Thứ Bảy, Ngày 19 tháng 07 năm 2025,
Cú lao dốc đầu tháng 4 của VN-Index kéo lùi lợi nhuận Chứng khoán Vietcap
Thanh Thuỷ - 19/07/2025 08:35
 
Chứng khoán Vietcap (VCI) lỗ ròng 65 tỷ đồng do bán tài sản tài chính FVTPL trong quý II/2025. Doanh thu quý tăng mạnh nhưng áp lực từ nhịp lao dốc của VN-Index trong tháng 4 đã tác động mạnh đến lợi nhuận quý vừa qua.

Hoạt động tự doanh gặp khó khi VN-Index lao dốc

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (VCI) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II/2025 với lợi nhuận trước thuế giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, doanh thu hoạt động quý II/2025 đạt hơn 1.163 tỷ đồng, tăng 25% so với quý II/2024. Mức tăng trưởng này chủ yếu đến từ các hoạt động môi giới, cho vay và đầu tư. Tuy nhiên, giải trình về mức giảm của lợi nhuận quý vừa qua, ông Đoàn Minh Thiện, Phó tổng giám đốc VCI cho biết chi phí hoạt động kinh doanh cũng đã tăng 61%.

"Mặc dù ghi nhận tăng trưởng doanh thu, diễn biến bất lợi của thị trường đã ảnh hưởng đáng kể đến kết quả kinh doanh. Cụ thể, trong quý II/2025, chỉ số VN-Index có thời điểm sụt giảm liên tục trong tháng 4/2025, từ mốc 1.313 điểm về 1.073 điểm. Điều này đã tác động làm cho chi phí quý II tăng 61%", lãnh đạo VCI cho hay. 

Cú rơi đầu tháng 4 đã gây áp lực lớn đến tâm lý thị trường, ảnh hưởng đến thanh khoản và hoạt động đầu tư. Các khoản lỗ do bán tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) lên tới 645 tỷ đồng, gấp 3,4 lần cùng kỳ năm trước. Tính cả các khoản lãi thu được từ hoạt động này, Chứng khoán Vietcap (VCI) vẫn lỗ ròng 65 tỷ đồng từ tài sản tài chính FVTPL, trong khi cùng kỳ lãi gần 261 tỷ đồng.

Với mức chi phí tăng hơn 361 tỷ đồng so với cùng kỳ, lợi nhuận trước thuế của VCI giảm 132 tỷ đồng, tương ứng giảm hơn 38% so với quý II/2024. 

Kết quả kinh doanh quý II tại Chứng khoán Vietcap - Nguồn: BCTC

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, VCI báo lãi trước thuế gần 567 tỷ đồng. Năm 2025, VCI đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.325 tỷ đồng, tăng hơn 15%. Chi phí dự kiến chỉ tăng 9%. Do đó, theo kế hoạch đề ra, lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 1.420 tỷ đồng, tăng 30% so với thực hiện năm trước. So với kế hoạch đề ra, công ty chứng khoán này hiện đạt xấp xỉ 40% mục tiêu cả năm. 

Đưa danh mục đầu tư về trạng thái phòng thủ: Tăng tỷ trọng trái phiếu, giảm cổ phiếu

Đến cuối quý II/2025, tổng tài sản của Chứng khoán Vietcap đã giảm về còn 21.898 tỷ đồng, ghi nhận quý thứ 2 liên tiếp thu hẹp quy mô sau khi đạt đỉnh vào cuối năm 2024 với giá trị tài sản lần đầu vượt mốc tỷ USD (xấp xỉ 26.600 tỷ đồng). Về cơ cấu nguồn vốn, VCI đã giảm mạnh các khoản vay ngắn hạn ngân hàng. Tỷ lệ nợ giảm từ mức hơn 51% hồi đầu năm về còn 43% tại thời điểm cuối quý II/2025. 

Các khoản cho vay ký quỹ không có nhiều thay đổi và vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng tài sản với hơn 11.300 tỷ đồng được phân bổ vào khoản mục này. Trong khi đó, lượng tiền (không tính tiền gửi ngân hàng) đã giảm mạnh từ con số hơn 4.700 tỷ đồng giảm còn 472 tỷ đồng. Cùng đó, trong nửa đầu năm, VCI đã điều chỉnh đáng kể danh mục đầu tư.

Tổng giá trị khoản đầu tư vào trái phiếu chưa niêm yết trong nhóm tài sản tài chính FPTVL đến cuối quý II/2025 đã tăng thêm 713,5 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, ở nhóm tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) giảm gần 300 tỷ đồng. Tổng cộng, giá trị trái phiếu trong danh mục đầu tư vẫn tăng thêm hơn 400 tỷ đồng. Tiền gửi có kỳ hạn tại ngân hàng cũng tăng thêm 335 tỷ đồng, từ 598 tỷ lên 933 tỷ đồng.

Ngược lại, VCI đã giảm tỷ trọng đầu tư cổ phiếu. Nhiều mã bị bán ra đáng kể. Giá trị đầu tư vào cổ phiếu KDH (theo giá mua) đã giảm hơn 349 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm; cùng đó giá trị thị trường khoản đầu tư vào đây cũng giảm khoảng một nửa. Giá trị đầu tư theo giá mua cổ phiếu STB giảm 150 tỷ đồng, FPT giảm khoảng 263 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty lại gia tăng đầu tư khi mua mới cổ phiếu PNJ (gần 80 tỷ đồng) và giải ngân thêm khoảng 168 tỷ đồng vào cổ phiếu MBB.

Danh mục đầu tư được cơ cấu lại cũng cho thấy định hướng phòng thủ hơn của công ty chứng khoán này khi gia tăng tỷ trọng tài sản có độ rủi ro thấp như trái phiếu và tiền gửi, đồng thời thoái vốn khỏi một số cổ phiếu trong bối cảnh thị trường biến động mạnh.

Vì đâu Chứng khoán CV liên tục báo lỗ?
Dịch vụ mua ngoài hoạt động môi giới chứng khoán là nguyên nhân khiến chi phí hoạt động của CVS tăng cao và kéo dài chuỗi kỳ kinh doanh thua lỗ.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư