Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 12 năm 2024,
Công ty chứng khoán: Bắt tay hay là chết?
Chí Tín - 20/07/2014 11:56
 
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã chính thức chấp thuận việc hợp nhất giữa Công ty cổ phần Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS) và Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Tây Dương (OSC). Thương vụ hợp nhất giữa VIS và ORS được xem như một “cú nhấn ga” của lộ trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán. 
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
VIS được chấp thuận hợp nhất với OSC
Làn sóng tự giải thể công ty chứng khoán
M&A công ty chứng khoán sẽ bùng nổ trong 2014
Maybank KimEng sắp thành công ty 100% vốn nước ngoài

Động thái này được kỳ vọng sẽ tiếp đà cho quá trình tái cơ cấu các công ty chứng khoán, sau thương vụ hợp nhất đầu tư tiên diễn ra khá suôn sẻ giữa Công ty Chứng khoán MB (MBS) và Công ty Chứng khoán VIT vào tháng 12/2013.

  Công ty chứng khoán: Bắt tay hay là chết?  
  Hiện toàn thị trường có tổng số 104 công ty chứng khoán, với tổng vốn chủ sở hữu khoảng 36.910 tỷ đồng  

Theo phương án sáp nhập, các cổ đông đang sở hữu cổ phần của VIS và OSC sẽ được chuyển đổi thành cổ phần mới của công ty sau hợp nhất.

Cụ thể, cổ phần của VIS sẽ được chuyển đổi theo tỷ lệ 4:1, nghĩa là cổ đông sở hữu 4 cổ phần VIS sẽ được chuyển đổi thành 1 cổ phần của công ty sau hợp nhất. Tỷ lệ chuyển đổi cổ phần OSC là 13,5:1, cổ đông sở hữu 13,5 cổ phần OSC sẽ được chuyển đổi thành 1 cổ phần của công ty sau hợp nhất.

Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, hiện toàn thị trường có tổng số 104 công ty chứng khoán, với tổng vốn chủ sở hữu khoảng 36.910 tỷ đồng. Mạng lưới hoạt động của công ty chứng khoán bao gồm 114 chi nhánh, 41 phòng giao dịch, 4 văn phòng đại diện. Số lượng tài khoản của nhà đầu tư mở tại các công ty chứng khoán đạt 1.287.576 tài khoản, với 1.271.858 tài khoản của nhà đầu tư trong nước và 15.718 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài.

Thời gian qua, trên thị trường có sự phân hóa trong các công ty chứng khoán. Theo đó, những công ty chứng khoán tốt thì kết quả kinh doanh ngày càng tốt. Kết quả kinh doanh trong năm 2013 cho thấy, có trên 30% công ty chứng khoán có lãi lũy kế. Tuy nhiên, ở một thái cực ngược lại, những công ty chứng khoán trước đây bị lỗ lũy kế, thì hiện vẫn chưa khắc phục được.

Nhằm tạo một sân chơi chung lành mạnh và ổn định nhất, cơ quan quản lý nhà nước và các công ty chứng khoán đã có nhiều cuộc trao đổi, bàn thảo. Trong một cuộc họp cách đây ít lâu giữa Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán, ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, quan điểm của các bộ, ngành đã khá nhất quán trong thu hút kênh đầu tư, nên các công ty chứng khoán cần có những đề xuất mạnh mẽ.

Theo ông Long, việc sáp nhập các công ty chứng khoán quy mô trung bình và nhỏ, nhằm gia tăng sức mạnh của các bên sẽ không chỉ dừng lại ở các cặp MBS và VIT, cũng như VIS và OSC, mà sẽ tiếp tục được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hậu thuẫn trên cơ sở sự tự nguyện của các công ty chứng khoán.

Về phía các công ty chứng khoán, nhiều công ty cũng tích cực tiếp nhận chủ trương trên. Tại Đại hội đồng cổ đông Công ty cổ phần Chứng khoán APEC, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Chủ tịch HĐQT Công ty tiết lộ, trong năm 2014, APEC sẽ tích cực tìm kiếm một công ty chứng khoán để nhận sáp nhập vào APEC.

Trước những động thái hiện nay, một số nhà quan sát cho rằng, với quyết tâm tái cơ cấu của cơ quan quản lý, thời gian tới, việc bắt tay giữa các công ty chứng khoán sẽ được đẩy nhanh. Hơn nữa, trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt, các công ty chứng khoán nhỏ cũng sẽ phải chủ động tìm những đối tác lớn hơn, nếu không muốn bị đào thải khỏi cuộc chơi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư