Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Co-working space coffee: “Thánh địa” cho những người “bán chất xám”
Anh Hoa - 23/03/2021 09:34
 
Mô hình kinh doanh co-working space coffee đang được cho là đối thủ đánh sập các quán cà phê truyền thống và đối đầu với các co-working space đơn thuần.
Phuc Long Coffee & Tea tại phố Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM)
Phuc Long Coffee & Tea tại phố Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TP.HCM)

Chất gây nghiện

Khoảng 2 năm trở lại đây, mỗi khi cần gặp mặt báo chí ở Hà Nội, bà Patricia Marques, Tổng giám đốc Starbucks Việt Nam thường chọn địa điểm là cửa hàng Starbucks Reserve ở số 6 - Nhà Thờ. Lý do là nơi đây có không gian rộng, yên tĩnh, đủ để cánh báo chí thoải mái tác nghiệp, sau đó có thể vừa làm việc, vừa thưởng thức dòng cà phê được pha chế thủ công sang chảnh và tinh tuý nhất của Starbucks.

Ở các quầy Reserve Bar, khách hàng được tận mắt ngắm nhìn màn biểu diễn của những người pha chế trong quá trình chuẩn bị một ly cà phê hảo hạng, nói chuyện với họ để hiểu thêm về một ly cà phê. Logo của Starbucks Reserve đã được bỏ đi hình ảnh nàng tiên cá xanh, thay vào đó là hình một ngôi sao và chữ R ở dưới.

Starbucks Reserve là điểm đến hút khách ngoại đang sinh sống và làm việc ở Việt Nam. Họ đến đây vừa hàn thuyên, vừa làm việc, thậm chí họp nhóm nhân viên văn phòng. Nhóm các bạn trẻ có thể đến làm việc hoặc tranh luận điều gì đó một cách thoải mái. Đặc biệt, nơi đây còn có một phòng họp tách biệt hoàn toàn.

Với góc ngồi đầy ánh sáng tự nhiên và góc view siêu đẹp nhìn xuống con đường sầm uất của phố cổ Hà Nội, nơi đây quả là một quán cà phê độc đáo, đúng “gu” của cánh nhà báo, dân văn phòng, giới nghệ thuật, chụp ảnh, thiết kế, đồ họa... để “phiêu” với cảm xúc.

Làm truyền thông ở TP.HCM, nhưng mỗi lần ra Hà Nội, Ngô Ly đều hẹn bạn bè, đối tác đến Starbucks Reserve để bàn chuyện. Cô bảo, ở TP.HCM, cô bị “nghiện” không gian đậm chất nghệ thuật và Tây của Work Saigon tại căn biệt thự màu trắng trên đường Điện Biên Phủ hay không gian hiện đại tại tòa Bitexco.

Đặc biệt, không gian của Work Saigon tại Bitexco chiếm hơn 60% là văn phòng của các công ty, mỗi ngày có hàng ngàn nhân viên ra vào. Các công ty về thiết kế, thời trang, quảng cáo, sự kiện... đều có mặt. Có thể coi Work Saigon đang dẫn đầu trong mô hình cà phê workshop ở TP.HCM. Nơi đây được mọi giới ca ngợi là “thánh địa” để những người “bán chất xám” được kích thích sự sáng tạo nhờ những không gian mới và thoáng đãng.

Nếu muốn đổi gió ở cả Hà Nội và TP.HCM, Ngô Ly sẽ đến Think in a Box, Artfolio Coworking Café, M2C Café, The Coffee House, Eden Coffee, Foglian Coffee,Trixie Café &Lounge…

“Khi đã đến đây, thì mọi thứ bí bách, tắc nghẽn hay khó chịu trong văn phòng đều có thể được giải quyết. Cảnh đẹp, chỗ ngồi thoải mái, khung cảnh xinh xinh, nước lại ngon với các kiểu cappuccino, chocolate nóng... nhấm nháp với một chiếc bánh là quá đã cho một ngày làm việc”, cô miêu tả về “chất gây nghiện” của mình.

Phúc Long e-Office kết hợp giữa cung cấp không gian làm việc, phòng họp cá nhân với dịch vụ trà, cà phê
Phúc Long e-Office kết hợp giữa cung cấp không gian làm việc, phòng họp cá nhân với dịch vụ trà, cà phê

“Làn gió” mới

Gần đây, thương hiệu Phuc Long Coffee & Tea cũng ra mắt mô hình Phúc Long e-Office kết hợp giữa cung cấp không gian làm việc, phòng họp cá nhân với dịch vụ trà, cà phê. Thông tin này gây chú ý tới dư luận và một người nghiện những không gian kiểu vậy như Ngô Ly. “Mình cũng có vài lần uống đồ của Phúc Long. Chắc chắn sẽ ngồi thử một vài tuần xem sao”, cô nói.

Mô hình e-Office trước mắt được thực thi ở 4 địa điểm của Phúc Long trong TP.HCM, trong đó có hai địa điểm đang được hoàn tất mặt bằng là Phúc Long Huỳnh Thúc Kháng và Phúc Long 1B Cộng Hoà.

Phúc Long là thương hiệu trà, cà phê có mặt trên thị trường từ năm 1968 tại Bảo Lộc (Lâm Đồng). Năm 2000, thương hiệu này mới gia nhập thị trường F&B và đến năm 2012 mới mở cửa hàng Phúc Long Coffee & Tea đầu tiên tại Trung tâm thương mại Crescent Mall (quận 7, TP.HCM).

Thông tin về chủ sở hữu chuỗi này không có gì nhiều ngoài việc đó là ông Lâm Bội Minh (sinh năm 1946), một doanh nhân người Hoa. Tại thời điểm đầu năm 2017, vốn điều lệ của Phúc Long ở mức 50 tỷ đồng, trong đó ông Lâm Bội Minh sở hữu 53,33%, cổ đông nắm phần còn lại là ông Lâm Chấn Huy.

Việc hệ thống của Phúc Long phát triển nhanh như vũ bão đã lấp đi sự tò mò về chủ sở hữu. Hiện chuỗi này có hơn 70 cửa hàng trên cả nước, chủ yếu tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương, Nha Trang… Tháng 1/2021, Phúc Long triển khai mô hình kinh doanh theo dạng kiosk ngay bên trong một cửa hàng Vinmart+ tại TP.HCM.

Các cửa hàng kinh doanh của Phúc Long thường có lợi thế về mặt bằng, nhất là tại các trung tâm thương mại, khi tận dụng lượng lớn khách hàng vui chơi và mua sắm tại đây. Phúc Long từng tiết lộ, ngoài việc mở rộng nhanh các chuỗi cửa hàng truyền thống, sẽ không ngừng cải tiến và phát triển thêm nhiều mô hình khác nhau.

Đầu năm 2019, Phúc Long mới chính thức khai trương cửa hàng đầu tiên tại tòa nhà IPH, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Chỉ một năm sau, Phúc Long đã mở 10 cửa hàng tại Hà Nội, quy mô chỉ đứng sau TP.HCM với 47 cửa hàng. Trong năm nay, Phúc Long sẽ được “bung lụa” khắp từ Nam ra Bắc, ưu tiên các khu vực trung tâm TP.HCM, Đà Lạt, Bảo Lộc, Vũng Tàu, Biên Hoà, Nha Trang, Đà Nẵng...

Động thái mới của Phúc Long được dư luận cho rằng, có thể thương hiệu này đang được rót nhiều tiền, nên phải tiêu, thử nghiệm mô hình và cuối cùng là xây dựng để tăng giá khi muốn bán cả chuỗi. Nhận định này hoàn toàn có cơ sở khi gần đây, trên thị trường F&B Việt Nam dậy sóng thông tin một tập đoàn lớn tại Việt Nam hỏi mua Phúc Long, trong đó có tên tuổi của một doanh nghiệp lớn nhất nhì ngành sữa.

Co-working kết hợp spa, coffee đang là một trong những mô hình hot hiện nay. Chuyên gia F&B dự đoán, xu hướng này sẽ trở thành “làn gió” mới trong thị trường kinh doanh ngành dịch vụ. Đối với ngành pha chế, co-working space sẽ là giải pháp cho chủ đầu tư đang tìm kiếm mô hình kinh doanh hấp dẫn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu khách hàng trong thời đại công nghệ 4.0.

Việc Phúc Long dấn thân vào mô hình mới này không có gì lạ, bởi The Coffee House ít nhiều đã chứng minh được tính hiệu quả. Mô hình này còn đánh sập khá nhiều các quán cà phê  truyền thống và tạo thói quen “ngồi thiền” cho khá nhiều khách hàng. Để làm được như thế, The Coffee House đã rất chật vật, phải đa dạng hóa khách hàng bằng cách bố trí nhiều loại bàn ghế để phục vụ các đối tượng khác nhau.

Trong khi đó, mô hình của Phúc Long nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên kiếm chỗ ngồi học; người làm nghề tự do, giới chơi game... “Phúc Long muốn làm theo như The Coffee House cũng ổn, nhưng nếu chỉ nhắm vào một đối tượng như trên thì sẽ thất bại sớm như các co-working space nhỏ khác”, một người trong ngành F&B nhận định.

Về lâu dài, khi đã tạo lập được thị trường và đưa được mức giá đồ uống lên cao để bù vào chi phí ngồi thì sẽ có hiệu quả kinh doanh. Đó là điều cốt lõi trong chiến lược đi theo mô hình này của các tên tuổi trên thị trường.

“Sàn diễn” về dịch vụ cho khách hàng

Thông thường, những dịch vụ mà các mô hình co-working space trên thị trường hiện nay cung ứng bao gồm chỗ ngồi cố định, chỗ ngồi tự do cho thành viên hoặc khách tham quan; đi kèm với đó là những tiện ích như bếp ăn, máy in, dịch vụ lễ tân văn phòng, phòng họp…

Tuy nhiên, ngoài những dịch vụ trên, co-working space còn có yếu tố quyết định sống còn là ban quản trị phải tạo dựng được sự tương tác và giao lưu thường xuyên giữa các cộng đồng với nhau, từ đó khuyến khích nảy sinh các cơ hội hợp tác lý tưởng cho cả đôi bên.

Mô hình này là sự kết hợp giữa không gian làm việc và phòng thư giãn coffee. Chính vì vậy, để đảm bảo không gian riêng, tránh ồn ào, thì chủ kinh doanh cần áp dụng các thiết kế có công dụng cách âm, giảm tiếng động từ môi trường. Ngoài ra, chủ quán cũng cần đặt ra các quy định giữ trật tự khi đến không gian quán.

Theo nghiên cứu thói quen và hành vi của nhóm người này, ngoài việc yêu thích sự đổi mới, họ còn ưu tiên sự kết nối, thuận tiện và trải nghiệm đặc biệt. Chính vì thế, khi lựa chọn co-working space coffee để kinh doanh, chủ quán phải trang bị thêm những tiện ích như máy in văn phòng, máy fax, điện thoại công cộng, wifi ổn định, ổ điện… Bên cạnh đó, tùy theo không gian, diện tích của quán để kèm các dịch vụ phòng trò chơi, phòng đọc sách, phòng ngủ...

Đặc biệt, giới chuyên môn cho rằng, mô hình này sẽ có lợi thế cho chủ đầu tư khi “đau đầu” tìm các chiến dịch marketing quán café. Đây sẽ là “sàn diễn” để thể hiện các dịch vụ chăm sóc khách hàng, quảng bá hiện đại và phù hợp. Chẳng hạn, lưu trữ thông tin món đồ uống của khách quen, triển khai combo, gói dịch vụ, gói đồ uống theo tháng, tích điểm, ưu đãi sinh nhật khách hàng, chuyển đổi giờ thuê chỗ ngồi thành sản phẩm…

Báo cáo Tương lai của văn phòng làm việc: Không gian chia sẻ cho các tập đoàn lớn (từ góc nhìn Đông Nam Á) của WeWork và IDC cho thấy, 93% doanh nghiệp cần thiết phải điều chỉnh không gian làm việc của họ để phù hợp với kỳ vọng của thế hệ trẻ trong khu vực. Kết quả này phù hợp với văn hóa làm việc sôi nổi của thế hệ Millennial tại Việt Nam. Với sự chuyển dịch nhu cầu này, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã và đang lên kế hoạch hợp tác với các không gian làm việc chia sẻ, nhằm tạo nên một môi trường làm việc hợp tác và năng động.
Doanh nghiệp bảo hiểm lo "chảy máu chất xám"
Văn phòng tổng đại lý bảo hiểm là mô hình phổ biến trong ngành bảo hiểm nhân thọ thế giới, phù hợp với những thị trường có dân số đông...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư