Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 02 tháng 05 năm 2024,
Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn: Chặng đường nhọc nhằn trước thềm niêm yết
Thanh Thủy - 09/01/2024 10:56
 
Quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và đưa cổ phiếu lên sàn của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn trải qua một thập kỷ không dễ dàng.

Không dễ hoàn thành mục tiêu năm 2023

Năm 2023, kết quả kinh doanh của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn có sự hồi phục đáng kể từ mức nền thấp năm 2022. Theo đó, trong 9 tháng đầu năm, doanh thu từ hoạt động kinh doanh xấp xỉ 697 tỷ đồng, giảm 18,48% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu thu hẹp ở cả hai mảng kinh doanh chính gồm khai thác cảng (tỷ trọng 54,67%) và hoạt động dịch vụ cảng (tỷ trọng 45,33%).

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế tăng trưởng 18,6%, lên 89,2 tỷ đồng chủ yếu nhờ sự cải thiện của biên lợi nhuận gộp. Nhiệm vụ còn khá nặng nề để doanh nghiệp cảng biển này có thể hoàn thành mục tiêu đề ra. So với kế hoạch 1.090 tỷ đồng doanh thu và 168 tỷ đồng lợi nhuận, Công ty mới hoàn thành lần lượt 64% và 53%.

Theo ông Lê Hồng Quân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn, Công ty đã tiết giảm chi phí thuê ngoài, nhờ đó hạ được đáng kể tỷ trọng giá vốn/doanh thu thuần so với cùng kỳ. Dù vậy, tỷ suất lợi nhuận gộp vẫn chưa hồi phục về mức các năm trước.

Năm 2022, lợi nhuận của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn rơi xuống thấp nhất kể từ năm 2015, chỉ đạt hơn 44 tỷ đồng lãi ròng. Tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu chỉ vỏn vẹn 4,13%, tương ứng mỗi 100 đồng doanh thu chỉ tạo ra 4,13 đồng lợi nhuận sau thuế. 

Có hai nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm lợi nhuận năm 2022. Theo đó, việc khởi công Dự án nâng cấp bến số 1 khiến việc khai thác cầu càng phải tạm dừng một số thời điểm. Cùng với đó, sản lượng hàng siêu trường, siêu trọng vốn tăng vọt trong vài năm trước nhờ nhu cầu bốc xếp, lưu kho thiết bị dự án điện gió tăng, không còn cao đột biến.

Lận đận đường niêm yết sau thập kỷ cổ phần hóa

Bên cạnh việc thiếu hụt sản lượng, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn còn phải trích lập dự phòng phải trả nghĩa vụ pháp lý 53,67 tỷ đồng liên quan đến vụ án tranh chấp hợp đồng cung ứng dịch vụ với Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long.

Tháng 4/2023, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Bình Định cưỡng chế khấu trừ trong tài khoản của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn số tiền 53,48 tỷ đồng để thi hành án. Tuy nhiên, tháng 6/2023, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy Bản án của Tòa án Nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng và giao hồ sơ về Tòa án Nhân dân tỉnh Bình Định giải quyết lại.

Tiền thân là doanh nghiệp nhà nước, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn bắt đầu quá trình cổ phần hóa theo đề án đã được duyệt từ tháng 11/2013 với một chặng đường “không giống ai” do “đi lệch” Đề án tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam giai đoạn 2012-2015.  

Sau khi Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn cổ phần hóa, Công ty mẹ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines, nay là VIMC) đã chuyển nhượng 26,01% cổ phần và bán nốt toàn bộ phần cổ phần còn lại (49%), trong khi đề án phê duyệt tỷ lệ sở hữu nhà nước nắm giữ là 75%. Kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra sai phạm trong quá trình cổ phần hóa Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn và yêu cầu 75,01% cổ phần VIMC đã chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Đầu tư khoáng sản Hợp Thành phải được xử lý thu hồi về sở hữu nhà nước.

Đến tháng 5/2019, quá trình thu hồi lại đã hoàn tất. VIMC trở lại là công ty mẹ của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, Hợp Thành vẫn chưa đề xuất giá trị lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư theo hợp đồng chuyển giao, dù VIMC đã có hơn chục văn bản đôn đốc.

Đây là một trong các nguyên nhân khiến quá trình chấp thuận niêm yết của doanh nghiệp cảng biển này “năm lần bảy lượt” chưa hoàn thành. Công ty đã nộp hồ sơ niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM từ tháng 12/2016, sau đó nộp thêm vào giữa năm 2018, năm 2020 và gần nhất vào tháng 4/2022. Các lần dừng xem xét hồ sơ đều do không bổ sung hồ sơ theo yêu cầu.

Giải trình từ phía VIMC nhấn mạnh, việc xác định lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và thực hiện các nghĩa vụ liên quan là vấn đề giữa hai nhà đầu tư là VIMC và Hợp Thành, không thuộc nghĩa vụ và trách nhiệm của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn.

Đến cuối quý III/2023, tổng tài sản của Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn xấp xỉ 1.324 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này tăng lên hơn 471 tỷ đồng, chủ yếu do tăng vay nợ thuê tài chính, nhưng tỷ lệ nợ mới xấp xỉ 35,6%.

Theo kế hoạch đầu tư đã được cổ đông thông qua, Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn đang thực hiện các dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, trong đó giải ngân kế hoạch riêng năm 2023 hơn 400 tỷ đồng. Nâng cấp bến số 1 là dự án đầu tư xây dựng lớn nhất với giá trị 546 tỷ đồng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư