.200 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của PG Bank giá 8.500 đồng/cổ phiếu, cổ phiếu của BVBank chỉ còn 4.500 đồng/cổ phiếu...

Một số cổ phiếu của các ngân hàng có kế hoạch lên sàn HoSE năm nay có giá cao hơn mệnh giá chút đỉnh. Đơn cử, giá cổ phiếu của OCB khoảng 14.800 - 15.000 đồng/cổ phiếu, tăng khoảng 1.000 đồng/cổ phiếu so với tháng trước. Giao dịch cổ phiếu của OCB trên thị trường khá sôi động, nhất là sau khi có thông tin cổ phiếu này sẽ được niêm yết cuối năm nay.

So với các cổ phiếu “vua” đang giao dịch trên sàn OTC, cổ phiếu DAB của DongA Bank có chiều hướng tăng từ dưới 1.000 đồng/cổ phiếu lên sàn 1.100 đồng/cổ phiếu thời gian gần đây. Nguyên nhân được cho là tác động tích cực của thông tin DongA Bank tiến hành Đại hội cổ đông bất thường vào ngày 12/10 tới đây để thông qua kế hoạch phát hành cổ phiếu bù âm vốn điều lệ dưới 5.000 tỷ đồng.

Thêm một thông tin khác đang xuất hiện trên thị trường, đó là DongA Bank chuẩn bị về chung nhà với HDBank, kể cả khi HDBank đang trong quá trình sáp nhập thêm PGBank dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay. Một chuyên gia tài chính - tiền tệ cho rằng, nếu thương vụ này thành công, thì chắc chắn, cổ phiếu DAB sẽ tăng dần. 

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, nhà đầu tư nên cân nhắc, bởi DongA Bank đang trong quá trình kiểm soát đặc biệt, nên có thể không được chuyển nhượng cổ phiếu sau khi giao dịch thành công. Trước đó, kể từ cuối năm 2015, khi DongA Bank rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt, cổ đông không được chuyển nhượng cổ phiếu, trong trường hợp đặc biệt phải được sự chấp thuận của Ngân hàng Nhà nước.

Lên sàn có tăng giá?

Sở dĩ giá cổ phiếu của các ngân hàng đang giao dịch trên sàn OTC chỉ bằng giá một bó rau muống hoặc chưa bằng cốc trà đá là do quy mô của những nhà băng này còn nhỏ, hoạt động không mấy hiệu quả, trừ một số nhà băng chuẩn bị niêm yết trên sàn HoSE, bỏ qua giai đoạn UPCoM như OCB, Nam A Bank, MSB...

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho hay, Ngân hàng sẽ sớm đưa cổ phiếu niêm yết trên HoSE cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB khẳng định, sẽ sớm đưa cổ phiếu lên HoSE sau khi hoàn tất thủ tục cuối năm.

Viet Capital Bank đang hoàn tất thủ tục đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM trong quý này. Cổ phiếu VBB của VietBank đã lên sàn UPCoM trong quý II/2019, hiện giao dịch với giá 15.400 đồng/cổ phiếu. Saigonbank cũng đang làm thủ tục lên UPCoM.

Đề án “Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến 2025” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối tháng 2/2019 đã đề ra một loạt giải pháp cơ cấu lại thị trường. Trong đó, bắt buộc các ngân hàng thương mại lên sàn là một trong các biện pháp nhằm đa dạng cơ sở hàng hóa trên thị trường. Đề án yêu cầu thực hiện việc niêm yết, đăng ký giao dịch cổ phiếu của các ngân hàng thương mại theo hướng đến hết năm 2020, 100% ngân hàng thương mại phải niêm yết trên sàn.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, thời gian tới, các nhà đầu tư sẽ có lợi nhuận khi đầu tư vào một số cổ phiếu ngân hàng có mức giá thấp, bởi kinh tế vĩ mô tiếp tục diễn biến tích cực; việc áp dụng chuẩn Basel II và làn sóng góp vốn từ nhà đầu tư ngoại sẽ giúp các ngân hàng tăng quy mô tài chính, hoạt động an toàn và minh bạch hơn.

Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nhận định, cổ phiếu của những ngân hàng sắp niêm yết sẽ được nhà đầu tư quan tâm. Tuy nhiên, sự phân hóa trong hệ thống về hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận của các ngân hàng sẽ là yếu tố quyết định trước khi nhà đầu tư rót vốn vào cổ phiếu “vua”.

Cổ phiếu “vua” vẫn giữ được sự ổn định

Thời gian gần đây, dù nhiều thời điểm thị trường giảm điểm, nhưng nhóm cổ phiếu “vua” vẫn giữ được sự ổn định và tiếp tục hút dòng tiền của nhà đầu tư. Trong đó, một số cổ phiếu VCB, TCB, ACB, MBB… vẫn tăng điểm, bất chấp thị trường giảm điểm. Nhà đầu tư không chỉ nhìn vào cổ phiếu có vốn hóa lớn, thanh khoản lớn, có khả năng tăng điểm tốt, hay thu hút nhà đầu tư, mà còn quan tâm đến tiềm năng cũng như sự phát triển trong thời gian tới của ngân hàng.

Cổ phiếu ngân hàng lên sàn chứng khoán: Không còn đường lùi
Chủ trương mới yêu cầu đến hết năm 2020, tất cả các ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Như vậy, các ngân hàng đã không...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư