Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Công nghiệp chế biến chế tạo hút vốn ngoại
Thanh Huyền - 01/12/2020 10:31
 
Mặc dù lượng vốn FDI đăng ký, giải ngân đều thấp hơn so với cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của Covid-19, song mức độ giảm đã được cải thiện đáng kể.
Dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút FDI. Ảnh: Đức Thanh
Dù chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn là điểm sáng trong thu hút FDI. Ảnh: Đức Thanh

Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư hấp dẫn

Báo cáo mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy, tính đến ngày 20/11/2020, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 26,43 tỷ USD, bằng 83,1% so với cùng kỳ năm 2019. Vốn thực hiện của dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt 17,2 tỷ USD, bằng 97,6% so với cùng kỳ năm 2019.

Cũng theo báo cáo, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là lĩnh vực hút vốn ngoại, khi có tới 12,7 tỷ USD đầu tư vào lĩnh vực này, chiếm 48,2% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ 2, với tổng vốn đầu tư trên 4,9 tỷ USD, chiếm 18,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký gần 3,8 tỷ USD và 1,5 tỷ USD.

Xét về đối tác đầu tư, Singapore đang dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 8,1 tỷ USD, chiếm 30,6% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,7 tỷ USD, chiếm 14 % tổng vốn đầu tư. Trung Quốc đứng vị trí thứ 3, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2,4 tỷ USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan…

Nếu xét theo số lượng dự án mới thì Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất (573 dự án); Trung Quốc đứng vị trí thứ hai (311 dự án); Nhật Bản đứng thứ ba (251 dự án); Hồng Kông đứng thứ tư (164 dự án)…

Nhận xét về tình hình đầu tư nước ngoài, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá, do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 11 tháng tuy giảm so với cùng kỳ 2019, song mức độ giảm đã được cải thiện. Nhiều doanh nghiệp FDI đang dần hồi phục, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt, tạo đà cho bước tăng trưởng nhanh hơn trong những tháng cuối năm 2020.

“Xét trong bối cảnh đầu tư toàn cầu suy giảm rất mạnh do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, thì kết quả này tốt hơn nhiều quốc gia khác, thể hiện sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế”, Cục Đầu tư nước ngoài đánh giá.

Thu hút nhà đầu tư đẳng cấp

Trong báo cáo gửi Chính phủ để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Ðầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 cần khắc phục sự phụ thuộc nhiều vào khu vực FDI cả ở cấp độ địa phương, ngành và toàn nền kinh tế. Bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI có chất lượng cao, cần tạo điều kiện tối đa cho khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển với tốc độ nhanh hơn và đồng đều hơn so với hiện nay.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là thời điểm Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng về thể chế và hạ tầng để sẵn sàng đón làn sóng đầu tư FDI lớn, tận dụng cơ hội từ hoạt động dịch chuyển chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn.

Cục Đầu tư nước ngoài dự báo, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm, tin tưởng và có nhu cầu đầu tư vào Việt Nam. Nhưng do ảnh hưởng của Covid-19, việc đi lại của các nhà đầu tư cũng như các quyết định đầu tư mới và mở rộng quy mô dự án đầu tư nước ngoài tiếp tục bị ảnh hưởng.

PGS-TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, để đón được các tập đoàn lớn di chuyển chuỗi cung ứng, sản xuất sang Việt Nam, chúng ta cần có môi trường đầu tư công khai, minh bạch, có nguồn nhân lực chất lượng cao và chi phí hạ tầng logistics cạnh tranh. Còn rất nhiều việc phải làm để đạt được những điều kiện này, quan trọng là phải thay đổi cách làm, không thể chỉ cải tiến những quy định cũ. Thời gian tới, thu hút đầu tư FDI cần chú ý tới đẳng cấp của doanh nghiệp FDI, thay vì chỉ chú ý đến thu hút dự án có quy mô vốn đầu tư lớn.

Còn theo PGS-TS Nguyễn Anh Thu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), việc ưu đãi thuế và phi thuế để thu hút FDI đã khiến ngân sách nhà nước bị hụt thu hàng chục ngàn tỷ đồng/năm. Do đó, để thu hút FDI hiệu quả, Chính phủ cần cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thể chế, khung pháp lý minh bạch, chất lượng lao động, cải thiện chất lượng hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông phải có chất lượng tốt…

Số dự án mới, điều chỉnh vốn và cả số lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tuy giảm so với cùng kỳ, song mức độ giảm đang được cải thiện rõ rệt. Số dự án điều chỉnh vốn trong 11 tháng đã xấp xỉ bằng cùng kỳ năm 2019 (chỉ giảm 0,8%), vốn đăng ký thêm tăng 7,8%.

Cụ thể, vốn đăng ký mới đạt 13,6 tỷ USD, với 2.313 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (giảm 14,8% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, có 1.051 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (giảm nhẹ 0,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 6,3 tỷ USD (tăng 7,8% so với cùng kỳ).
Công nghiệp chế biến, chế tạo phục hồi mạnh mẽ
Bước ra từ phòng Họp Chính phủ - Phiên họp thường kỳ tháng 7/2015 muộn gần 30 phút so với dự kiến, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư