Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 26 tháng 11 năm 2024,
Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái - Cửa ngõ mở ra thế giới
Với lợi thế giáp với Trung Quốc cả ở trên đất liền và trên biển, Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái (KKTCK Móng Cái) đang đứng trước cơ hội lớn khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào cuối năm nay và các hiệp định thương mại tự do mới đi vào thực hiện.

Những lợi thế khác biệt

Được thành lập theo Quyết định số 19/QĐ-TTg ngày 10/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ, KKTCK Móng Cái là khu kinh tế cửa khẩu có quy mô lớn nhất nước, với diện tích 121.197 ha, bao gồm toàn bộ diện tích của TP. Móng Cái và 9 xã, thị trấn của huyện Hải Hà.

Đây cũng là khu kinh tế duy nhất vừa có cửa khẩu, lại vừa có biển. Mặt khác, KKTCK Móng Cái còn có lợi thế “ven biên”, “ven biển” với Trung Quốc; nằm trong Khu vực hợp tác Hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt Nam - Trung Quốc, Khu hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, Hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore; Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh) và Hành lang Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.

.

Với những vị thế về địa lý này, KKTCK Móng Cái chính là nơi hội tụ, là cửa ngõ giao lưu kinh tế chính giữa các tỉnh, thành phố của Việt Nam với các tỉnh, thành phố miền duyên hải phía Nam Trung Quốc, cũng như trong tiến trình hợp tác khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc.

Hơn nữa, KKTCK Móng Cái còn nằm trong hệ thống cụm cảng quốc tế Hải Phòng - Quảng Ninh (Việt Nam) - Phòng Thành (Trung Quốc), với cảng Vạn Gia và cảng biển nước sâu Hải Hà (có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lớn tới 150.000 DWT) - thuộc vùng ven biển gắn với đường hàng hải quốc tế; lại vừa có cảng quốc tế ICD (cảng cạn Km3+4 Móng Cái).

Có thể khẳng định đây là những lợi thế riêng có để khu vực này trở thành cửa ngõ trung chuyển hàng hoá sôi động với Trung Quốc và các nước ASEAN. Và đây chính là những thế mạnh để KKTCK Móng Cái phát triển đa dạng các ngành nghề kinh tế như: sản xuất, dịch vụ, du lịch, thương mại, logistics.

Chỉ tính trong 5 năm gần đây (2010-2015), tổng giá trị hàng hoá qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã đạt trên 23 tỷ USD, tăng 1,8 lần so với giai đoạn 5 năm trước; tổng thu ngân sách đạt gần 6.000 tỷ đồng, đứng trong top đầu 7 địa phương biên giới phía Bắc tiếp giáp với Trung Quốc.

Bên cạnh đó, KKTCK Móng Cái có nguồn tài nguyên du lịch đặc sắc với bãi biển Trà Cổ đẹp và dài nhất Việt Nam. Mũi Sa Vĩ, nét chấm đầu tiên trên bản đồ của dải đất chữ S. Mũi Ngọc, đảo Vĩnh Thực, đảo Cái Chiên hội đủ điều kiện phát triển du lịch biển đảo cao cấp. Cùng với hệ thống hồ đẹp có hệ sinh thái đa dạng (Tràng Vinh, Quất Đông, Đoan Tĩnh, Kim Tinh, Phình Hồ), núi Tổ Chim, Núi Pa Nai (Hải Sơn) thích hợp cho du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá. TP. Móng Cái - cửa khẩu quốc tế còn là một trung tâm mua sắm với một hệ thống chợ (gồm 5 chợ chính), trung tâm thương mại và một chợ đêm, tuyến phố đi bộ... phục vụ tốt cho nhu cầu tham quan, mua sắm của du khách.

Thực tế, trong 5 năm trở lại đây, doanh thu từ hoạt động du lịch đã đạt 2.877 tỷ đồng (tăng 3,7%/năm). Lượng khách du lịch qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đạt 3,08 triệu lượt người (tăng bình quân gần 16,1%/năm). Riêng 10 tháng đầu năm 2015, lượng khách du lịch đến với Móng Cái tăng 63,4% so cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay. Và lượng khách sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới khi Móng Cái đang tạo ra những đột phá về du lịch. Ngoài ra, những yếu tố tự nhiên như khí hậu nhiệt đới duyên hải khá ôn hòa, thảm thực vật phong phú và đa dạng về chủng loại, với hơn 1.000 loại thuộc 6 ngành và 171 họ; là nơi cư trú của khoảng 120 loài động vật, càng làm tăng giá trị của ngành du lịch tại KKTCK Móng Cái.

Độ che phủ rừng tại đây cũng lớn (Móng Cái là gần 30.000 ha đất lâm nghiệp, đối với diện tích tại Hải Hà thuộc KKTCK là 6.655 ha), tạo nguồn nguyên liệu quan trọng cho ngành công nghiệp chế biến gỗ. Lợi thế về đường bờ biển dài (85km), có diện tích bãi triều lớn, là nơi sinh sống của nhiều loại thủy hải sản có giá trị kinh tế cao như tôm he, cá song, sá sùng, ngọc trai,... tạo điều kiện thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp nuôi trồng, khai thác và chế biến thủy sản. Trữ lượng có thể khai thác hàng năm là 5.000-6.000 tấn, còn nuôi trồng trên 5.000 tấn.

Cơ hội, lợi thế lớn

Có thể khẳng định, đến hiện tại, đây là KKTCK thành công nhất trong số 28 KKTCK của cả nước và được Chính phủ lựa chọn là một trong 8 KKTCK được tập trung đầu tư phát triển từ ngân sách Trung ương trong giai đoạn 2013-2015.

Móng Cái cũng là nơi đầu tiên của cả nước thí điểm thành công chính sách mở cửa biên giới từ năm 1996. Được đánh giá là có những lợi thế khác biệt nổi trội để phát triển đa dạng các ngành kinh tế và là động lực để thu hút các nguồn lực đầu tư bên ngoài.

Nhưng những kết quả mà KKTCK Móng Cái đạt được, chưa thực sự phát huy tốt các lợi thế này. Đến nay, KKTCK Móng Cái mới chỉ có 21 dự án FDI với số vốn đăng ký đạt 1,112 tỷ USD và 71 dự án DDI với tổng vốn đầu tư trên 11,65 nghìn tỷ đồng. Đời sống của người dân đã có sự cải thiện lớn nhưng chưa phải là cao, khi thu nhập bình quân đầu người năm 2014 mới đạt 3.107 USD/người (gấp 1,82 lần so với năm 2010). Điều này cho thấy sự phát triển của KKTCK Móng Cái trong thời gian qua vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế hiện có.

Đánh giá, nhìn nhận thẳng thắn nguyên nhân cho thấy, các cơ chế chính sách đối với Móng Cái trong thời gian dài còn thiếu tính ổn định, chưa thực sự ưu đãi, sức cạnh tranh thấp. Thêm vào đó, dù yếu tố vị trí địa lý mang lại nhiều lợi thế, nhưng hạ tầng kết nối giao thông giữa khu vực này với các địa phương khác trong tỉnh - dù đã được đầu tư nhiều trong thời gian qua - vẫn còn hạn chế. Tình trạng này dẫn đến thiếu các dự án động lực và còn ít các nhà đầu tư chiến lược. Điều này đã làm chậm lại quá trình thu hút đầu tư, cũng như tốc độ phát triển của KKTCK Móng Cái. Phải đến tháng 4/2012, KKTCK Móng Cái mới có quyết định thành lập chính thức của Thủ tướng Chính phủ. Đến lúc này, ở đây mới được áp dụng tất cả và ổn định các chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh Quảng Ninh.

Những hạn chế này trong thời gian tới về cơ bản sẽ không còn là trở ngại lớn. Các quy hoạch chiến lược của KKTCK Móng Cái (do các tư vấn hàng đầu thế giới thực hiện) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ chiến lược, lộ trình phát triển ngành nghề, quan điểm, mục tiêu phát triển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, 2050. Đồng thời, chỉ ra cách thức để tối ưu hóa việc sử dụng không gian và nguồn lực, tạo ra sự phát triển vượt bậc, và đủ sức cạnh tranh quốc tế trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu rộng hiện nay. Đây cũng là khung khổ pháp lý quan trọng cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực, là cơ sở thuyết phục, tạo niềm tin mới với nhà đầu tư trong hoạt động xúc tiến, thu hút các nguồn lực đầu tư.

Các cơ chế chính sách ưu đãi dành cho KKTCK cũng đã được quy định rõ tại Quyết định số 1531/QĐ-TTg ngày 30/8/2013 và Quyết định số 72/2013/QĐ-TTg ngày 26/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, các doanh nghiệp khi đầu tư vào KKTCK Móng Cái được hưởng các cơ chế chính sách ưu đãi về đầu tư; về thuế, tài chính; thuê đất và sử dụng tài nguyên; chính sách về xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu... Đầu tháng 10 vừa qua, Quảng Ninh đã ban hành quyết định số 2895/2015/QĐ-UBND, quy định về những hỗ trợ, ưu đãi riêng mà tỉnh Quảng Ninh dành cho nhà đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh ngoài những chính sách, ưu đãi được hưởng theo quy định của pháp luật.

Nhiều dự án hạ tầng giao thông quan trọng cũng đang được thực hiện để thực sự biến KKTCK Móng Cái trở thành cửa ngõ trung chuyển, trung tâm vận tải của khu vực.  Tuyến đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng và nâng cấp QL18 đoạn Hạ Long - Mông Dương đang được tỉnh Quảng Ninh quyết liệt triển khai. Dự án Đường dẫn cầu Bắc Luân II được xây dựng theo quy mô tiêu chuẩn kỹ thuật đường cao tốc (trên 930 tỷ đồng) cũng vậy. Còn dự án Cầu Bắc Luân II cũng sắp được hoàn thành... Sân bay Vân Đồn cũng đang được triển khai, hay nhiều dự án hạ tầng khác đã có kế hoạch kêu gọi đầu tư để xây dựng (như tuyến đường bộ ven biển, cáp treo ra đảo Vĩnh Thực, tuyến đường cao tốc nối KCN Cảng biển Hải Hà với Móng Cái, cảng biển Hải Hà...).

Cùng với đó là việc không ngừng cải cách thủ tục hành chính từ tỉnh tới cơ sở theo hướng thông thoáng, minh bạch, tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức và công dân. Cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cao. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, không ngừng mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, duy trì biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác phát triển... Đây cũng chính là những động thái tích cực của tỉnh Quảng Ninh để giúp KKTCK Móng Cái có đủ điều kiện đón nhận tốt nhất các cơ hội khi AEC được hình thành vào cuối năm nay, tiến trình thúc đẩy xây dựng khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc - ASEAN...

Với thông điệp “Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái – Cửa ngõ mở ra thế giới”, chúng tôi chân thành mong muốn, kêu gọi và sẵn sàng hợp tác, luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư và tạo mọi điều kiện thuận lợi tốt nhất, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào KKTCK Móng Cái.

Từ 1/7/2015, kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị và Móng Cái
Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương (Bộ Công thương) vừa phát đi thông báo về việc kéo dài thời gian thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư