Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 21 tháng 12 năm 2024,
Có quá lo ngại về hành vi chuyển giá?
Mạnh Bôn - 25/08/2014 08:38
 
“Hoạt động chuyển giá có đáng lo ngại hay không?” là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Vietnam.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sếp Metro Việt Nam lần đầu lên tiếng vụ sang tay cho tỷ phú Thái Lan
Ngại bán nợ cho VAMC vì sợ lộ sân sau
Sẽ “soi” lỗ của Kao Việt Nam

Hầu như thanh tra doanh nghiệp (DN) đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nào, cơ quan thuế cũng phát hiện dấu hiệu chuyển giá. Điều này có thể hiểu, gian lận thuế ở khu vực DN này diễn ra rất phổ biến, thưa ông?

   
  Ông Bùi Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn thuế, Công ty Kiểm toán và Tư vấn Deloitte Vietnam  

Gian lận thuế và chuyển giá không đồng nhất với nhau. Chính vì vậy, đừng nghĩ, DN có hoạt động chuyển giá là có gian lận về thuế và cũng không nên suy diễn rằng, gian lận thuế ở khu vực DN FDI diễn ra phổ biến.

Đối với công ty đa quốc gia, toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh ở công ty mẹ và công ty con trên toàn thế giới luôn phụ thuộc, gắn bó chặt chẽ với nhau từ sản xuất đến phân phối. Vì vậy, giao dịch giữa công ty mẹ với công ty con và giữa các công ty con với nhau (giao dịch liên kết) là thực sự tồn tại. Nếu giao dịch này diễn ra không bình thường, không theo giá giao dịch với bên thứ ba độc lập trên thị trường thì được coi là hoạt động chuyển giá.

Như vậy, vấn đề là giao dịch liên kết có hợp lý hay không, nếu hợp lý thì phải “sống chung với chuyển giá”. Cơ quan thuế các nước phát triển trên thế giới có hoạt động thanh tra chống chuyển giá hàng chục năm nay cũng chấp nhận “sống chung với chuyển giá”, chứ không riêng gì Việt Nam.

Có nghĩa là, không quá lo ngại với hoạt động chuyển giá?

Xét trên khía cạnh tích cực về kinh tế, bản chất của chuyển giá là phân chia lợi nhuận giữa công ty mẹ với công ty con, giữa các công ty con với nhau để tối đa hóa lợi nhuận toàn tập đoàn.

Để thực hiện việc này, công ty mẹ phải nghiên cứu chính sách thuế, thị trường của từng nước để phân chia lợi nhuận cho từng công ty con ở các quốc gia khác nhau, trên cơ sở chính sách giá khác nhau khi thực hiện giao dịch liên kết. Vấn đề là, khi xây dựng định mức lợi nhuận cho các công ty con, công ty mẹ phải đặt ra chính sách giá trong giao dịch liên kết hợp lý và trong phạm vi cho phép của luật pháp nước sở tại nơi công ty con hoạt động.

Nếu nhìn ở khía cạnh tích cực, thì việc phân chia lợi nhuận (qua chuyển giá) bảo đảm cho toàn hệ thống hoạt động vững chắc. Còn nhìn ở khía cạnh tiêu cực, nhiều tập đoàn lợi dụng giao dịch liên kết để chuyển toàn bộ lợi nhuận của công ty con ở nước ngoài về công ty mẹ; sau một thời gian hoạt động, khai thác hết tiềm năng, lợi thế thì giải thể, phá sản hoặc bán lại công ty. Cơ quan thuế chống chuyển giá là chống hoạt động này, chứ không phải chống giao dịch liên kết giữa các công ty trong cùng tập đoàn.

Nhưng thưa ông, không thể không lo ngại khi cơ quan thuế thanh tra DN FDI nào cũng phát hiện ra giao dịch liên kết bất bình thường?

Điều này tôi nghĩ là không đáng lo ngại, thậm chí là tín hiệu tốt vì chứng tỏ hoạt động thanh tra chống chuyển giá ngày một hiệu quả hơn. Nhờ sự hoạt động hiệu quả của thanh tra chống chuyển giá, nên số lượng DN FDI kê khai thua lỗ từ đầu năm đến nay giảm rõ rệt, tức là DN đã kê khai trung thực hơn.

Tôi nghĩ, hoạt động thanh tra chống chuyển giá sẽ ngày càng hiệu quả hơn. Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương đã và đang dần xây dựng bộ phận thanh tra chống chuyển giá riêng có trình độ cao và kỹ năng riêng biệt, cũng như xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu nội địa nhằm phục vụ cho công tác thanh tra. Chính vì vậy, nhiều DN đã nhận thức rất rõ rằng, hoạt động chuyển giá mang mục đích trục lợi của họ (nếu có) sẽ sớm muộn cũng bị phát hiện. Khi bị phát hiện, ngoài phải nộp bổ sung số thuế bị điều chỉnh do chuyển giá, DN còn bị xử phạt tiền chậm nộp với mức rất cao so với mặt bằng lãi suất hiện nay, nên ý thức chấp hành thuế của DN đã nâng lên đáng kể.

Còn vì sao cơ quan thuế thanh tra ở đâu cũng phát hiện ra gian lận? Lý do là, trước khi thanh tra, cơ quan thuế đã nghiên cứu rất kỹ những DN có dấu hiệu bất thường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và kết quả lãi lỗ, chứ không thanh tra tất cả DN.

Metro Cash & Carry luôn nằm trong “tầm ngắm” của cơ quan thuế, vì hầu như không nộp đồng nào cho ngân sách. Trước khi DN này “rút” khỏi Việt Nam, cơ quan thuế liệu có “thu lại” được đồng nào cho ngân sách, thưa ông?

Trước khi việc chuyển nhượng hệ thống Metro Vietnam hoàn tất, theo quy định về quản lý thuế, Metro Cash & Carry phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế. Vấn đề là, trong quá trình quyết toán thuế, cơ quan thuế có nghi ngờ, tiến hành thanh tra và phát hiện ra hoạt động chuyển giá của Metro Vietnam hay không. Nếu không có bằng chứng chứng minh có hoạt động chuyển giá, thì khó có thể yêu cầu DN này điều chỉnh lợi nhuận để nộp thuế.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư