Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Công nghiệp chế biến, chế tạo: Khẳng định vai trò động lực trong kinh tế Quảng Ninh
Thu Lê - 09/11/2021 14:20
 
Công nghiệp chế biến, chế tạo được tỉnh Quảng Ninh xác định là lĩnh vực quan trọng, một trong 3 trụ cột chính của ngành công nghiệp, là động lực cho phát triển kinh tế của tỉnh.
Chế tạo màn hình tivi tại Công ty TNHH Competition Team Technology tại KCN Đông Mai. Ảnh Minh Đức
Chế tạo màn hình tivi tại Công ty TNHH Competition Team Technology tại KCN Đông Mai. Ảnh Minh Đức

Động lực tăng trưởng quan trọng 

Trên thế giới, trong 20 năm qua, công nghiệp chế biến, chế tạo luôn đóng góp khoảng 20% GDP của các nước công nghiệp dù đã phát triển hay mới nổi, như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore... Tại Việt Nam, tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đã tăng từ 13% năm 2010, lên gần 20% năm 2020. Bình quân trong giai đoạn 2011-2020, nhóm ngành này chiếm tỷ trọng 14,9% GDP của toàn nền kinh tế.

Với Quảng Ninh, ngành công nghiệp đã có sự phát triển từ rất sớm với lĩnh vực khai khoáng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Còn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dù vẫn còn nhỏ so với công nghiệp khai khoáng, nhưng giá trị đóng góp đang tăng dần.

- Tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2010 - 2020 của ngành công nghiệp chế biến chế tạo Quảng Ninh đạt 12,5%/năm; tỷ trọng đóng góp vào GRDP toàn tỉnh tăng từ 6,7% năm 2010, lên 9,6% năm 2020. Đến năm 2020, quy mô ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 20.305 tỷ đồng, tăng gấp 5,5 lần so với năm 2010.

- Toàn tỉnh có 841 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến chế tạo (chiếm 81,8% tổng số doanh nghiệp toàn ngành công nghiệp), tăng 550 doanh nghiệp so với năm 2010.

- Số lao động trong ngành tăng từ 37.293 người năm 2010, lên 54.213 người năm 2020, góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn.

- Tổng nguồn vốn đầu tư toàn ngành giai đoạn 2010 - 2019 đạt 68.997 tỷ đồng, chiếm 28,7% tổng vốn đầu tư ngành công nghiệp, chiếm 13,3% tổng vốn đầu tư xã hội toàn tỉnh.

Xác định công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành có vai trò quan trọng và động lực phát triển của nền kinh tế, tạo sự chuyển biến về chiều sâu, gia tăng giá trị cao cho xã hội, nên ngay sau Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, tháng 9/2020, Nghị quyết đầu tiên mà Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025 ban hành chính là Nghị quyết về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030.

Theo đó, Quảng Ninh tập trung cơ cấu lại khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo để ngày càng đóng vai trò động lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Từ đó, tạo ra bước đột phá trong thu hút tổng vốn đầu tư, giá trị gia tăng của ngành; tăng nhanh tỷ trọng đóng góp trong GRDP và thu ngân sách địa phương; thu hút lao động kỹ năng tay nghề, chất lượng cao gắn với tăng quy mô, chất lượng dân số.

Mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng của khu vực công nghiệp - xây dựng trong GRDP đạt 49 - 50%, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng trên 15% trong GRDP. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 10%/năm, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng bình quân 17%/năm, thu hút tổng vốn đầu tư đạt trên 50.000 tỷ đồng (bình quân trên 10.000 tỷ đồng/năm)...

Nhiều giải pháp cụ thể, linh hoạt đã được đưa ra kịp thời để gia tăng giá trị của ngành công nghiệp, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh, đã giúp nền kinh tế Quảng Ninh trụ vững giữa “bão Covid-19”. 9 tháng của năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đạt 8,6%, cao hơn so với cùng kỳ (8,5%). Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng cao nhất là 11,6% (cùng kỳ tăng 8,9%), tăng 1,8 điểm phần trăm so với kịch bản (9,8%), đóng góp 5,6 điểm phần trăm tăng trưởng và chiếm tỷ trọng 53,9% GRDP.

Theo bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công thương Quảng Ninh, kết quả này cho thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, đặc biệt là nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo khi có những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh, bù đắp cho khu vực dịch vụ, du lịch. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 9 tháng của Quảng Ninh tăng 10,58% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất ngành khai khoáng chỉ tăng 1,67% so với cùng kỳ, nhưng chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng đến 37%.

Năm 2020, năm đầu tiên dịch bệnh Covid-19 bùng phát, ngành công nghiệp cũng đã đóng góp lớn trong cơ cấu GRDP và ngân sách của Quảng Ninh. Riêng ngành chế biến, chế tạo đạt mức tăng trưởng đến gần 17%, chiếm 9,8% GRDP của tỉnh.

Tận dụng tốt dòng vốn FDI

Ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng ban Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là phát triển nhanh các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), tạo động lực thúc đẩy thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong thời gian gần đây, các KCN trên địa bàn tỉnh đã thu hút được một số dự án FDI lớn trong lĩnh vực này.

Đó là dự án của Tập đoàn Foxconn đầu tư vào KCN Đông Mai (thị xã Quảng Yên), Dự án Nhà máy sản xuất công cụ y khoa gần 2.500 tỷ đồng và Tổ hợp nhà máy sản xuất trang thiết bị y tế hơn 2.000 tỷ đồng tại xã Quảng Phong (huyện Hải Hà)...

Các dự án thu hút mới trong 9 tháng của năm 2021, đặc biệt là các dự án FDI đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó có 2 dự án của Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar Việt Nam là những dự án FDI có tổng mức đầu tư cao nhất (gần 900 triệu USD) thu hút vào địa bàn các KCN, KKT của tỉnh tính đến thời điểm hiện tại.

Ông Beyond Huang, Giám đốc dự án Jinko Solar Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi rất ấn tượng với Quảng Ninh từ khi tìm hiểu đầu tư, đặc biệt là khi chúng tôi nhận được sự hỗ trợ ngay trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Nhờ đó, dự án của chúng tôi được triển khai rất thuận lợi. Tôi cảm nhận rõ, Quảng Ninh thực sự quan tâm và thấu hiểu nhà đầu tư, nên đã triển khai đầu tư ngay nhà máy thứ 2 trong năm nay để sớm hình thành chuỗi sản xuất khép kín tại tỉnh”.

Không chỉ hỗ trợ về chính sách, thủ tục để triển khai dự án, nhà đầu tư đến Quảng Ninh ngoài các ưu đãi chung theo quy định của Chính phủ, còn được hưởng những hỗ trợ riêng về chi phí xúc tiến đầu tư, đào tạo lao động, hay những vấn đề nhỏ như giá nước. Riêng giá nước áp dụng cho các KCN, KKT của Quảng Ninh đang thấp hơn so với các địa phương lân cận. Ông Trần Mạnh, Phó giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Quảng Ninh cho biết, hiện giá nước bán lẻ đến tận tay nhà đầu tư thứ cấp chỉ có 12.200 đồng/m3. Việc cung cấp dịch vụ cũng luôn được doanh nghiệp chủ động làm việc với các công ty kinh doanh hạ tầng KCN để nắm bắt nhu cầu và có kế hoạch đầu tư hạ tầng cấp nước kịp thời.

Từ đầu năm đến nay, Ban Quản lý KKT Quảng Ninh đã tiếp xúc, làm việc với gần 30 lượt nhà đầu tư để truyền đi thông điệp của tỉnh trong việc ưu tiên thu hút những dự án đầu tư vào địa bàn KCN, KKT. Các nhà đầu tư này chủ yếu hoạt trong lĩnh vực điện tử, điện lạnh, sản xuất ô tô, điển hình như: Công ty Iris Ohyama (Nhật Bản) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án điện gia dụng, tủ lạnh; Công ty TNHH Toyota Tsusho và Công ty Aapico Hitech PCL (Thái Lan) nghiên cứu triển khai đầu tư Dự án Tổ hợp Smart City Móng Cái và các dự án sản xuất công nghiệp ô tô; Tập đoàn BYD (Trung Quốc) nghiên cứu triển khai đầu tư dự án về lĩnh vực chế biến, chế tạo; Công ty Jinsung Hitec (Hàn Quốc) nghiên cứu đầu tư Dự án Jinsung Hitec Vina...

Không chỉ các dự án FDI, nhiều nhà đầu tư trong nước nổi tiếng trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã đến Quảng Ninh. Tháng 9/2020, tại KCN Việt Hưng (TP. Hạ Long), Quảng Ninh đã tổ chức động thổ Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô Thành Công Việt Hưng, do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư. Tập đoàn Vingroup cũng đang nghiên cứu đầu tư Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ô tô hơn 3.400 tỷ đồng tại KKT Cửa khẩu Móng Cái.

“Các dự án chế biến, chế tạo trong các KCN, KKT, CCN mà Quảng Ninh thu hút được, nhất là các dự án FDI trong thời gian qua đã và đang phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần đẩy mạnh cơ cấu lại lao động, giải quyết việc làm, đóng góp lớn cho thu ngân sách nhà nước, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương, từng bước trở thành động lực chính thúc đẩy sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh”, ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh khẳng định.

Tuy nhiên, để ngành công nghiệp chế biến chế tạo có được sự tăng trưởng tốt và vững mạnh, thì không thể phụ thuộc hoàn toàn vào yếu tố bên ngoài là doanh nghiệp FDI. Do đó, việc làm sao phát triển các doanh nghiệp của tỉnh trong lĩnh vực này ngày càng lớn mạnh, tham gia được vào chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp FDI, nhận chuyển giao được công nghệ sản xuất, hoặc tạo ra các sản phẩm nguồn là bài toán lớn mà Quảng Ninh cần phải giải.

Quảng Ninh phát triển hạ tầng thần tốc - cơ hội nào cho nhà đầu tư bất động sản
“Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ" - từ xa xưa cổ nhân đã có những câu nói đúc kết kinh nghiệm lựa chọn bất động sản ưu tiên gắn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư