Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 15 tháng 09 năm 2024,
Covid-19 sang giai đoạn mới, đẩy giá dầu và chứng khoán châu Á lao dốc
Lê Quân - 29/06/2020 09:51
 
Các chỉ số chứng khoán của châu Á đều “đỏ lửa” ngay phiên giao dịch đầu tuần 29/6 khi số ca mắc Covid-19 trên thế giới cuối tuần qua cán mốc mới.
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt dốc 1,65% trong phiên giao dịch sáng nay 29/6. Ảnh: AFP
Chỉ số S&P/ASX 200 của Australia trượt dốc 1,65% trong phiên giao dịch sáng nay 29/6. Ảnh: AFP

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm sâu 1,5% còn chỉ số Topix mất 1,38% sau thông tin bất lợi về ngành bán lẻ. Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, doanh số bán lẻ tháng 5 của nước này lao dốc 12,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức giảm trung bình 11,6% được dự báo trước đó.

Chứng khoán Hàn Quốc sáng nay cũng nhuốm đỏ với chỉ số Kospi trượt gần 1%. Trên thị trường Australia, chỉ số S&P/ASX 200 trượt sâu hơn 1,65%. Tính chung lại, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,31%.

Giới đầu tư tiếp tục theo sát diễn biến đại dịch Covid-19 trên toàn cầu do lo ngại số ca nhiễm gia tăng có thể hãm đà mở cửa trở lại của các nền kinh tế. Thế giới đến nay ghi nhận hơn 500.000 người tử vong vì Covid-19 còn tổng số ca nhiễm đã vượt quá 10 triệu người, theo số liệu tổng hợp của Đại học Johns Hopkins.

Kể từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận tại Vũ Hán (Trung Quốc) vào ngày 10/1, đại dịch sau đó lan rộng sang châu Âu, Mỹ, Nga và đến nay bước vào giai đoạn mới khi Ấn Độ và Brazil đang vật lộn đối phó hơn 10.000 ca nhiễm mỗi ngày.

Tính riêng tuần qua, 2 quốc gia này có số ca nhiễm Covid-19 bằng 1/3 tổng số ca mắc trên toàn cầu. Đặc biệt, Brazil xác nhận kỷ lục 54.700 người mắc Covid-19 trong ngày 19/6. Một số nhà nghiên cứu dự báo số người tử vong vì Covid-19 ở Mỹ Latinh có thể tăng vọt từ mức 100.000 trong tuần này lên 380.000 người vào tháng 10 tới.

Tại Mỹ, số ca nhiễm Covid-19 gần đây tăng vọt hơn 45.000 ca/ngày. Dịch bệnh tiếp tục lan rộng khiến một số bang như Texas và Florida lại phải đóng cửa một số hoạt động kinh doanh.

“Các bang (Mỹ) bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 đã trì hoãn mở cửa trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh. Một số thành phố hoặc bang có thể sẽ tái áp dụng phong tỏa hoặc các biện pháp hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, đồng thời giảm áp lực lên hệ thống y tế. Tuy nhiên, các biện pháp hạn chế chống dịch nghiêm ngặt và trên diện rộng sẽ ngáng chân đà phục hồi kinh tế của Mỹ”, các chuyên gia của Ngân hàng Commonwealth (Australia) bình luận.

Các chuyên gia này cho rằng, Mỹ có thể đối mặt với suy thoái kép nếu các biện pháp chống dịch Covid-19 được tái áp dụng rộng rãi, điều này có thể khiến tăng cung đô la Mỹ. Các chuyên gia Ngân hàng Commonwealth cũng dự báo chi tiêu tiêu dùng hàng này tại các bang bị dịch Covid-19 tấn công sẽ vẫn phục hồi dù số ca nhiễm tăng cao.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác tăng từ mốc 97 thiết lập tuần trước lên 97,434. Đồng yên Nhật Bản trượt giá nhẹ và quy đổi 107,28 JPY/USD so với mức 106,8 JPY/USD thiết lập tuần trước, còn đô la Australia trượt giá và quy đổi 1 AUD/0,6872 USD so với mức 1 AUD/0,695 USD trong tuần trước.

Giá dầu trên thị trường châu Á sáng nay trượt sâu, với dầu thô Brent giao kỳ hạn mất giá 1,58% còn 40,37 USD/thùng trong khi giá dầu thô giao kỳ hạn của Mỹ lao dốc 1,61% về 37,87 USD/thùng.

Thị trường chứng khoán: Chờ chốt NAV
Nhà đầu tư suy luận, các quỹ sẽ mua vào, kéo giá các cổ phiếu có trong danh mục đầu tư, hoặc mua vào các cổ phiếu trụ để giữ nhịp thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư