Trái tim nhân tạo, kết quả của công trình khoa học này chỉ bằng trái tim của một chú thỏ, nhỏ hơn nhiều so với kích thước tim người thật. Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, đây vẫn đánh dấu một bước đột phá trong việc nghiên cứu, tìm ra các bộ phận thay thế cho cơ thể người.
Giáo sư Tal Dvir, người đứng đầu nhóm nghiên cứu cho biết, đây là lần đầu tiên loài người tạo ra được một trái tim nhân tạo bằng công nghệ 3D với đầy đủ các tế bào, mạch máu, tâm nhĩ hay tâm thất. Những nỗ lực trong quá khứ tìm giúp tạo ra một trái tim như thật, thế nhưng nó không có cấu tạo từ các tế bào và mạch máu như ở cơ thể người, Giáo sư Tal Dvir nói.
Tim nhân tạo được in 3D từ "mực in" là mô và mạch máu. |
Vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đang tìm cách ứng dụng công nghệ in 3D nhằm giúp chữa lành các bộ phận trên cơ thể. Trước đó, một nhóm nghiên cứu thuộc trường đại học Toronto (Canada) từng sử dụng một công nghệ tương tự để tiến hành in da lên vết thương.
Một nhóm các nhà nghiên cứu khác thuộc đại học Minnesota (Mỹ) cũng đã thành công trong việc sử dụng công nghệ tương tự để tạo ra hộp sọ trong suốt của loài chuột nhằm giúp con người hiểu rõ hơn về hoạt động của bộ não.
Với nhóm nghiên cứu của đại học Tel Aviv, họ đã trích xuất mô mỡ từ bệnh nhân và sử dụng nó như một loại “mực in”. Các nhà nghiên cứu đang phải đối mặt với một vấn đề rằng trái tim được tạo ra từ công nghệ in 3D không có khả năng bơm máu dù nó vẫn có thể co bóp. Do vậy, họ đã quyết định sẽ thử nghiệm trái tim nhân tạo này trong cơ thể một loài động vật sống.
Trong tương lai, rất có thể công nghệ in 3D sẽ tạo ra một nguồn mô tạng quan trọng cung cấp cho việc thay thế và điều trị trên cơ thể người.