Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cục Quản lý giá lên tiếng về việc bỏ khung giá vận chuyển hàng không nội địa
Anh Minh - 02/05/2023 19:43
 
Hiện một loạt hãng hàng không trong nước đang kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính vừa văn bản gửi Cục Hàng không Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số cơ quan tham mưu của Bộ GTVT phản hồi về một số ý kiến liên quan giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa và giá dịch vụ đăng kiểm phương tiện vận tải.

Cục Quản lý giá cho biết, trong quá trình xây dựng Luật giá sửa đổi, cơ quan này đã nhận được các kiến nghị liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, trong đó có kiến nghị bỏ quy định khung giá trần nội địa đối với dịch vụ vận tải hàng không và kiến nghị quy định về việc hạ giá bán đối với dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không mà không bị coi là vi phạm pháp luật về cạnh tranh và pháp luật chống bán phá giá hàng nhập khẩu của Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam; Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines; Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt.

Cũng tại cuộc họp về dự thảo Luật giá sửa đổi do Cục Quản lý giá tổ chức ngày 26/4/2023 về , đại diện các doanh nghiệp hàng không tiếp tục có kiến nghị về các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như trên.

Cục Quản lý giá cho biết, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, tại khoản 27 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam quy định: “Hãng hàng không quyết định giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa trong khung giá do Bộ GTVT quy định và thực hiện kê khai giá với Bộ GTVT”;  khoản 3 Điều 1 quy định: “Cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành hàng không dân dụng trực thuộc Bộ GTVT là nhà chức trách hàng không”.

Theo đó, Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hàng không dân dụng và giá dịch vụ vận chuyển hàng không.

Căn cứ chức năng quản lý nhà nước về hàng không của Bộ GTVT quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam, Cục Quản lý giá đề nghị Vụ Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam, Vụ Tài chính báo cáo Bộ GTVT có ý kiến, đề xuất cụ thể kèm theo đánh giá tác động đối với các nội dung liên quan đến giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa như kiến nghị của các doanh nghiệp hàng không.

Vào cuối tháng 3/2023, trong văn bản góp ý về dự thảo Luật Giá sửa đổi, Vietnam Airlines đã đề nghị đưa dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa ra khỏi danh mục hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá.

Theo đại diện Vietnam Airlines, điều 21, mục 2 Định giá của Dự thảo Luật giá sửa đổi quy định “Hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá phải đáp ứng một trong các tiêu chí sau đây: Hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tính chất độc quyền trong mua bán hoặc có thị trường cạnh tranh hạn chế và ảnh hưởng đến kinh tế xã hội, đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh”.

Tuy nhiên, theo Hãng hàng không quốc gia, dịch vụ vận chuyển hành khách nội địa hiện không phải là dịch vụ thiết yếu vì tỉ trọng vận chuyển đường hàng không nội địa thấp hơn nhiều so với đường bộ. Đó là chưa kể đến việc với kế hoạch phát triển đường cao tốc và đường sắt trong thời gian sắp tới, tỉ lệ này dự kiến tiếp tục giảm.

Trên thực tế, số liệu thống kê cho thấy trước khi dịch bệnh xảy ra (2019) lượng hành khách đi bằng đường hàng không chỉ chiếm khoảng 34% tổng lượng hành khách luân chuyển toàn quốc, trong khi chỉ số tương ứng của vận chuyển hành khách bằng đường bộ chiếm tới hơn 63%. Hàng không cũng chỉ vận chuyển hành khách trên các tuyến có khoảng cách xa; trong khi vận chuyển hành khách đường bộ bao phủ tất cả các cung đường.

“Khi hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt được nâng cấp, hành khách có cơ hội lựa chọn nhiều hơn, hàng không sẽ chịu sức ép cạnh tranh lớn hơn với các phương tiện vận chuyển khác và càng trở thành dịch vụ vận chuyển thông thường”, ông Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp hàng không đánh giá.

Một yếu tố khác khiến Vietnam Airlines kiến nghị đưa dịch vụ vận chuyển hành khách bằng đường hàng không ra khỏi danh mục các dịch vụ Nhà nước kiểm soát giá là thị trường vận chuyển hàng không nội địa đã trở thành một thị trường có tính cạnh tranh ngày càng cao, về cơ bản không còn độc quyền nữa nên giá dịch vụ phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.

Cụ thể, thị trường vận chuyển hành khách nội địa đã có sự tham gia của 6 hãng hàng không: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines, Pacific Airlines, Vasco, với mức độ cạnh tranh cao cả về giá và chất lượng dịch vụ.

Trung bình năm 2022 tại thị trường nội địa, thị phần của các hãng hàng không không có hãng nào vượt quá 40% để giữ vị trí thống lĩnh, trong đó: Vietjet chiếm khoảng 40%, Vietnam Airlines khoảng 35%, Bamboo Airway khoảng 16%, Pacific Airlines khoảng 6%, Vietravel Airlines khoảng 2% và Vasco khoảng 1%. Khách hàng dễ dàng tiếp cận dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa, với nhiều lựa chọn hãng hàng không và sản phẩm đa dạng với mức giá phù hợp.

“Chính vì vậy, việc tiếp tục áp dụng khung giá sẽ làm hạn chế khả năng và động lực khuyến khích phát triển của các hãng hàng không, đặc biệt là các hàng không truyền thống cung cấp thêm sản phẩm chất lượng cao với dịch vụ, tiện ích tương ứng với giá vé để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của hành khách”, đại diện Vietnam Airlines phân tích.

Bên cạnh đó, theo Vietnam Airlines, việc duy trì trần giá vé còn gây méo mó về cung cầu khi trong giai đoạn cao điểm khi các đường bay thường khai thác lệch đầu, việc khống chế giá gây khó khăn cho công tác cân đối hiệu quả khai thác 2 chiều của đường bay, hãng sẽ phải cân nhắc việc tăng tần suất để đáp ứng nhu cầu đi lại của chiều cao điểm, dẫn tới hạn chế khả năng cung ứng sản phẩm cho khách hàng.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư