Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 10 tháng 01 năm 2025,
Cổ phiếu vua bất ngờ hồi phục, nhưng chưa đủ “cứu” sắc xanh của VN-Index
Thanh Thuỷ - 07/09/2021 16:05
 
Phần lớn thời gian giao dịch trong tình trạng “xanh vỏ đỏ lòng”, nhưng cú rơi mạnh nửa cuối phiên chiều đã khiến VN-Index đóng cửa trong sắc đỏ, chấm dướt chuỗi tăng liên tiếp 5 phiên gần đây.

Sắc đỏ chiếm ưu thế bất chấp cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán hồi phục

Cùng với chỉ số chứng khoán của Đài Loan, Hàn Quốc, chỉ số VN-Index đại diện cho chứng khoán Việt Nam cũng nằm trong số ít các sàn chứng khoán đóng cửa trong sắc đỏ. Chỉ số giao dịch khá giằng co trong phiên sáng, hồi phục đáng kể nửa đầu phiên chiều nhưng nhanh chóng quay đầu giảm sâu. VN-Index có thời điểm vượt 1.353 điểm nhưng đóng cửa chỉ ở mức 1.341,9 điểm, thấp hơn 4,49 điểm so với hôm qua (-0,33%). Chỉ số hai sàn HNX và UPCoM cũng rơi mạnh từ nửa cuối phiên chiều nhưng vẫn kết phiên tăng nhẹ lần lượt 0,25% và 0,04%.

Ba chỉ số chứng khoán giao dịch giằng co trước khi rơi mạnh vào nửa cuối phiên chiều
Chứng khoán giao dịch giằng co trước khi rơi mạnh vào nửa cuối phiên chiều

Khác với các phiên giao dịch gần đây, nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã trở lại nâng đỡ thị trường. VN30-Index tăng 0,18%. Trong khi VNMid-Index và VNSML-Index giảm lần lượt 0,95% và 1,99%.

Số lượng các mã chứng khoán giảm giá cao áp đảo. Kể cả khi các chỉ số tăng điểm, giao dịch vẫn ở trạng thái “xanh vỏ đỏ lòng). Trên ba sàn, 602 mã giảm giá trong khi chỉ có 363 mã tăng giá so với phiên hôm qua. 

Trên sàn HoSE, các cổ phiếu kéo thị trường giảm nhiều nhất lần lượt là VIC, GAS, HPG, VRE và GVR. Cổ phiếu của Vingroup vừa tăng 1% trong phiên hôm qua nhưng nay đã giảm tới 1,2%, “bốc hơi” nỗ lực tăng giá một tuần qua. Vingroup vừa công bố đã bán xong 100,5 triệu cổ phiếu VHM. Giao dịch “khủng” này ước tính mang về cho công ty hơn 10.820 tỷ đồng phục vụ cho các dự án đầu tư. Thông tin này có tác động tích cực hơn với VHM khi nhà đầu tư giảm bớt lo ngại về nguồn cung lớn cổ phiếu này. VHM là một trong số ít cổ phiếu bất động sản giữ được sắc xanh khi tăng tới 1,1%.

Trong khi đó, DXG, TCH, PDR… đều giảm 3-4%. Nhiều dòng cổ phiếu đã tăng tốt trong các phiên trước đã giảm đáng kể như nhóm cổ phiếu thép, vận tải biển… Cổ phiếu của Vinalines (MVN), Sotrans (STG), Gas Shipping (GSP) giảm trên 4%, trong khi VOS hay HAH vẫn giữ được sắc xanh.

Dòng cổ phiếu giao dịch tích cực nhất phiên 7/9 trở lại với nhóm ngân hàng và chứng khoán. Sau nhiều phiên điều chỉnh, cổ phiếu ngân hàng đồng loạt trở lại với sắc xanh trừ VCB đi ngang và NVB tăng kịch biên độ.

Cổ phiếu nhóm chứng khoán phân hoá hơn nhưng đa số các công ty lớn đều tăng giá khá mạnh như SSI tăng 0,67% bất chấp khối ngoại vẫn đang ròng rã bán cổ phiếu hay VCI tăng tới 4,89% lên mức đỉnh giá mới 64.300 đồng/cổ phiếu.

Khối ngoại bán ròng ngày thứ 7 liên tiếp, bán mạnh SSI trước ngày chốt quyền

Thanh khoản trên thị trường giam so với phiên bùng nổ hôm qua nhưng vẫn ở mức cao. Giá trị giao dịch trên ba sàn đạt trên 32.780 tỷ đồng. Trong đó, riêng giao dịch sàn HoSE là 26.659 tỷ đồng. Khối ngoại vẫn tiếp tục duy trì xu hướng bán ròng kéo dài 7 phiên gần đây. Giá trị bán ròng trên ba sàn nay tăng lên gần 802 tỷ đồng. 

Các cổ phiếu được giao dịch nhiều nhất là HPG (1.606 tỷ đồng), SSI (1.485 tỷ đồng) và VHM (1.277 tỷ đồng). Cả ba cổ phiếu này hôm nay đều bị khối ngoại bán ròng mạnh. Các nhà đầu tư nước ngoài đã bán cổ phiếu VHM thu về 354 tỷ đồng. Trong thời gian này, dù Vingroup đã bán xong khối lượng lớn cổ phiếu VHM, quỹ đầu tư Mỹ KKR vẫn đang trong thời gian đăng ký bán 32 triệu cổ phiếu này. SSI cũng bị khối ngoại bán tới 247 tỷ đồng.

Khối ngoại sớm chốt lời cổ phiếu này ngay trước thêm ngày chốt quyền nhận quyền mua cổ phiếu và nhận cổ phiếu thưởng với tổng lượng phát hành mới gần 329 triệu cổ phiếu. Trong đó, 19,1 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu với tỷ lệ 6:2 và hơn 109,55 triệu cổ phiếu thực hiện quyền mua cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 6:1. Giá cổ phiếu SSI cũng sẽ được điều chỉnh từ phiên giao dịch mai.

Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Rủi ro hiện hữu, vẫn cháy hàng nhờ lãi suất cao
Doanh nghiệp bất động sản đang rầm rộ phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN). Song, Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp có thể mất khả năng chi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư