Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Con đường hiện thực hóa khát vọng quốc gia thịnh vượng
Hà Nguyễn - 02/09/2018 08:06
 
Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng. Nếu không tận dụng được cơ hội to lớn này, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tụt hậu. Đó là điều đang được khẳng định.
TIN LIÊN QUAN

Khi chất xám trở về

Hơn một tuần trước đây, Vingroup - tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mạnh nhất Việt Nam hiện nay - đã chính thức công bố định hướng chiến lược trở thành một tập đoàn công nghệ, công nghiệp, dịch vụ đẳng cấp quốc tế trong tương lai. Ngay sau lễ công bố chính thức, Vingroup cũng đã chính thức ra mắt Công ty Phát triển công nghệ VinTech, Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn, Viện Nghiên cứu công nghệ cao Vin Hi-Tech và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu khoa học - công nghệ ứng dụng. Động thái này cho thấy, Vingroup đang thực sự muốn trở thành một tập đoàn công nghệ.

Lễ công bố Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải
Lễ công bố Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Trọng Hải

Để làm được việc đó, Vingoup đã mời gọi nhân tài và hai trong số những bộ óc tài năng người Việt đã về đầu quân cho Vingroup là GS. Vũ Hà Văn, giảng viên Đại học Yale (Mỹ) và Viện sĩ Hàn lâm Nga Nguyễn Quốc Sỹ, với vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn và Viện Công công nghệ cao Vin Hi-Tech. Đó cũng chính là hai trong số 100 người Việt trẻ tiêu biểu hoạt động trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ ở nước ngoài vừa đáp lời hiệu triệu của Chính phủ Việt Nam để về nước tham gia Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, một chương trình được tổ chức dựa trên sáng kiến và chủ trì tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Chương trình nhằm quy tụ và huy động tối đa nguồn lực chất xám, đặc biệt là từ các chuyên gia người Việt được đào tạo bài bản và đang làm việc tại các quốc gia có nền tảng khoa học - công nghệ phát triển. Kỳ vọng được đặt ra là, Chương trình sẽ khơi nguồn cảm hứng, tạo sự liên kết giữa các tinh hoa khoa học - công nghệ trong và ngoài nước. Từ đó, lan tỏa thành những động lực đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, tạo ra sự đổi thay về diện mạo và trình độ phát triển công nghệ của Việt Nam, để cùng đồng hành và tiến xa trong một kỷ nguyên kỹ thuật số đầy mới mẻ và hứa hẹn triển vọng phát triển. 

Trong vòng 7 ngày, từ 18 - 24/8/2018, đã có một chuỗi hoạt động diễn ra tại Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, với tâm điểm là Lễ công bố Sáng kiến Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Trong suốt những sự kiện đó, đã thấy những gương mặt rạng rỡ, hào hứng của những người Việt trẻ tài năng. Đã thấy những lời chân tình, lời mời gọi tha thiết của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

“Buổi lễ hôm nay sẽ là dấu mốc quan trọng trong việc quy tụ các nhân tài phục vụ đất nước. Ngày hôm nay là một vài trăm tài năng, trí tuệ tiên phong, nhưng trong tương lai sẽ là hàng ngàn, hàng vạn tài năng, trí tuệ Việt Nam, cùng chung tay, góp sức xây dựng đất nước ngày càng cường thịnh”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nói như vậy.

Theo Bộ trưởng, mỗi người trong buổi lễ có thể đến đây từ nhiều nơi trên thế giới, có thể khác nhau về học hàm, học vị, người giàu, người nghèo, nhưng tất cả có điểm chung là con của đất Việt, đều là những tài năng, trí tuệ, đều khát khao cống hiến, chung tay xây dựng đất nước vì một Việt Nam thịnh vượng. 

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng. Một cuộc cách mạng về công nghệ đang bùng nổ, tác động mạnh mẽ đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Một đất nước Việt Nam đang chuyển mình, sẵn sàng vươn lên bắt kịp những tiến bộ chung của thế giới. Một truyền thống, niềm tự hào dân tộc và niềm tin đang lớn mạnh trong mỗi người Việt Nam. Một vận hội đang đến và một tương lai, triển vọng phát triển của đất nước đang đón chờ. Nhưng câu hỏi lớn cũng đặt ra: Ai sẽ là người làm được điều đó? Câu trả lời, đó là sự đóng góp quan trọng của những nhân tài Việt, dù ở trong nước hay ở nước ngoài.

Chương trình chỉ diễn ra trong vòng 1 tuần. Thật khó có thể đong đếm ngay được hiệu quả, nhưng rõ ràng, lời mời gọi tha thiết của Chính phủ, của các tập đoàn công nghệ lớn như Vingroup, FPT, Viettel… đã nhen lên hy vọng về sự trở về của một thế hệ người Việt tài năng.

Không chỉ là 100 tài năng Việt, mà sẽ còn nhiều hơn thế, cả ngàn, cả vạn tài năng Việt như kỳ vọng của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Khi chất xám trở về, khi những nhà khoa học xa xứ - bằng mệnh lệnh của một trái tim yêu nước - trở về để cùng góp tay, chung sức vì một Việt Nam thịnh vượng, thì con đường đó sẽ không còn xa.

Cơ hội cho một quốc gia hiện đại và thịnh vượng 

Đã 73 năm kể từ khi đất nước giành độc lập và cũng đã qua hơn 30 năm đổi mới.  Việt Nam đã từ một nước nông nghiệp lạc hậu, vượt qua chiến tranh để trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình và lọt vào tốp các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất hiện nay. Nhưng nguy cơ tụt hậu cũng đã hiện hữu và được nhấn mạnh rất nhiều trong thời gian gần đây, nhất là khi sau hơn 30 năm đổi mới, mô hình tăng trưởng dựa vào nhân công giá rẻ và khai thác tài nguyên đã không còn phù hợp trong một thế giới luôn đổi thay, trong một cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang tiến triển từng ngày.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã rất thẳng thắn khi cho rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 chính là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng. Nếu không tận dụng được cơ hội to lớn này, Việt Nam có thể sẽ tiếp tục tụt hậu.

Tôi có một niềm tin mãnh liệt và chắc chắn rằng, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thực sự là cơ hội phát triển của dân tộc, của đất nước chúng ta. Chỉ có tận dụng và hiện thực hóa một cách nhanh chóng cơ hội này, chúng ta mới vượt qua được thách thức về tụt hậu, để thu hẹp khoảng cách phát triển và để bắt kịp, đi cùng, vượt lên về công nghệ và kinh tế.
- Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Chủ tịch Tập đoàn FPT Trương Gia Bình là một trong những người Việt Nam đầu tiên nhắc đến những thách thức và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ngay khi ông trở về từ Diễn đàn Kinh tế thế giới ở Davos (Thụy Sỹ) vài năm trước đây. Hôm gặp mặt 100 tài năng trẻ người Việt, một lần nữa, người đứng đầu tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam đã nhấn mạnh điều này.

Ông Bình nói rằng, mỗi cuộc cách mạng công nghiệp đều tạo ra cơ hội để một dân tộc vượt lên trên. Chẳng hạn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai đã tạo ra một châu Âu hùng mạnh; một nước Mỹ với cuộc cách mạng về điện khí hóa; cách mạng công nghiệp lần 3 tạo ra Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore… phát triển như vũ bão. Còn cuộc cách mạng lần thứ tư này thậm chí sẽ mạnh mẽ và vượt trội hơn bất cứ cuộc cách mạng nào trước đó, bởi nó chạm đến sức mạnh lớn nhất của nhân loại - trí tuệ nhân tạo (AI). “Nếu không nhanh chân tham gia cuộc cách mạng này, chúng ta sẽ tụt hậu. Hãy cùng sống hết mình cho một khát vọng Việt”, ông Bình nói.

Câu chuyện sẽ là không dễ dàng, bởi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là cơ hội, nhưng đồng thời cũng là thách thức vô cùng lớn đối với Việt Nam, một đất nước vẫn còn khoảng cách khá xa với các nền kinh tế có trình độ khoa học - công nghệ phát triển.

Quy tụ những người Việt tài năng chỉ là một trong những phương cách quan trọng để Việt Nam nâng cao năng suất lao động, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh, để có thể tận dụng được cơ hội và tăng tốc phát triển trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cơ hội không tự nhiên đến với một quốc gia thụ động chờ đợi, thụ động tiếp nhận những thay đổi do cuộc cách mạng đem lại. 

Một nghiên cứu sơ bộ của Công tư Tư vấn BCG cho thấy, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 8 - 18 tỷ USD/năm, đồng thời là động lực để thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng cũng như thúc đẩy các nỗ lực cải cách hiện nay mà Chính phủ đang thực hiện một cách mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. 

“Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực, quyết liệt đổi mới, sáng tạo, thực hiện hàng loạt chương trình cải cách dựa trên 4 yếu tố nền tảng và 4 trụ cột chuyển đổi. Chúng ta không chỉ tiếp nhận, tận dụng cơ hội, mà còn phải tạo ra cơ hội mới với tư duy và phương châm hành động là ‘bây giờ hoặc không bao giờ’, vì cơ hội chỉ đến một lần và không bao giờ quay lại”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Bốn yếu tố nền tảng mà Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề cập gồm: đột phá thể chế; phát triển và nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; phát triển nguồn nhân lực. Theo Bộ trưởng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai 3 nội dung cụ thể liên quan đến Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Đó là xây dựng Chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0; xây dựng Đề án thành lập “Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia” và xây dựng mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược Quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. 

Một khi các công việc cụ thể này hoàn thành và triển khai hiệu quả, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn xã hội, có sự đóng góp không nhỏ và rất quan trọng của các nhân tài Việt cả trong và ngoài nước, thì Việt Nam có thể bắt nhịp và tận dụng được cơ hội do cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại. Khi đó, Việt Nam có cơ hội to lớn để trở thành một quốc gia thịnh vượng và hiện đại.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư