Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Cổ phiếu xăng dầu và dầu khí "bùng nổ", VN-Index vượt 1.512 điểm
Tùng Linh - 23/02/2022 18:04
 
Thị trường chứng khoán biến động tích cực trong phiên nhờ sự bùng nổ của nhóm dầu khí, cùng một số nhóm ngành như bất động sản, phân bón. Khối ngoại cũng đã trở lại mua ròng.

Sắc xanh trở lại

Hồi phục mạnh chiều qua, trái ngược với xu hướng lao dốc của thị trường chứng khoán thế giới trước căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine, tâm lý nhà đầu tư Việt Nam có phần ổn định trở lại và đôi chút tự tin hơn. Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 23/2, lực cầu mạnh đã chảy vào thị trường và giúp hàng loạt nhóm ngành có mức tăng tốt, kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu.

Biến động này khá bất ngờ khi căng thẳng chính trị bên ngoài vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Cả Mỹ và EU đều có những động thái tiến hành trừng phạt Nga. Tổng thống Mỹ tuyên bố áp đặt đợt trừng phạt đầu tiên lên ngân hàng và giới tinh hoa Nga, đồng thời cam kết sẽ còn nhiều lệnh trừng phạt hơn. Trong khi đó, toàn bộ 27 quốc gia thành viên EU nhất trí với các biện pháp trừng phạt mới với Nga tại một cuộc họp không chính thức ở Pháp, bên lề của một diễn đàn quốc tế. Các thị trường chứng khoán Mỹ hay châu Á cũng tiếp tục có một phiên giao dịch tương đối tiêu cực.

Dù một số thời điểm gặp áp lực rung lắc ở đầu phiên, các chỉ số chứng khoán của Việt Nam đều đứng vững và thậm chí còn có được mức tăng tốt hơn sau đó. Tâm điểm của thị trường là nhóm cổ phiếu xăng dầu và dầu khí. Trước biến động tích cực của giá dầu thế giới, các cổ phiếu thuộc nhóm xăng dầu và dầu khí được hưởng lợi đáng kể. Các cổ phiếu như PTV, PVS, PVC hay PVB đều được kéo lên mức giá trần. Bên cạnh đó, PCG tăng 6,1%, PVD tăng 4,5%, OIL tăng 4,3%...

Bên cạnh đó, hàng loạt cổ phiếu ngân hàng cũng tăng giá và góp phần củng cố vững sắc xanh của các chỉ số. Đà hưng phấn của nhóm ngân hàng không duy trì được lâu và có phần suy yếu vào cuối phiên từ đó khiến đà tăng của chỉ số chính VN-Index bị thu hẹp lại. Trong nhóm ngân hàng, TPB có mức tăng khá tích cực với 2,7% lên 42.600 đồng/cổ phiếu, cùng với đó, SSB tăng 1,3%, MSB tăng 1,1%...

Các cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index gồm VJC, DIG, VIC, TPB, BCM, VPB, HPG hay DPM. Trong đó, DIG sau một phiên lao dốc đã tăng trở lại 5,2% lên 93.000 đồng/cp. Ông Nguyễn Hùng Cường – Phó Chủ tịch HĐQT DIC Corp thông báo kết quả giao dịch mua cổ phiếu DIG. Theo đó, ông Cường chỉ mua vào vỏn vẹn 145.000 cổ phiếu trên tổng số 5 triệu cổ phiếu DIG đã đăng ký mua trong khoảng thời gian từ 18/1 – 18/2/2022. Sau giao dịch này, ông Cường nắm giữ hơn 51,4 triệu cổ phiếu DIG, tương ứng tỷ lệ 10,28%.

Bên cạnh DIG, hàng loạt các cổ phiếu bất động sản và xây dựng khác như HUT, L14, CTR, CEO, DXG, CII... cũng đồng loạt bứt phá. Cổ phiếu của Tasco (HUT) tăng trần sau thông tin đơn vị này thông qua kế hoạch tăng vốn để hoán đổi 100% phần vốn góp tại Công ty TNHH SVC Holdings. HĐQT giao cho Chủ tịch Tasco xây dựng phương án chi tiết để trình HĐQT, đại hội cổ đông thông qua chậm nhất trong tháng 4.

Hàng loạt các nhóm ngành cổ phiếu như than, đường, phân bón... cũng đồng loạt tăng giá ở phiên hôm nay. Bộ đôi DPM và DCM tăng kịch biên độ.

Ở chiều ngược lại, EIB là cái tên gây chú ý nhất khi bất ngờ giảm xuống sát giá sàn là 33.000 đồng/cổ phiếu bất chấp những biến động tích cực của thị trường chung, đây cũng là cổ phiếu góp nhiều điểm giảm nhất đến VN-Index khi lấy đi 0,62 điểm. Bên cạnh, các cổ phiếu như BID, NVL, MSN, hay ACB cũng tác động tiêu cực đến VN-Index.

Trong khi đó, trước sự bùng nổ của nhóm dầu khí, bất động sản, các mã tác động xấu đến HNX-Index là không quá lớn. IDJ đứng đầu danh sách này nhưng cũng chỉ lấy đi của HNX-Index 0,03 điểm.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 8,83 điểm (0,59%) lên 1.512,3 điểm. Toàn sàn có 326 mã tăng, 111 mã giảm và 62 mã đứng giá. HNX-Index tăng 8,11 điểm (1,87%) lên 442,54 điểm. Toàn sàn có 169 mã tăng, 50 mã giảm và 69 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,5 điểm (0,4%) lên 113,51 điểm.

Sắc xanh áp đảo trên ba sàn chứng khoán.

Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm dầu khí

Thanh khoản thị trường ở phiên hôm nay giảm khá mạnh so với phiên trước, tổng giá trị giao dịch đạt 27.718 tỷ đồng, giảm 17,6% trong đó, giao dịch khớp lệnh chiếm 26.160 tỷ đồng, tương ứng mức giảm 19% so với phiên giao dịch trước.

Dòng tiền chảy mạnh vào nhóm cổ phiếu dầu khí. Ba mã chứng khoán có khối lượng khớp lệnh mạnh nhất thị trường đều thuộc về nhóm ngành này gồm PVS (27,9 triệu cổ phiếu), BSR (23,7 triệu cổ phiếu) và PVD (20,6 triệu cổ phiếu). Về giá trị giao dịch, cổ phiếu đạt mức thanh khoản lớn nhất cũng là PVD (694 tỷ đồng), 

Cổ phiếu dầu khí dẫn đầu về khối lượng giao dịch trong phiên 23/2

Khối ngoại phiên hôm nay mua ròng trên hai sàn HoSE và UPCoM trong khi bán ròng ở sàn HNX. Tính chung toàn thị trường, khối ngoại mua ròng 148 tỷ đồng. Các mã được khối ngoại mua ròng mạnh có DXG (73 tỷ đồng), VJC (54 tỷ đồng), VHM (50 tỷ đồng)... Trong khi đó, dòng vốn ngoại bán ròng mạnh các mã VNM (83 tỷ đồng), PLX (50 tỷ đồng), MSN (36 tỷ đồng)...

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư