Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
Cú đột phá từ chiến lược “bản đồ thiếu sữa” ở Nga
Nguyên Đức - 17/12/2019 20:36
 
Chiến lược đi theo bản đồ thiếu sữa của Liên bang Nga đang từng bước giúp Tập đoàn TH gieo hạt và gặt trái ngọt ở xứ sở Bạch dương.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới thăm trang trại của TH ở Volokolamsk (Liên bang Nga).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới thăm trang trại của TH ở Volokolamsk (Liên bang Nga).

Gieo sự sống trên từng đất khô*

Năm 2020 có thể là một mốc quan trọng của Tập đoàn TH trong bước đường đầu tư, kinh doanh tại Nga. Bởi như thông tin vừa được bà Thái Hương, Tổng giám đốc BAC A BANK, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH chia sẻ, thì cụm trang trại thứ nhất của Tập đoàn TH tại huyện Volokolamsk (tỉnh Moscow, Liên bang Nga), được khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 1/2018, sẽ tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ, để đến cuối năm, sẽ hoàn thiện toàn cụm.

Cùng với đó, cụm trang trại thứ hai trong tổng số 3 cụm trang trại mà TH dự kiến xây dựng tại tỉnh Moscow, với quy mô vùng nguyên liệu lên tới 30.000 ha, cũng sẽ bắt đầu được xây dựng tại huyện Shatura vào năm 2020.

Chưa kể, nhiều khả năng, Nhà máy Chế biến sữa công suất 1.500 tấn/năm mà TH khởi công xây dựng vào tháng 9/2018 tại Kaluga cũng sẽ chính thức đi vào hoạt động.

“Hiện trang trại này đã có hơn 2.000 con bò sữa cao sản đang cho sữa, dòng sữa chất lượng cao, sản lượng cao nhất nước Nga. Chúng tôi đang cố gắng để đến tháng 8/2020, sẽ hoàn thành giai đoạn I tại Moscow. Lúc ấy, sẽ có hàng chục ngàn con bò sữa tại đây”, bà Thái Hương hồ hởi nói.

Quả là một sự phát triển thần tốc, nếu như nhìn từ thời điểm năm 2015, khi TH bắt đầu ký các thỏa thuận đầu tư 2,7 tỷ USD sang Nga, cũng như nhìn từ thời điểm tháng 1/2018, khi Trang trại TH ở Volokolamsk chính thức khánh thành.

Có cơ hội tận mắt chứng kiến dự án của TH ở Nga mới càng thấy rõ điều này. Chính Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong hành trình từ Thủ đô Moscow tới thăm trang trại của TH ở Volokolamsk vào giữa tuần trước cũng đã rất ngỡ ngàng khi nhìn thấy đất đai mênh mông của nước Nga trở thành những nông trường, nông trại nuôi bò sữa ứng dụng công nghệ cao, năng suất sữa của mỗi con bò lên tới 37 - 40 lít/ngày, trong khi năng suất sữa trung bình tại các trang trại của Nga chỉ là 17 lít/ngày.

“Tôi đánh giá rất cao những nỗ lực của TH, đặc biệt của bà Thái Hương, một người phụ nữ Việt Nam rất nhỏ bé, nhưng có sự nỗ lực rất to lớn mà chúng ta không thể tưởng tượng được”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã nói như vậy.

Quả là một sự nỗ lực “không thể tưởng tượng được”, bởi những cánh đồng nước Nga dù thẳng cánh cò bay, nhưng đã bỏ hoang mấy chục năm, không dễ khai phá.

Năm ngoái, trong chuyến công tác tại Nga để tham dự Lễ khởi công Nhà máy Chế biến sữa TH ở Kaluga, chúng tôi đã may mắn gặp được ông Aliev Rasul, Giám đốc Trang trại TH tại Moscow, người đã có 20 năm kinh nghiệm chăm nuôi bò và chế biến sữa tại Nga.

Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng nước Nga, một bên là bạt ngàn cánh đồng ngô đang thì ra bắp, mơn mởn xanh của TH, một bên là bạt ngàn cỏ dại, vàng úa vẫn đang bị bỏ hoang, ông Rasul kể rằng, cần mẫn từng ngày, máy móc đi trước, người đi sau, dọn dẹp bằng tay, trong vòng gần 1 năm, thì gần 5.000 ha đất đã được dọn sạch để TH có được đồng cỏ mướt xanh đầu tiên.

“Đất đai nước Nga mấy chục năm ngủ quên đã được Tập đoàn TH và bà Thái Hương hồi sinh. Thật sự là thần kỳ, nhất là khi những con bò sữa trong trang trại TH có thể cho tới 35 - 37 lít sữa một ngày”, ông Rasul hào hứng nói.

.
.

Đột phá bằng chiến lược “bản đồ thiếu sữa”

Còn nhớ, khi TH bắt đầu đại kế hoạch đầu tư tại Nga, “người đàn bà sữa” Thái Hương đã chia sẻ rằng, bà không ngần ngại một bước xa xôi ngàn dặm tới đây là vì tình yêu với nước Nga, muốn tri ân đất nước đã hỗ trợ Việt Nam trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất.

Nhưng kinh doanh không hẳn là câu chuyện của cảm xúc. Chính bà Thái Hương nhiều lần nói rằng, bà sang Nga vì “nhìn thấy những cơ hội to lớn”.

Ngay cả Tổng thống Nga V. Putin cũng đã khẳng định: “Bà là một doanh nhân tài ba. Bà đã đưa ra một bản kế hoạch để hành động hết sức hoàn hảo, mang tầm cỡ của một doanh nhân quốc tế”.

Kế hoạch hoàn hảo đó, có lẽ bắt đầu bằng “bản đồ thiếu sữa” ở Nga. Mà không, trước tiên phải từ tầm nhìn chiến lược của bà Thái Hương, khi đã nhận ra cả một thị trường Nga rộng lớn, nhu cầu sữa và các sản phẩm từ sữa rất lớn, trong khi nguồn cung tại chỗ hạn chế, mà nước Nga lúc ấy lại còn bị cấm vận.

Số liệu thống kê từ năm 2013 đến năm 2017 cho thấy, lượng sữa nguyên liệu tại Nga tự sản xuất được khoảng 20 triệu tấn, chiếm 76% lượng sữa nguyên liệu sản xuất. Lượng sữa thiếu nhập khẩu từ nước ngoài khoảng 7 triệu tấn/năm, chiếm 24%. Và đó chính là cơ hội thị trường to lớn mà bà Thái Hương đã tinh tường nhìn ra.

Không chỉ là cơ hội thị trường, nước Nga còn có đất đai vô cùng rộng lớn. Chưa kể, còn rất nhiều chính sách ưu đãi mà người Nga sẵn sàng dành cho nữ doanh nhân tài ba Thái Hương. Đó là chính sách bồi hoàn đến 30% chi phí xây dựng trang trại bò sữa, ưu đãi 3/4 lãi suất, hỗ trợ về tài chính cho từng con bò thuần chủng, từng tấc đất được khai hoang, từng lít sữa được sản xuất...

Cơ hội kinh doanh “vàng” ở đây chứ ở đâu. Và thế là, quyết định đã được đưa ra. Một dự án lên tới 2,7 tỷ USD. Chiến lược là sẽ đầu tư các dự án chăn nuôi bò và chế biến sữa ở các địa phương đang thiếu hụt sữa ở Nga. Trước tiên là tỉnh Moscow, sau đó là Kaluga, rồi Cộng hòa Bashkortostan, tỉnh Primorye (vùng Viễn Đông). Tổ hợp dự án tại tỉnh Moscow và Kaluga chỉ là giai đoạn I trong chiến lược đầu tư vào Liên bang Nga của TH.

Với hình thức đầu tư sản xuất theo chuỗi khép kín từ trồng cỏ, chăn nuôi bò sữa, chế biến sữa và phân phối, Dự án ở khu vực này sẽ đưa các sản phẩm thương hiệu TH true MILK tới thị trường trung tâm của Liên bang Nga - Thủ đô Moscow, tỉnh Moscow và các tỉnh lân cận. Sau đó, là đầu tư các địa phương khác, dựa trên “bản đồ thiếu sữa” của Nga.

“Chiến lược đi theo bản đồ thiếu sữa của Liên bang Nga không chỉ đảm bảo tính khả thi của Dự án, giảm thiểu chi phí, thời gian vận chuyển và công tác phân phối sản phẩm, mà còn góp phần cùng Nhà nước và nhân dân Nga tăng tự chủ về sữa và các sản phẩm sữa, đồng thời hướng tới xuất khẩu đến các thị trường quốc tế, đặc biệt là thị trường Trung Quốc và châu Á - Thái Bình Dương”, bà Thái Hương chia sẻ.

Không chỉ là chăn nuôi bò và chế biến sữa, TH cũng đã lên kế hoạch đầu tư sản xuất các loại thực phẩm organic khác như cỏ, thức ăn cho gia súc, các loại ngũ cốc, rau quả, dược liệu để cung cấp cho thị trường Nga và các thị trường lân cận.

Khi tất cả các kế hoạch này trở thành hiện thực, TH sẽ tạo được những cú đột phá tuyệt vời ở thị trường Nga rộng lớn.

Và hành trình đưa thương hiệu Việt ra thế giới

Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài. Trong 11 tháng năm 2019, theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp Việt Nam đã đăng ký đầu tư ra nước ngoài gần 459 triệu USD. Đáng chú ý, trong số này, có khoản vốn đăng ký đầu tư hơn 130 triệu USD của TH sang Australia.

Ở Australia, bà Thái Hương cho biết, mọi thứ còn đang bắt đầu, nhưng khác với ở Nga, bà sẽ chọn tập trung trồng bông và hạnh nhân.

Song, kể cả chưa nói đến hành trình chuẩn bị sang Australia, thì chỉ riêng việc TH đầu tư thành công ở Nga đã là một câu chuyện kỳ diệu.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi tới thăm Trang trại TH ở Nga cũng hết lời ngợi khen: “Dự án này đã thể hiện ý chí của doanh nhân Việt Nam, mà đặc biệt là một doanh nhân nữ với quyết tâm chủ động hội nhập, vươn ra biển lớn, thể hiện Việt Nam không chỉ phát huy nội lực trải thảm mời gọi đầu tư nước ngoài, mà doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể đầu tư ra nước ngoài để thể hiện năng lực, ý chí của doanh nhân Việt Nam”.

TH đang lớn mạnh từng ngày. Khi dự án ở Nga hoàn thành, tổng đàn bò dự kiến của TH là 350.000 con, tổng công suất chế biến sữa 1,8 triệu tấn/năm. Khi ấy, TH sẽ có vùng nguyên liệu rộng 140.000 ha và  khoảng 300 cửa hàng TH true Mart. Một đại kế hoạch đầu tư mà cho đến nay, chưa có doanh nghiệp tư nhân Việt Nam nào dám làm. Nếu thành công, TH sẽ thực sự trở thành “người khổng lồ” ở nước Nga và có được những bước đi ngoạn mục trong hành trình đưa thương hiệu Việt ra thế giới.

* Ý thơ của nhà thơ Hoàng Trung Thông

Tập đoàn TH đầu tư hơn 88 triệu USD sang Australia
Hai dự án của Tập đoàn TH có tổng vốn đầu tư đăng ký 88,5 triệu USD, góp phần quan trọng đưa Australia trở thành thị trường đầu tư ra nước...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư