Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 13 tháng 01 năm 2025,
"Cơn mưa" cam kết cắt giảm lượng khí thải của lãnh đạo các nền kinh tế lớn
Lê Quân - 23/04/2021 15:48
 
Các nhà lãnh đạo của Brazil, Canada, Nhật Bản và một số nền kinh tế lớn khác đã đưa ra những cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải trong nước cũng như ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu với sự tham gia của 40 nhà lãnh đạo trên thế giới tại Nhà Trắng hôm 22/4. Ảnh: AFP
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu với sự tham gia của 40 nhà lãnh đạo trên thế giới tại Nhà Trắng hôm 22/4. Ảnh: AFP

Các cam kết được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ cắt giảm ít nhất 50% lượng khí thải của Mỹ vào năm 2030, tăng hơn gấp đôi so với cam kết trước đó của nền kinh tế lớn nhất thế giới theo Thỏa thuận khí hậu Paris năm 2015.

"Đó là một khởi đầu đáng khích lệ", Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu, đồng thời nói với lãnh đạo các nước rằng: "Chúng tôi đang bắt đầu đạt được một số tiến bộ thực sự".

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu do Mỹ chủ trì đã khai mạc vào tối 22/4 (giờ Việt Nam) và kéo dài trong 2 ngày.

Khác với thái độ trước đây về biến đổi khí hậu, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố sẽ chấm dứt nạn phá rừng ở nước này vào năm 2030 và đạt mục tiêu carbon trung tính vào năm 2050. Ông Jair Bolsonaro trước đó đã chỉ trích các hành động bảo vệ rừng ở Brazil và đe dọa rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris. Phía Brazil gần đây đã đề nghị chính quyền Biden cung cấp 1 tỷ USD để chi trả cho các nỗ lực bảo tồn rừng Amazon.

Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết nước này cam kết cắt giảm 46% phát thải vào năm 2030 so với mức năm 2013. Nhật Bản, quốc gia phát thải lớn thứ 5 thế giới, trước đó bị chỉ trích vì cam kết giảm 26% phát thải.

"Nhật Bản sẵn sàng thể hiện vai trò lãnh đạo của mình đối với quá trình khử cacbon trên toàn cầu", Thủ tướng Suga khẳng định tại hội nghị. Giống như Mỹ, Nhật Bản đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau cam kết rằng nước này sẽ cắt giảm lượng khí thải từ 40 - 45% vào năm 2030 so với mức năm 2005, một mức tăng đáng kể so với cam kết 30% trước đó. "Chúng tôi sẽ liên tục củng cố kế hoạch của mình và triển khai nhiều hành động hơn nữa trong hành trình đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Trudeau nhấn mạnh.

Không đưa ra mục tiêu mới nhưng Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tái khẳng định cam kết sẽ lắp đặt 450 gigawatt năng lượng tái tạo vào năm 2030. Thủ tướng Modi đã đề cập đến chương trình Đối tác nghị sự năng lượng sạch và khí hậu giữa Ấn Độ và Mỹ. Hiện Ấn Độ là quốc gia phát thải lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Mỹ.

Về phía Nga, Tổng thống Vladimir Putin cam kết "giảm đáng kể" lượng phát thải của nước này trong 3 thập kỷ tới; đồng thời khẳng định Nga có đóng góp lớn trong việc hấp thụ carbon dioxide toàn cầu. Tổng thống Putin cũng cho biết Nga đã giảm gần một nửa lượng khí thải so với năm 1990 và kêu gọi toàn cầu giảm lượng khí mêtan - loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh gấp 84 lần so với carbon dioxide và là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu.

"Số phận toàn bộ hành tinh của chúng ta, triển vọng phát triển của mỗi quốc gia, hạnh phúc và chất lượng cuộc sống của người dân phần lớn phụ thuộc vào sự thành công của những nỗ lực này", ông Putin lưu ý.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tái khẳng định các cam kết giảm phát thải ở mức cao trước năm 2030 và đạt carbon trung tính vào năm 2060. Dù bất đồng về nhiều vấn đề như thương mại và nhân quyền, nhưng Mỹ và Trung Quốc mới đây đã đồng ý hợp tác trong vấn đề biến đổi khí hậu.

Còn Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cho biết, nước này sẽ ngừng các viện trợ công cho các nhà máy nhiệt điện than ở nước ngoài và lên kế hoạch đưa ra cam kết giảm phát thải mạnh mẽ hơn.

Một số quốc gia đánh giá cao Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh về khí hậu cũng như việc đưa Mỹ trở lại Thỏa thuận khí hậu Paris. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận này và dừng tất cả các nỗ lực của Mỹ nhằm giảm phát thải.

"Tôi rất vui khi thấy Mỹ trở lại hợp tác với chúng tôi về vấn đề biến đổi khí hậu, bởi không có nghi ngờ gì về việc thế giới cần sự đóng góp của Mỹ", Thủ tướng Đức Angela Merkel nêu.

Dự kiến, các quốc gia tham gia Thỏa thuận khí hậu Paris sẽ cập nhật lại các mục tiêu phát thải cho thập kỷ tới tại Hội nghị khí hậu Liên hợp quốc diễn ra tại thành phố Glasgow, Scotland vào tháng 11 tới.

Thủ tướng nêu 4 hành động thích ứng với biến đổi khí hậu
Trong hai ngày 25-26/1 đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về thích ứng với Biến đổi khí hậu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư