Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Nguồn cung bất động sản công nghiệp tại Quảng Ninh sẽ tăng
Thu Lê - 08/10/2021 10:46
 
Thị trường bất động sản công nghiệp Quảng Ninh trong thời gian tới sẽ sớm ghi nhận thêm quỹ đất mới với những nhà đầu tư đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh cho biết, theo Quy hoạch phát triển các Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch thành lập, phát triển 13 KCN, 3 KKT cửa khẩu và 2 KKT ven biển với tổng diện tích khoảng 388.671 ha, phân bố trên 11/13 địa phương của tỉnh Quảng Ninh.

Trong số 13 KCN nằm trong Quy hoạch thì có đến 08 KCN thuộc địa bàn các KKT. Điều này tạo ra sức hút đối với các KCN tại Quảng Ninh nhờ những ưu đãi của KKT. Hiện đã có 10 dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng thuộc 08 KCN được cấp có thẩm quyền quyết định, cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư và thành lập với tổng diện tích là 4.514,69 ha.

Trong đó có 7 dự án đã được các Chủ đầu tư thực hiện đầu tư kinh doanh hạ tầng và cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để thực hiện dự án đầu tư: KCN Cái Lân 69,28 ha, KCN Việt Hưng 301 ha, KCN Hải Yên 182,4 ha, KCN Đông Mai 167,86 ha, KCN Texhong - Hải Hà 660 ha (thuộc KCN - Cảng biển Hải Hà), KCN Nam Tiền Phong (nằm trong hệ thống KCN DEEP C) 369,8 ha (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc); KCN Sông Khoai 714 ha. KCN Bắc Tiền Phong (nằm trong hệ thống KCN DEEP C) 1.192,9 ha (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc) đang tiến hành san lấp, chưa thu hút nhà đầu tư thứ cấp.

Có 2 dự án chưa có quyết định thành lập, đang hoàn thiện các thủ tục pháp lý sau cấp Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư: KCN Hoành Bồ 681 ha; KCN Bạch Đằng 176,45 ha (thuộc KCN - Dịch vụ Đầm Nhà Mạc). Ngoài ra còn 5 dự án đầu tư hạ tầng KCN khác đang được nghiên cứu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư với tổng quỹ đất khoảng 2.500 ha.

Lãnh đạo tỉnh Quảng NInh làm việc với  đại diện Tập đoàn Amata, GS&C, Marubeni
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh làm việc với đại diện Tập đoàn Amata, GS&C, Marubeni. Ảnh: Quảng Ninh Portal.

Động thái mới đây nhất của Tập đoàn Amata khi cùng 2 đối tác đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho thấy, quỹ đất công nghiệp tại Quảng Ninh sẽ vẫn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới. Điều này cũng đang phản ánh sức hút đối với dòng vốn FDI của Quảng Ninh ngày càng tăng.

Trong buổi làm việc trực tuyến mới đây với phóng viên báo baodautu.vn, bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Amata Việt Nam cho biết: Ngay từ những ngày đầu đến nghiên cứu tại Quảng Ninh, Amata đã xác định đây là dự án lớn nhất mà Tập đoàn triển khai tại Việt Nam, cả về quy mô đất (diện tích nghiên cứu là gần 5.800 ha) lẫn quy mô vốn (gần 2 tỷ USD). Trong đó, KCN Sông Khoai nằm trong KKT Quảng Yên được đầu tư xây dựng trước.

Tiến trình phát triển KCN này sẽ được gắn với các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, có công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư về sản xuất cũng sẽ tạo nhu cầu về nơi ở, tiện ích thương mại, dịch vụ. Từ đó tạo đà cho việc xây dựng, phát triển khu đô thị thông minh Amata Smart City Hạ Long.

Tập đoàn Amata cũng đã báo cáo với tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục phát triển thêm một số KCN trên địa bàn tỉnh, thông qua việc hợp tác với những nhà đầu tư lớn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan để kéo các nhà đầu thứ cấp lớn từ các quốc gia và vùng lãnh thổ này về.

Một trong những bước đi mới thực hiên cam kết của Tập đoàn Amata với Quảng Ninh đó chính là việc kêu gọi và mời hợp tác với 2 nhà đầu tư lớn đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. “Sau dự án đầu tiên là KCN Sông Khoai với 714 ha đang được triển khai, tập đoàn tiếp tục hướng tới việc mở rộng quỹ đất dành cho KCN trong KKT Quảng Yên – địa điểm có rất nhiều lợi thế phát triển công nghiệp. Trong đó, gần nhất có 2 dự án đang nghiên cứu cùng với 2 đối tác lớn đến từ Nhật Bản – Tập đoàn Marubeni và Hàn Quốc – Tập đoàn GS E&C”, bà Somhatai cho biết.

Được biết, Tập đoàn Marubeni là tập đoàn hàng đầu thế giới, kinh doanh đa ngành và có rất nhiều kinh nghiệm đầu tư và phát triển các dự án KCN vượt trội tại Châu Á từ những năm 1980. Tập đoàn này cũng đã có nhiều năm kinh nghiệm đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Riêng tại Quảng Ninh phải kể đến sự xuất hiện của Marubeni trong liên doanh đề xuất được thự hiện dự án Điện khí LNG tại thành phố Cẩm Phả.

Tập đoàn GS E&C được xếp hạng nằm trong top 4 tập đoàn xây dựng hàng đầu của Hàn Quốc, chuyên kinh doanh về mảng cơ sở hạ tầng, dịch vụ và năng lượng. Tập đoàn này không chỉ giữ thế mạnh về mảng hạ tầng và bất động sản truyền thống, mà còn đang phát triển mảng kinh doanh mới liên quan đến công nghệ cao, năng lượng xanh sạch thân thiện với môi trường. GS E&C cũng đã có hơn 28 năm kinh nghiệm phát triển tại Việt Nam.

Theo bà Somhatai, đối với dự án mà Marubeni và Amata đang đề xuất, các quan điểm và nguyên tắc sẽ tuân theo định hướng chiến lược phát triển KCN từ Chính phủ Việt Nam và tỉnh Quảng Ninh. Cụ thể là thân thiện với môi trường, số hóa và phát triển công nghệ cao, cung cấp dịch vụ và y tế sẽ là ba điểm chính của mô hình tương lai.

Trong khi đó, GS E&C đã đóng góp ý tưởng về việc xây dựng một KCN mới dựa trên quan điểm hài hòa với Vịnh Hạ Long. Đây sẽ là KCN Hàn Quốc đầu tiên được xây dựng tại Việt Nam trên cơ sở hợp tác với Amata, để thu hút nhà đầu tư Hàn Quốc trong lĩnh vực công nghệ hiện đại như năng lượng tái tạo, sinh dược, xe điện…

Việc cả 2 nhà phát triển hạ tầng KCN lớn của Nhật Bản và Hàn Quốc này đều chủ động tìm về Quảng Ninh đã cho thấy những tiềm năng phát triển của mảnh đất này trong việc phát triển bất động sản công nghiệp thế hệ mới, để đón những dòng FDI chất lượng từ các hiệp định thương mại tự do lớn mà Việt Nam đang và sẽ tham gia.

Theo đánh giá của các nhà đầu tư, trong vòng 5 năm tới là thời điểm thích hợp để chào đón các nhà đầu tư thứ cấp đầu tiên vào KCN mới trên địa bàn. Vậy nên, Quảng Ninh muốn cạnh tranh trong việc hút dòng vốn đầu tư FDI, việc chuẩn bị quỹ đất công nghiệp  lớn và hạ tầng tương thích là điều mà địa phương này phải làm sớm.

Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh đầu tư 2 Dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao tại KCN Sông Khoai
Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh đầu tư liên tiếp 2 dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao.

Hiện, kết quả thu hút đầu tư FDI vào Quảng Ninh trong 9 tháng đầu năm đang rất khả quan. Chỉ trong vòng chưa đầy 6 tháng, Tập đoàn Jinko Solar đã quyết định lựa chọn Quảng Ninh đầu tư liên tiếp 2 dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao tại KCN Sông Khoai của Tập đoàn Amata. Dự án thứ nhất là Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 500 triệu USD và dự án thứ 2 là Công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam, có tổng vốn đầu tư gần 400 triệu USD. Đây là 2 dự án có nguồn vốn đầu tư FDI lớn nhất được đầu tư trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay.

Lũy kế, trong 9 tháng của năm 2021, tổng vốn thu hút đầu tư vào các KCN, KKT thuộc địa bàn quản lý của Ban quản lý KKT Quảng Ninh (trừ KKT Vân Đồn) đạt 40.350 tỷ đồng, tương đương hơn 1,75 tỷ USD, đạt 139% kế hoạch thu hút vốn đầu tư theo kịch bản tăng trưởng năm 2021.

Chắc chắn, việc xuất hiện ngày càng nhiều những tên tuổi phát triển bất động sản công nghiệp quốc tế lớn đến với Quảng Ninh như Amata, DEEP C, Texhong, GS&C, Marubeni,... sẽ giúp địa phương này nhanh chóng định vị mình trên bản đồ thu hút FDI của Việt Nam với những dự án tỷ USD.

Quảng Ninh hướng dẫn người lao động từ vùng dịch trở về tỉnh an toàn
Nhằm hỗ trợ người dân Quảng Ninh đang làm việc tại các vùng dịch trở về tỉnh đảm bảo an toàn, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 6945/UBND-DL1...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư