Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 22 tháng 08 năm 2024,
Cửa lớn mở ra với Phúc Sinh
Anh Hoa - 21/08/2024 09:22
 
Việc liên tục được các quỹ ngoại ưu tiên phát triển bền vững bơm vốn mở ra “cánh cửa lớn” cho Công ty cổ phần Phúc Sinh làm việc với các đối tác, tổ chức trong và ngoài nước để tăng tốc và sớm đạt được mục tiêu phát triển.
Ảnh minh họa.
Cà phê hiện chiếm tỷ trọng khoảng 60% doanh số xuất khẩu hàng năm của Phúc Sinh

Mục tiêu trở thành “kỳ lân” ngành nông nghiệp bền vững

Hội nghị Đầu tư ESG Việt Nam 2024 do Do Vietnam Innovators by Vietcetera và Raise Partners tổ chức vào tháng 5/2024 đã có một phiên trao đổi về vấn đề tìm nhà đầu tư đúng giữa các doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Đây là một cơ hội giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển theo tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) tìm được những nhà đầu tư có cùng mục tiêu và giá trị.

Thương vụ rót vốn gần 25 triệu USD (hơn 600 tỷ đồng) vào Công ty cổ phần Phúc Sinh mới đây của Quỹ đầu tư &Green (Hà Lan) đã minh chứng cho điều đó. Đúng theo tiêu chí xanh và phát triển bền vững của doanh nghiệp, thương vụ tài trợ vốn này sẽ giúp Phúc Sinh “cất cánh” trong tương lai.

&Green được quản lý bởi SAIL Investments, một nhà quản lý đầu tư bền vững toàn cầu có trụ sở tại Hà Lan. Quỹ tập trung đầu tư vào các khu vực rừng nhiệt đới, với chiến lược và mục tiêu bảo vệ môi trường, xã hội. Tính đến cuối năm 2023, danh mục đầu tư của &Green đã đóng góp vào việc bảo vệ 3,1 triệu ha rừng và giảm 13,2 triệu CO2e.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh chia sẻ, từ năm 2013, Công ty đã nhận được sự quan tâm từ nhiều quỹ đầu tư, nhưng bị định giá quá thấp. Sau 11 năm, Phúc Sinh quyết định hợp tác với &Green.

Điều đáng nể là tốc độ làm việc và giải ngân của thương vụ đầu tư này. Chỉ sau một tháng ký kết, Phúc Sinh đã nhận được gần 25 triệu USD. Khoản đầu tư sẽ được hoàn lại sau 7 năm.

Nông nghiệp được xem là một trong những khoản đầu tư ESG hiệu quả nhất trên thế giới và đang được các nhà đầu tư, doanh nghiệp lựa chọn tuân thủ. Theo ước tính, khoảng 17% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu từ nông nghiệp; 3.000 tỷ USD là chi phí môi trường toàn cầu ước tính để nuôi sống con người hiện nay, tính toán từ việc sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón, nước ngọt và lượng khí thải ra môi trường. 

Bà Natalia Pasishnyk, Giám đốc Phát triển bền vững của &Green đánh giá, nền nông nghiệp Việt Nam đang có nhiều bước chuyển mình và thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư quốc tế. Đối với &Green, Phúc Sinh là một công ty minh bạch về tài chính, sở hữu hệ sinh thái nông nghiệp tiên tiến.

Với nguồn vốn nhận được từ &Green, Phúc Sinh dùng để đầu tư vào nhà máy chế biến cà phê ở Đắk Nông, tái đầu tư máy móc, trang thiết bị và triển khai dự án cà phê hòa tan sấy lạnh. Dự kiến, Công ty sẽ xây dựng thêm 2 nhà máy sản xuất tại Việt Nam, nâng tổng số lên 8 cơ sở.

Công ty cổ phần Phúc Sinh thành lập năm 2001, xuất khẩu nông sản đến 102 quốc gia trên toàn thế giới. Trên thị trường, Phúc Sinh được xem là “vua tiêu” khi chiếm đến 8% thị phần xuất khẩu toàn thế giới từ năm 2007 đến nay, đồng thời đứng trong top 4 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam. Đầu năm 2024, Công ty được một quỹ ngoại định giá 320 triệu USD. Hai bên đã trao đổi với nhau trong suốt 18 tháng với quan điểm thận trọng trước khi ký kết hợp tác. Quan điểm của Phúc Sinh là tìm đối tác đi được đường dài với nhau, nên lựa chọn rất kỹ.

Ông Phan Minh Thông cho biết, cả hai quỹ mà Phúc Sinh chọn hợp tác đều đến từ châu Âu, họ ưu tiên phát triển bền vững, điều này tương đồng với mô hình Phúc Sinh đang thực hiện. Ngoài ra, các quỹ này cũng đầu tư nông nghiệp xanh, nên sẽ hỗ trợ được nhiều cho Phúc Sinh trong dài hạn.

Có thể thấy, các thương vụ của Phúc Sinh tạo được dấu ấn đặc biệt trong ngành nông nghiệp. Trước kia, rất hiếm doanh nghiệp Việt hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp  có liên quan đến phát triển bền vững được rót vốn. Còn trong giai đoạn hiện nay, toàn ngành nông nghiệp đang chuyển mình dữ dội.

“Hợp tác cùng các đối tác ngoại là xu hướng tốt mà doanh nghiệp cần nắm bắt cơ hội để phát triển mạnh hơn nữa. Bởi, Việt Nam sau đại dịch đang khá nổi trội về việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho nhiều nơi trên thế giới”, ông Thông chia sẻ.

Sau khi khẳng định vị thế  trong ngành tiêu, Phúc Sinh muốn gắn bó hơn với ngành có tiềm năng rất lớn là cà phê. Công ty cũng đẩy mạnh xuất khẩu cà phê ra thị trường nước ngoài, chủ yếu ở châu Âu. Theo ông Thông, doanh số xuất khẩu mỗi năm của Phúc Sinh đạt khoảng 300 triệu USD, trong đó cà phê chiếm tỷ trọng lớn nhất với 60%, tiêu chiếm 30% và trà chiếm khoảng 10%.

Ông Thông dự kiến, 4 năm nữa, Phúc Sinh sẽ đạt doanh số khoảng 510 triệu USD. Đó là thời điểm Công ty sẽ IPO, thậm chí có thể trở thành kỳ lân trong ngành nông nghiệp bền vững. Sau hơn 14 năm đầu tư cho phát triển bền vững, đến nay, Phúc Sinh đã đạt được hơn 20 chứng chỉ liên quan.

Theo Chủ tịch Công ty Phúc Sinh, chi phí vốn từ Quỹ &Green cao hơn các ngân hàng trong nước, nhưng Công ty quyết định hợp tác, vì thời hạn vay kéo dài và điều quan trọng hơn là hai bên cùng chung lý tưởng hướng đến phát triển sản phẩm xanh, bền vững và có trách nhiệm với xã hội. Phúc Sinh xem đây là “cánh cửa lớn” để dễ dàng làm việc với các đối tác, tổ chức trong và ngoài nước khác.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã hoàn tất đàm phán với một quỹ đầu tư khác về khoản tài trợ vốn không hoàn lại cho phát triển bền vững, dự kiến công bố vào cuối tháng 9 tới.

Bên cạnh hoạt động sản xuất và xuất khẩu, trong những năm gần đây, Phúc Sinh còn đầu tư cho thị trường nội địa với chuỗi K-Coffee. Ông Thông tiết lộ, chuỗi cà phê này đã đạt mức tăng trưởng 10% trên mỗi cửa hàng. Trong 6 tháng đầu năm nay, với tổng số 50 cửa hàng, chuỗi K-Coffee mang về 100 tỷ đồng doanh thu, nhưng vẫn đang lỗ, do còn trong quá trình đầu tư mở rộng.

Công ty Phúc Sinh dự tính đạt doanh số khoảng 510 triệu USD sau 4 năm nữa. Trong ảnh: Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất của Phúc Sinh
Công ty Phúc Sinh dự tính đạt doanh số khoảng 510 triệu USD sau 4 năm nữa. Trong ảnh: Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất của Phúc Sinh

Tăng tốc từ nền tảng ESG

Theo các chuyên gia, sự chủ động, tiên phong của doanh nghiệp đầu ngành không chỉ tạo ra giá trị cho chính doanh nghiệp đó, mà còn thúc đẩy xu hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh và bền vững cho cả ngành, phấn đấu hoàn thành mục tiêu giảm phát thải nhà kính 10% so với năm 2020 theo đúng chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững.

Trong nghiên cứu của SCOPEinsight, 85% nhà đầu tư xem xét các yếu tố ESG trong các khoản đầu tư của họ và 70% người tiêu dùng mua hàng dựa trên mối quan tâm về ESG. Bởi vậy, các doanh nghiệp nông nghiệp không thể nằm ngoài xu hướng thực hành ESG. Đặc biệt, đất đai màu mỡ đang suy giảm, nhu cầu nước ngọt vượt quá khả năng cung cấp, trong khi dân số toàn cầu đang tăng, dự kiến đạt 10 tỷ người vào năm 2050. Do vậy, phát triển bền vững theo tiêu chí ESG là giải pháp để ngành nông nghiệp sản xuất ra nhiều sản phẩm hơn với chi phí ít hơn.

Đối với doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, các chuyên gia chỉ ra 2 cách chính để thực hành ESG. Đó là thay đổi cách xử lý đất trồng trọt, giảm bớt tác hại đến đất và làm việc với cộng đồng nông dân, giúp những người này cải thiện cuộc sống của mình. Khi sản phẩm của họ tự nhiên và hữu cơ hơn, họ có thể đưa ra giá bán cao hơn. Các tổ chức nông nghiệp ở Việt Nam có thể kết nối doanh nghiệp với nhau, người đi trước giúp người đi sau thiết lập cơ sở vật chất để chuyển đổi xanh.

Ông Chris Cattermole, chuyên gia tư vấn ESG và người đứng đầu toàn cầu về giải pháp tại UL Solutions nhấn mạnh, nếu muốn thu hút dòng tiền đầu tư, doanh nghiệp phải lưu ý việc các nhà đầu tư đang rất quan tâm những dữ liệu ESG liên quan đến tài chính. Đối với các công ty lớn được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam, nên phát triển các mục tiêu ESG theo những tiêu chuẩn quốc tế cụ thể đã được công bố trên toàn cầu.

“Doanh nghiệp có thể đầu tư vào công nghệ trong nông nghiệp. Khi các nhà đầu tư hiểu về sự tuân thủ ESG, sự phát triển bền vững của công ty, khả năng họ quyết định đầu tư sẽ cao hơn”, ông Chris Cattermole khuyến nghị.

Trở lại với câu chuyện đeo đuổi ESG của Phúc Sinh, nhờ kinh nghiệm phát triển bền vững nhiều năm, Công ty đã vượt qua không ít “hàng rào” quy định về quy trình, tiêu chí… để nhận được sự quan tâm và quyết định rót vốn tài trợ của các quỹ đầu tư. Phúc Sinh tự tin hoàn thiện dễ dàng những tiêu chí khắt khe hơn khi đã xây dựng được nền móng vững chắc.

Hơn 1 năm trước, Phúc Sinh quyết định đầu tư 10 tỷ đồng để gia cố sức mạnh quản trị rủi ro khi khởi động giải pháp SAP Analytics Cloud (SAC). Tiên phong chuyển đổi số trong lĩnh vực nông sản, Phúc Sinh tin rằng, SAC là công cụ đáng tin cậy giúp họ đánh giá toàn diện, loại bỏ rủi ro trước khi đầu tư vào những dự án kinh doanh mới trong tương lai. Bằng việc phù hợp với tiêu chuẩn của SAC về báo cáo tài chính và thông lệ kế toán, kết hợp ESG vào quy trình ra quyết định, Phúc Sinh có thể đảm bảo hiệu quả sử dụng tài nguyên, góp phần vào các sáng kiến bền vững, đồng thời đạt được lợi nhuận lâu dài.

Doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group: “Nếu chỉ đầu tư phần ngọn, thì không thể phát triển lâu dài”
Luôn tìm kiếm cơ hội, nắm bắt xu hướng, đầu tư nghiên cứu chuyên sâu và ứng dụng công nghệ, doanh nhân Phan Minh Thông đã đưa Phúc Sinh Group...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư