Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 14 tháng 05 năm 2024,
Có thị trường, sẽ có tăng trưởng
Khánh An - 16/02/2015 10:05
 
() Nhìn từ hiệu lực quản trị nhà nước, cơ hội đổi mới của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2015 là rất lớn.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
CIEM đề nghị bỏ mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Tập đoàn kinh tế tư nhân chiếm ưu thế
2015 sẽ là năm khó khăn đối với nền kinh tế toàn cầu
Dịch chuyển cơ cấu giúp tăng năng suất lao động
Thông qua Nghị quyết tăng trưởng GDP 2015 6,2%

Trong cùng một ngày (11/2), khi Bộ Tài chính quyết “bêu” tên các doanh nghiệp (DN) giảm cước vận tải nhỏ giọt, không phù hợp với mức giảm sâu của giá xăng dầu, thì các chuyên gia kinh tế cũng đã nhắc đến sự tham gia của Bộ Tài chính, Bộ Giao thông - Vận tải trong việc kiểm soát giá cả các DN vận tải với câu hỏi: ứng xử này của các bộ có phù hợp với nền kinh tế thị trường hay không? Và câu trả lời là không.

Kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khả quan hơn trong năm nay. Ảnh: Đức Thanh

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), người chủ trì Dự án nghiên cứu “Một số kết quả cải cách và phát triển kinh tế 2014 và vấn đề chính sách 2015 - 2016” được công bố ngày 11/2 đã bày tỏ quan điểm, đang có sự sai lệch trong cách quản lý giá của các bộ khi các bộ này tiến hành thanh tra, kiểm tra giá và yêu cầu các DN vận tải phải giảm giá, nếu không sẽ bị phạt...

“Nhìn ở góc độ thị trường, cách thức quản lý hành chính và áp đặt này làm thị trường méo mó hơn và kém công bằng hơn”, ông Cung nói.

Cơ sở để ông Cung đưa ra nhận định có thể sẽ gây tranh cãi vào thời điểm này là vì, theo ông, việc các cơ quan cần phải làm là nhìn vào nguyên nhân của việc DN không chịu giảm giá để phân tích và quan trọng là, cơ quan đứng ra thực hiện công việc này nên là Cục Quản lý cạnh tranh, Hội Bảo vệ người tiêu dùng và cả báo chí, chứ không phải là các bộ Tài chính và Giao thông - Vận tải.

“Nguyên nhân của việc DN không giảm giá vận tải khi giá xăng dầu giảm có nhiều. Có thể cung - cầu không có khả năng cân bằng trong ngắn hạn vì thị trường kém cạnh tranh. Có thể do rào cản gia nhập thị trường quá cao, nên DN mới không thể gia nhập thị trường trong thời gian ngắn, điều này không tạo nên sức ép cạnh tranh cho các DN đang hoạt động để họ phải giảm giá. Trong khi nguồn cung khó mở nhanh mà cầu vẫn tăng, nên các DN không cần phải giảm giá... Thậm chí, rất có thể, tôi nhấn mạnh từ có thể, các DN đang hoạt động có thỏa thuận ngầm về việc này. Phân tích các nguyên nhân để thấy rằng, cốt lõi của tình trạng trên là do thị trường kém cạnh tranh. Khi đó, Nhà nước càng can thiệp, thị trường càng méo mó”, ông Cung phân tích.

Đặc biệt, ông Cung và Nhóm nghiên cứu của CIEM tiếp tục đề nghị tách Cục Quản lý cạnh tranh ra khỏi Bộ Công thương, để Cục này có thể hoạt động độc lập theo đúng cấu trúc của thị trường.

Đây cũng là vấn đề mà ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công thương) lo ngại. Ông kể, vào thời điểm làm Bộ trưởng, những hạn chế của Cục Quản lý cạnh tranh khi đặt tại Bộ Công thương đã được nhìn ra, song chưa tách ra được vì quan điểm của Chính phủ khi đó là hạn chế đẻ thêm tổng cục, đẻ thêm bộ mới.

“Nhưng hiện tại, tôi đồng ý việc có một cơ quan quản lý cạnh tranh độc lập. Cơ chế quản lý giá hiện nay không hiệu quả, chi phí kiểm soát giá lớn hơn nhiều so với kết quả thu được”, ông Tuyển nói.

Ông cũng đặc biệt nhấn mạnh tới thời điểm, vì câu chuyện chậm trễ trong tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đã được nói đến nhiều. “Có những điều đã nói từ lâu, nhưng chẳng giải quyết được gì, mà quan trọng nhất là cải cách thể chế, tạo ra một thể chế thị trường, cạnh tranh mới. Khi đó, mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường ở đâu, lúc nào, bao nhiêu là đủ mới được làm rõ...

Xung quanh bàn luận của các chuyên gia kinh tế về vị trí của Cục Quản lý cạnh tranh thực ra chỉ để minh chứng cho mệnh để mà họ đang nhắm tới khi dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2015 - 2016, đó là yêu cầu thay đổi không chỉ vai trò, chức năng của Nhà nước nói chung, Chính phủ nói riêng, mà cả cơ cấu tổ chức của Chính phủ, cách thức và công cụ quản lý nhà nước.

Theo phân tích của CIEM, vòng đời một DN thể hiện cấu thành của thể chế kinh tế thị trường. Lâu nay, cải cách thể chế mới tập trung ở phần gia nhập thị trường, chứ chưa chú trọng các vấn đề quyền sở hữu tài sản, giao dịch thị trường, trật tự và kỷ luật thị trường và cuối cùng là rút khỏi thị truờng. Trong khi đó, các yếu tố này, đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, mới là cái gốc của kinh tế thị trường. Vì vậy, thị trường đang được quản lý bằng cách giải pháp hành chính ở phần gia nhập thị trường, nên tác động méo mó.

“Chính vì vậy, trong những năm tới, bước đột phá của cải cách thể chế chính là từ việc nâng tính thị trường lên, nghĩa là giải quyết các vấn đề về giao dịch và kỷ luật theo đúng quy luật của thị trường”, ông Cung đề xuất.

Cũng phải nói thêm, mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế Việt Nam đang thấp theo đánh giá của một số tổ chức quốc tế. Năm 2014, Việt Nam được xếp thứ 147/178 nền kinh tế về chỉ tiêu này, thấp nhất trong số các nước khu vực Đông Nam Á (trừ Myanmar chưa có trong xếp hạng). Thứ hạng này rất đáng được quan tâm khi nhận định của tổ chức này cho rằng, có sự tỷ lệ thuận giữa mức độ phát triển của kinh tế thị trường và thu nhập bình quân đầu người.

Có nghĩa là, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam muốn trở lại mức tăng trưởng 6,5 - 7%/năm một cách bền vững, thì việc không thể chần chừ là phải nâng thị trường lên, phải thiết lập được các tổ chức, cơ quan chuyên trách, độc lập để xây dựng và duy trì trật tự thị trường như cơ quan giám sát điện, cơ quan kiểm soát độc quyền, ngân hàng trung ương...

“Năm 2015 có cơ hội vàng mà nếu bỏ qua, chúng ta phải chờ ít nhất 5 năm nữa. Năm nay, Quốc hội tiến hành sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đây là lúc, các vấn đề trên có thể đưa vào các dự luật này, từ đó tiến tới sửa Luật Cạnh tranh, Luật Ngân hàng nhà nước Việt Nam...”, ông Cung kiến nghị.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư