Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Công bố Quy hoạch tổng thể Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái: Một trục, hai vùng, ba trung tâm
Thu Lê - Thanh Sơn - 07/11/2015 07:26
 
Quy hoạch của Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đã được những nhà tư vấn uy tín hàng đầu thế giới lập, các nhà khoa học, quản lý, nhà hoạch định chính sách hàng đầu của Việt Nam thẩm định và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây sẽ là những căn cứ pháp lý quan trọng trong công tác quản lý nhà nước và thu hút mọi nguồn lực đầu tư nhằm thay đổi diện mạo mảnh đất này.

Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050. được Thủ tướng chính phủ phê duyệt (tại Quyết định 1226/QĐ-TTg ngày 31/7/2015 và Quyết định số 1626/QĐ-TTg) và được công bố rộng rãi và công khai tới các người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Hội nghị diễn ra hôm nay, 7/11.

.
Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái sẽ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, với 3 trụ cột kinh tế gồm thương mại, du lịch và công nghiệp

“Mục đích hướng đến của các quy hoạch này chính là để hiện thực hóa chủ trương phát triển Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái trở thành một địa bàn động lực quan trọng, một cực tăng trưởng kinh tế năng động của vùng đồng bằng sông Hồng và là một trung tâm kinh tế phát triển trên vành đai kinh tế ven biển Vịnh Bắc Bộ.

Đây cũng sẽ là nơi có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại, có mạng lưới dịch vụ hoàn thiện; quốc phòng an ninh được đảm bảo, là phòng tuyến vững chắc bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Đến năm 2030, Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái sẽ là khu kinh tế tự do có dịch vụ, công nghiệp hiện đại, phát triển bền vững góp phần tích cực vào tiến trình mở cửa hội nhập Quốc tế”, ông Dương Văn Cơ, Chủ tịch UBND Thành phố Móng Cái khẳng định.

Theo đó, sự phát triển kinh tế của Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái được xác định sẽ phát triển đa ngành, đa lĩnh vực, với 3 trụ cột kinh tế chính là ba ngành mũi nhọn được dự báo có đóng góp giá trị gia tăng cao vào tăng trưởng của Móng Cái, gồm thương mại, du lịch và công nghiệp. Trong đó, với mỗi ngành sẽ ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển một số sản phẩm đột phá, như: thương mại điện tử; du lịch sinh thái kết hợp với mua sắm dựa trên ý tưởng xây dựng trung tâm mua sắm tổng hợp dạng outlet; công nghiệp dệt may, sản xuất thực phẩm, đồ uống và sản xuất linh kiện,...

Các ngành kinh tế này được định hướng phát triển theo từng khu vực, phân khu chức năng là “1 Trục - 2 Vùng - 3 Trung tâm”. Một trục là những trụ cột kinh tế - xã hội của Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái. Hai vùng là vùng phía Bắc và vùng phía Nam. Ba trung tâm là TP.Móng Cái, KCN-Cảng biển Hải Hà và Trung tâm tổng hợp mới(trung tâm hạt nhân). Và không gian kinh tế của Khu kinh tế Cửa khẩu này được xác định phát triển theo hướng: một vành đai xanh, 3 trục động lực phát triển, 5 khu chức năng.

Các khu chức năng được xác định gắn với những định hướng phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, đối với với Khu A - Đô thị Móng Cái (01 trung tâm động lực), với cửa khẩu quốc tế Móng Cái, bãi biển Trà Cổ và sông Ka Long, thì định hướng không gian của thành phố Móng Cái sẽ được phát triển chủ yếu về phía Tây, Đông và Nam. Trong đó sông Ka Long sẽ là trục cảnh quan chính của đô thị. Tại khu vực này sẽ tập trung phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ xuất nhập khẩu, du lịch, xúc tiến thương mại; sản xuất, gia công, chế biến nông, lâm sản; sản xuất hàng công nghiệp tiêu dùng, phát triển du lịch; xây dựng KCN Hải Yên theo xu hướng chuyển dần sang KCN sạch. Khu B - khu vực thuộc huyện Hải Hà (trung tâm động lực thứ 2) sẽ được xây dựng thành các phân khu chức năng chính gồm: KCN Cảng biển Hải Hà, khu thị trấn Quảng Hà và các khu đô thị mới, khu dân cư,… gắn với phát triển kinh tế biển, du lịch sinh thái.

Nếu hai trung tâm động lực này tập trung cho phát triển kinh tế và đô thị thì tại khu vực xã Hải Đông được quy hoạch là trung tâm hành chính của KKTCK Móng Cái - trở thành trung tâm hạt nhân. Riêng khu D - vùng phía Nam của Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái được quy hoạch là nơi chỉ tập trung cho phát triển du lịch biển đảo với hai khu du lịch chính là đảo Vĩnh Trung, Vĩnh Thực và đảo Cái Chiên. Các khu này sẽ có sự kết nối với đảo HoàngTân của Hạ Long, vịnh Bái Tử Long của Vân Đồn và Trà Cổ của Móng Cái để tạo thành quần thể du lịch ven biển của tỉnh Quảng Ninh.

Với định hướng này, trong tương lai, nơi đây sẽ hình thành một số khách sạn, resort, cảng hàng khách quốc tế Vạn Gia để phục vụ nhu cầu của du khách. Một tuyến cáp treo từ Trà Cổ - Bình Ngọc đến đảo Vĩnh Trung - Vĩnh Thực sẽ được xây dựng để tạo sự liên kết trong phát triển du lịch và tạo ra một sản phẩm du lịch độc đáo.Khu vực còn lại là vùng phái Bắc - khu E sẽ là vùng dịch vụ thương mại vùng biên, gắn với bảo đảm ANQP và hoàn thiện mô hình nông thôn mới tại các xã trên địa bàn Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái.

Tuy nhiên, theo ông Dương Văn Cơ, để có thể xây dựng được Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái phát triển đúng theo định hướng đã được đề ra thì hàng loạt dự án hạ tầng kỹ thuật quan trọng cần phải được quan tâm, thu hút đầu tư đồng bộ - các dự án lớn về hạ tầng giao thông từ đường bộ, đường biển. Các dự án hạ tầng các y tế, giáo dục và các dự án hạ tầng khác như: điện, nước, môi trường,... gắn với phát triển bền vững cũng đã có kế hoạch xây dựng, nâng cấp. Và nếu những công việc, những kế hoạch này được thực hiện tốt và đầy đủ theo đúng quy hoạch, cùng với sự năng động, quyết liệt của chính quyền địa phương và công tác cải cách hành chính được thực hiện đồng bộ, hiệu quả, thì mục tiêu tổng quát được đặt ra đến năm 2030 sẽ có cơ hội thành hiện thực.

Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Quy hoạch xây dựng vùng của tỉnh Quảng Ninh được công bố vào tháng 9/2014 đã xác định Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là một trong hai mũi đột phá chính của tỉnh Quảng Ninh.
Bám sát vào định hướng phát triển này và được sự chấp thuận của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND TP.Móng Cái, huyện Hải Hà và các sở, ngành của tỉnh phối hợp với Công ty TNHH Mckinsey&Company Singapore thuộc Tập đoàn Mckinsey (Hoa Kỳ), Công ty cổ phần tư vấn thiết kế S-Design và cộng sự (Tây Ban Nha), Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn (Bộ Xây dựng); Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương-CIEM, Viện chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT) để lập Quy hoạch tổng thể phát triển KTXH Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.

 

Mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp: Sức hấp dẫn khó cưỡng
Mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư