Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Công ty chứng khoán chớp cơ hội tăng vốn
Thanh Thủy - 12/03/2021 15:38
 
Hai ông lớn ngành chứng khoán là HSC và VnDirect đang chuẩn bị phương án huy động thêm vốn từ cổ đông.
Cả HSC và VnDirect đều là những ông lớn trong ngành và hiện nằm trong nhóm 5 công ty chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam về giá trị tài sản.

Khởi động cuộc đua tăng vốn

Những ngày đầu tháng 3/2021, Công ty Chứng khoán HSC đang khẩn trương lấy ý kiến cổ đông về phương án tăng vốn điều lệ lên 4.583 tỷ đồng, tăng gấp rưỡi hiện nay, thông qua hình thức chào bán cổ phần cho cổ đông hiện hữu. Nếu được thông qua, công ty chứng khoán này sẽ phát hành mới 152,5 triệu cổ phiếu với giá 14.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn 40% so với mệnh giá cổ phiếu và bằng giá chào bán trong đợt chào bán gần nhất (tháng 2/2019).

Không chờ đến cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên dự kiến tổ chức vào ngày 22/4, thời gian phát hành được HSC cho biết là trong năm 2021, sau khi có sự chấp thuận của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

HSC không phải là trường hợp duy nhất tính đến việc tăng vốn thông qua huy động tiền từ các nhà đầu tư trong năm nay. VnDirect cũng đang chuẩn bị trình phương án chào bán cổ phiếu ra công chúng tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 18/3. Thông tin chi tiết về đợt tăng vốn vẫn chưa được công bố.

Cả HSC và VnDirect đều là những ông lớn trong ngành và hiện nằm trong nhóm 5 công ty chứng khoán lớn nhất tại Việt Nam về giá trị tài sản. Việc mở rộng nhanh quy mô tài sản đã khiến hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu tăng nhanh, từ mức 0,74 lần lên 1,81 lần tại HSC và từ 2,56 lần lên 2,8 lần tại VnDirect. Con số này dù vẫn còn khoảng cách khá lớn với mức tối đa cho phép (vừa tăng từ 3 lên 5 lần) theo quy định tại Thông từ 121/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hoạt động của công ty chứng khoán, nhưng cũng cho thấy sự phụ thuộc nhiều hơn của các công ty này vào nguồn vốn đi vay.

Theo thống kê tại gần 80 công ty chứng khoán đang hoạt động, trong một năm đầy sôi động của thị trường chứng khoán vừa qua, hệ số trên đã tăng từ 0,9 lần lên 1,23 lần. Để gia tăng nguồn vốn tài trợ, chỉ có 7 công ty chứng khoán lựa chọn huy động nguồn vốn mới của cổ đông. Ba công ty chứng khoán huy động được vốn mới nhiều nhất là Chứng khoán KIS Việt Nam (Hàn Quốc), Chứng khoán Tiên Phong và Chứng khoán JB (Nhật Bản). KIS Việt Nam sau đợt tăng vốn đã vượt qua VnDirect, vào nhóm 5 công ty chứng khoán có vốn điều lệ lớn nhất.

Không chỉ là câu chuyện thứ hạng, nguồn lực tài chính dồi dào thực tế đang dần sắp xếp lại miếng bánh thị trường trong lĩnh vực chứng khoán. Riêng ở mảng môi giới, trong quý IV/2020, HSC đã đánh mất vị trí thứ hai trong top 10 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HoSE và vị trí này đã về tay Chứng khoán VPS. VPS đã tăng vốn rất nhanh từ các năm trước, trong khi vốn điều lệ của HSC mới tăng cách đây 2 năm, sau thời gian dài duy trì ở mức gần 1.300 tỷ đồng.

Chớp cơ hội

Khi dòng tiền đang dồi dào trên thị trường chứng khoán, thời điểm hiện tại vẫn có nhiều thuận lợi cho các tổ chức huy động vốn. Hơn nữa, nhìn vào thanh khoản của thị trường hay chính kết quả kinh doanh của các công ty chứng khoán, đợt phát hành sẽ dễ dàng hơn để thuyết phục các nhà đầu tư quyết định rót thêm vốn, thậm chí với giá chào bán cao hơn mệnh giá.

Về phía công ty chứng khoán, việc không có nguồn để kinh doanh đồng nghĩa với việc mất đi cơ hội sinh lời và quan trọng hơn là đánh mất khách hàng, thị phần môi giới. Quy định hiện hành yêu cầu tỷ lệ tổng dư nợ margin trên quy mô vốn chủ sở hữu không được vượt quá 2 lần. Số liệu cuối năm 2020 cho thấy, một số công ty chứng khoán đã đẩy tỷ lệ này lên trên 1,8 lần.

Ngoài mảng môi giới, với nhiều công ty chứng khoán có thế mạnh trong mảng ngân hàng đầu tư, quy định tổng giá trị đầu tư vào các trái phiếu doanh nghiệp không được vượt quá 70% vốn chủ sở hữu cũng giới hạn hoạt động này. Hoạt động tư vấn phát hành trái phiếu thời gian qua ghi nhận sự chững lại do những thay đổi về quy định pháp lý, nhưng vẫn là một mảnh đất màu mỡ trong bối cảnh thị trường vốn vẫn được khuyến khích phát triển thay thế một phần kênh tín dụng ngân hàng đang chiếm tỷ trọng áp đảo.

Dưới góc độ khác, hạn chế về năng lực tài chính của các công ty chứng khoán cũng là yếu tố đang kìm chân sự tăng trưởng của thị trường. Thời điểm trung tuần tháng 2/2021, khi chỉ số VN-Index quanh mốc 1.180 điểm, thông tin về việc một công ty chứng khoán top đầu đang trong tình trạng căng thẳng về margin cũng ảnh hưởng đến tâm lý chung của giới đầu tư trong những ngày cuối tuần chờ thị trường mở cửa trở lại. Nỗi lo căng margin thường trực góp một phần khiến VN-Index đến nay vẫn không bứt phá qua được vùng giá mới.

Ông Đỗ Hùng Việt, Chủ tịch HĐQT Chứng khoán HSC cho biết, ưu tiên lớn nhất trong việc phân bổ số tiền huy động là hoạt động cho vay ký quỹ với tổng số tiền sử dụng dự kiến là 1.495 tỷ đồng. Khoảng 30% còn lại dùng cho hoạt động bảo lãnh phát hành chứng khoán (427 tỷ đồng) và hoạt động tự doanh (213 tỷ đồng).

Chỉ riêng giá trị các khoản vay ngắn hạn tại HSC đến cuối năm 2020 đã tăng thêm tới hơn 4.300 tỷ đồng, tương đương mức tăng trưởng 180%. HSC cùng nhiều công ty chứng khoán khác đã đẩy mạnh kênh tín dụng ngân hàng trong năm qua. Tuy vậy, chính sách mang tính mệnh lệnh có thể đảo ngược dòng vốn tín dụng này như đã từng xảy ra các năm trước đây.

Do vậy, giải pháp bền vững vẫn là tăng cường vốn tự có của chính công ty chứng khoán. Sự chậm trễ phát triển hệ thống giao dịch của sàn chứng khoán TP.HCM khiến tình trạng lệnh đặt không vào được hệ thống, phản ánh sự méo mó cung - cầu cổ phiếu trên thị trường cũng là bài học nhãn tiền về sự cần thiết phải sớm nới rộng chiếc áo cũ đã chật để chớp cơ hội thích ứng với bối cảnh mới.

Trong cuộc đua tăng vốn của các công ty chứng khoán, ngoài sự xuất hiện của các ông lớn, còn có cả các tân binh.

Pinetree, công ty chứng khoán vừa được Hanwha Investment & Securities Co., Ltd (Hàn Quốc) mua lại một năm trước, đã hoàn tất đợt chào bán 20 triệu cổ phiếu với giá 20.000 đồng/cổ phiếu ngay trong tháng đầu tiên năm nay. KS Securities cũng là một công ty vừa có sự thay đổi lớn trong cơ cấu cổ đông đang chuẩn bị cho kế hoạch tăng vốn gấp 3 lần.

Công ty chứng khoán Hàn Quốc ồ ạt vào Việt Nam: “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”
Các công ty chứng khoán có vốn Hàn Quốc tỏ rõ tham vọng tạo lập cuộc chơi mới và dẫn dắt thị trường, gia tăng sức ép lên các công ty chứng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư