Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
"Công nghệ vật lý số sẽ mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp văn hóa"
Tú Ân - 06/08/2024 10:05
 
Chia sẻ của Huy Nguyễn, Nhà sáng lập Phygital Labs tại Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa”.

Theo ông Huy, xu hướng giải pháp công nghệ mới đang nổi lên mạnh mẽ và bắt đầu được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành nghề là công nghệ vật lý số (phygital). Thuật ngữ phygital (tạm dịch là “vật lý số”) xuất phát từ sự kết hợp của hai từ physical (vật lý) và digital (kỹ thuật số), mô tả sự kết hợp giữa thế giới vật lý và kỹ thuật số, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và tăng tính tương tác hơn cho người dùng.

Công nghệ vật lý số cho phép các đối tượng vật lý được kết nối với thế giới kỹ thuật số thông qua các nền tảng công nghệ lõi tiên tiến như blockchain (công nghệ chuỗi khối), NFC (công nghệ kết nối không dây tầm ngắn), và AR/VR/XR (thực tế tăng cường/ thực tế ảo/ thực tế mở rộng).

Công nghệ vật lý số không chỉ mang lại những cơ hội mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo ra những trải nghiệm độc đáo và hấp dẫn cho công chúng, mà còn mở ra những cách thức mới để khai thác và phát triển ngành công nghiệp văn hóa. Cụ thể, công nghệ này giúp bảo tồn và bảo vệ di sản văn hóa thông qua việc số hóa và lưu trữ thông tin chi tiết về các hiện vật. Đây sẽ là cơ sở để lưu giữ tốt di sản của cha ông phục vụ cho mục đích giáo dục cho các thế hệ sau, vừa quảng bá và khai thác di sản hiệu quả cho mục đích phát triển kinh tế.

Công nghệ vật lý số giúp khai thác bản quyền di sản, giúp các tổ chức văn hóa tạo ra các sản phẩm phái sinh như ấn phẩm, phim ảnh, và trò chơi điện tử, từ đó tạo ra nguồn thu nhập bổ sung và quảng bá di sản văn hóa ra toàn cầu. Điều này hỗ trợ công tác bảo tồn và nâng cao giá trị kinh tế của di sản.

Đồng thời, tăng cường trải nghiệm tham quan và giáo dục, tạo ra những trải nghiệm tham quan tương tác và hấp dẫn hơn. Du khách có thể sử dụng các thiết bị di động để truy cập thông tin chi tiết về các hiện vật, tham gia vào các hoạt động giáo dục và tương tác với môi trường ảo, tạo ra sự hứng thú và thu hút hơn khi tìm hiểu về di sản văn hóa.

Cùng với đó, công nghệ này giúp quản lý và phát triển các di sản văn hóa một cách hiệu quả hơn. Việc sử dụng các công nghệ như NFC và blockchain giúp xác thực nguồn gốc và bảo vệ quyền sở hữu các hiện vật, đồng thời tạo ra các kênh mới để quảng bá và khai thác giá trị của di sản.

Đặc biệt, phygital mở ra cơ hội kinh tế mới cho ngành công nghiệp văn hóa thông qua việc bán vé tham quan triển lãm số, sản xuất và phân phối các sản phẩm phái sinh, và mua bán các bản sao số của các hiện vật di sản. Điều này không chỉ giúp bảo tồn và phát huy giá trị di sản mà còn tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho các tổ chức văn hóa.

Không gian triển lãm số cổ vật Triều Nguyễn

Theo ông Huy, khi đã được định danh và xác thực, các hiện vật được trưng bày dưới dạng triển lãm số, cho phép du khách từ mọi nơi trên thế giới tham quan qua công nghệ VR, AR và XR. Triển lãm số không chỉ quảng bá di sản văn hóa toàn cầu dễ dàng mà còn tạo ra nguồn thu nhập bổ sung thông qua việc bán vé tham quan online.

Giá trị trực tiếp trong mô hình này là sản xuất và phân phối các món đồ lưu niệm, tuy là bản sao của các hiện vật di sản văn hóa nhưng được xác thực, định danh bởi đơn vị sở hữu, từ đó tạo ra các nguồn thu mới và vẫn bảo vệ bản quyền di sản. Công nghệ chip NFC được tích hợp vào các sản phẩm này, cho phép người dùng truy cập thông tin, dữ liệu của hiện vật được số hóa… dễ dàng xác thực bằng di động.

Một hướng đề xuất mở tiếp theo là việc tạo ra và giao dịch các phiên bản số của hiện vật di sản trên chợ số, hay chợ vật lý số, ứng dụng công nghệ blockchain để đảm bảo tính xác thực và an toàn của giao dịch. Điều này giúp mở rộng phạm vi tiếp cận và tạo ra mô hình kinh tế số trong công nghiệp văn hóa.

Điển hình của xu hướng này là Dự án "Mona Lisa: Beyond the Glass" tại Bảo tàng Louvre (một trong những bảo tàng đón tiếp nhiều khách tham quan nhất trên thế giới) là trải nghiệm thực tế ảo cho phép du khách khám phá bức tranh Mona Lisa một cách hoàn toàn mới thông qua công nghệ VR.

Hay như Bảo tàng Hà Nam tiên phong đưa ra sản phẩm hộp bí ẩn (blind box) khảo cổ, chứa các bản sao thu nhỏ của cổ vật. Tính độc đáo của những hộp bí ẩn này nằm ở yếu tố bất ngờ, khi người mua không biết họ sẽ nhận được cổ vật nào. Chỉ trong ba tháng, Bảo tàng Hà Nam đã bán được 120,000 bộ sản phẩm. Doanh số bán hàng trong năm 2023 đạt 4.2 triệu USD.

Tại Việt Nam, nhiều dự án đã được triển khai nhằm ứng dụng công nghệ vào việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa. Điển hình như chiến dịch Tầm Chân với dự án Nghê Văn Miếu. Tượng Nghê, vật phẩm đúc bằng đồng thau theo nguyên mẫu của Nghê đang chầu trên cột tứ trụ của Văn Miếu - Quốc Tự Giám, được gắn chip NFC. Hay như Dự án "Định danh số và Triển lãm số các cổ vật triều Nguyễn" từ năm 2023.Theo đó, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cùng Phygital Labs hợp tác sử dụng blockchain và NFC để định danh và quản lý các cổ vật triều Nguyễn tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Ông Huy Nguyễn cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa đang đòi hỏi những cách tiếp cận mới mẻ và sáng tạo. Trong đó, bảo vệ và khai thác bản quyền di sản là một chiến lược quan trọng giúp tạo ra các sản phẩm văn hóa có giá trị kinh tế cao, từ đó góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp văn hóa.

Nhìn ra thế giới, các bảo tàng và di tích lịch sử đã tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tạo ra những trải nghiệm tham quan mới mẻ và thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Những nỗ lực này nhằm bảo vệ các giá trị văn hóa khỏi nguy cơ mai một cũng như mở ra những cơ hội kinh tế mới, thúc đẩy du lịch và giáo dục. Như vậy, sự kết hợp giữa văn hóa và công nghệ không chỉ là xu hướng mà còn là chìa khóa, giúp không chỉ công chúng “chạm tay vào di sản” mà còn mở ra kỷ nguyên mới cho ngành công nghiệp văn hóa của nước nhà.

"Công nghệ vật lý số, với khả năng kết nối thế giới vật lý và kỹ thuật số, đang chứng minh rằng nó có thể mang lại những giá trị to lớn. Chúng tôi tin rằng, với tầm nhìn chiến lược và tâm huyết gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nước nhà, Chính phủ và các tổ chức văn hóa sẽ có sự hợp tác cởi mở, chặt chẽ với các đơn vị quản lý di sản văn hóa và công ty công nghệ. Từ đó, chúng ta có thể định hình tương lai của công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển kinh tế và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế", ông Huy chia sẻ.

Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa” đã đưa ra Tuyên ngôn Hạ Long về "Kinh tế sáng tạo - Kết nối Văn hoá vì Hoà bình và Phát triển bền vững".

Bản tuyên ngôn cam kết thúc đẩy các mô hình kinh tế trên cơ sở công bằng và bền vững, nâng cao chất lượng sống của mọi thành viên cộng đồng; ủng hộ các chính sách kinh tế thân thiện với môi trường và xã hội, đảm bảo rằng sự phát triển không gây hại đến các thế hệ tương lai; bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hoá, thúc đẩy những sáng kiến biến các di sản này thành tài sản phục vụ cho sự phát triển và gia tăng hạnh phúc của nhân loại; tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng văn hoá, coi việc thấu hiểu và tôn trọng giữa các nền văn hóa là tiền đề của hòa bình và thịnh vượng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư