Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Công ty gia đình rắc rối chuyện “của chung, của riêng”
Nhã Nam - 19/08/2017 07:01
 
Trong một công ty gia đình, sự thiếu minh bạch về tài sản và quyền sở hữu đôi khi “làm khó” cho sự phát triển của công ty. Nhưng không phải lúc nào chuyện này cũng được giải quyết thấu đáo.
TIN LIÊN QUAN

Đúng là không dễ để giải quyết thấu đáo chuyện “của chung, của riêng” trong một công ty gia đình. Vì thế mới có chuyện, sau khi phần 1 của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công, với chủ đề “Doanh nghiệp gia đình - Quan hệ và tài sản chung” được phát sóng, đã có rất nhiều quan điểm trái chiều, người ủng hộ, kẻ phản bác CEO.

Chuyện là, trong quá trình chuyển đổi và tiến hành chuyên nghiệp hóa doanh nghiệp gia đình nhằm mở rộng quy mô và phát triển hoạt động kinh doanh, CEO đã phát hiện thấy hiện tượng thiếu rạch ròi giữa việc sở hữu tài sản và sử dụng tài sản trong công ty. Chẳng hạn, tòa nhà đang làm trụ sở công ty thuộc sở hữu của công ty, nhưng gia đình cũng đang sử dụng 2 tầng lầu trên cùng để ở với thang máy riêng. Một số xe sang đứng tên công ty, nhưng lại được sử dụng nhiều cho mục đích cá nhân. Một số mảnh đất của anh chị em trong nhà đang được mượn để làm nhà kho trung chuyển...

CEO của chương trình kỳ này - ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VietSense
CEO của chương trình kỳ này - ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VietSense

Thậm chí, các mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình cũng ngày càng chi phối mối quan hệ trong công việc dẫn đến những quyết định cảm tính, thiếu chuyên nghiệp, gây cản trở hoạt động công ty.

Trước tình trạng này, CEO muốn tách bạch và làm rõ các loại tài sản chung - riêng trong công ty, đồng thời quy định nguyên tắc, quy định chung khi sử dụng tài sản trong quá trình tham gia điều hành doanh nghiệp. Nhưng các thành viên trong hội đồng quản trị cho rằng, chuyện sử dụng tài sản công ty đối với các thành viên trong gia đình không phải là vấn đề. Bởi điều này giúp các thành viên trong gia đình thuận lợi hơn trong công việc, tạo ra thêm nhiều giá trị, lợi ích cho công ty.

Kỳ lạ ở chỗ, không chỉ CEO và các thành viên hội đồng quản trị có quan điểm mâu thuẫn nhau, mà các khán giả truyền hình khi xem chương trình cũng có người theo “phe” tách bạch riêng - chung, người lại cho rằng chung cũng chẳng “chết” ai.

“Tôi đồng ý với ý kiến của hội đồng quản trị. Công sức của doanh nghiệp từ những ngày bắt đầu đều có sự góp sức của các thành viên trong gia đình, nên việc ưu tiên cho họ sử dụng và sở hữu tài sản chung của công ty là hợp lý”, một khán giả bày tỏ quan điểm như vậy trên trang fanpage của chương trình.

Bạn Đường Di nói: “Nếu tài sản chung là đất đai và hiện vật chưa cần sử dụng đến, các thành viên trong gia đình hoàn toàn có quyền được ưu tiên sử dụng”.

Khác với nhiều chủ đề khác, hai phe thường “bất phân thắng bại”, thì ở chuyện tách bạch “của chung, của riêng” lần này, xem ra phần đông khán giả lại ủng hộ CEO. “Tôi đồng ý với ý kiến của CEO. Vì nếu quy định rõ ràng và tách bạch về tài sản thì mối quan hệ giữa mọi người trong công ty sẽ tốt đẹp hơn, tránh được sự đố kỵ”, bạn Miên Khương thẳng thắn.

Trong khi đó, bạn Ngọc Diệp cho rằng, muốn phát triển lâu dài và thu hút người tài, cần xây dựng được một môi trường minh bạch, kể cả quyền sở hữu và sử dụng tài sản chung của công ty. “Công ty không có sự minh bạch về tài sản và quyền sở hữu đồng nghĩa với việc bộ máy công ty sẽ hoạt động không theo một quy tắc nào cả”, bạn Lô Hiền bình luận.

Bạn Tống Dương thì băn khoăn: “Một doanh nghiệp ngay từ những quy định về công - tư đã không rõ ràng thì sao có thể phát triển?”.

Thực tế, đây cũng là câu hỏi cần đặt ra cho những công ty gia đình trong bước đường tiến đến kinh doanh chuyên nghiệp. Nó là vấn đề của không chỉ doanh nghiệp gia đình trong tình huống nói trên, mà còn là của nhiều doanh nghiệp gia đình khác ở Việt Nam, đặc biệt là những doanh nghiệp vẫn còn ở quy mô nhỏ và vừa.

Giải quyết bài toán của chung, của riêng là không đơn giản. Nhưng nếu có thêm sự hỗ trợ của các chuyên gia tư vấn, là ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất hàng tiêu dùng Bình Tân (Bita’s), cũng là một công ty gia đình ở Việt Nam và ông Quách Thành Châu, Phó tổng giám đốc Công ty PwC, một trong 4 công ty kiểm toán hàng đầu hiện nay, CEO của chương trình là ông Nguyễn Văn Tài, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch VietSense chắc chắn sẽ có thêm những tư vấn hữu ích. Tất nhiên, những tư vấn này cũng sẽ hữu ích với phần đông các công ty gia đình Việt Nam khác..

Chuyên mục được thực hiện với sự hợp tác của Chương trình CEO - Chìa khóa thành công do Đài Truyền hình Việt Nam và Tổ hợp Truyền thông Hoàng Gia phối hợp sản xuất với sự đồng hành của Tập đoàn bất động sản Novaland.

Chương trình được phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam vào 10h sáng Chủ nhật 20/8 và phát lại vào 8h sáng thứ Hai, 21/8.

Quý doanh nghiệp, doanh nhân có thể xem thông tin chi tiết về chương trình tại fanpage facebook: www.facebook.com/ceochiakhoathanhcongsme. Các chương trình lên sóng đều được phát online trên kênh CEOTVNEXT của Youtube.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư