Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2020: Lan tỏa sự minh bạch, quản trị tốt và phát triển bền vững
Phan Hằng - 04/12/2020 08:47
 
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 13 năm 2020 đã nâng cao tiêu chí chấm điểm quản trị công ty và đưa thêm các tiêu chí bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.

Việc nâng cao tiêu chí chấm điểm và đưa thêm các tiêu chí về phát triển bền vững như trên là nhằm thúc đẩy doanh nghiệp thực thi quản trị công ty tốt và định hướng phát triển bền vững.

Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiên tai và đại dịch Covid -19. Trong ảnh: Hội đồng Bình chọn chấm chung khảo và xếp loại doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: Lê Toàn
Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiên tai và đại dịch Covid -19. Trong ảnh: Hội đồng Bình chọn chấm chung khảo và xếp loại doanh nghiệp niêm yết. Ảnh: Lê Toàn

Minh bạch và quản trị tốt

Lễ trao giải Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết lần thứ 13 diễn ra chiều nay (4/12) tại Trung tâm Hội nghị Vinpearl Phú Quốc. Cuộc bình chọn là hoạt động thường niên do Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Báo Đầu tư và Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital phối hợp tổ chức, với mục tiêu thúc đẩy, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cao minh bạch, quản trị tốt và phát triển bền vững, qua đó tăng niềm tin của nhà đầu tư và thị trường vào doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Vũ Quang Trung, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban điều hành HoSE, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn cho biết, thời điểm công bố thông tin trọng yếu của doanh nghiệp năm nay rơi vào giai đoạn giãn cách xã hội, công tác tổng hợp thông tin, soạn thảo và công bố báo cáo của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Vì vậy, lượng thông tin và thời điểm công bố thông tin của nhiều doanh nghiệp bị trễ hạn.

Diễn biến này phần nào ảnh hưởng đến kết quả đánh giá của doanh nghiệp niêm yết Việt Nam trong năm 2020. Bộ tiêu chí đánh giá năm nay được đổi mới, nâng cao dần các tiêu chuẩn quản trị, có thể tác động đến điểm số đánh giá theo hướng làm giảm điểm. Cụ thể, công tác công bố thông tin của doanh nghiệp trong năm 2020 bị giảm điểm so với năm trước khá nhiều (54% năm 2020 so với 69,4% năm 2019).

Tuy nhiên, điểm tích cực của năm nay là Bộ nguyên tắc Quản trị công ty Việt Nam được giới thiệu năm 2019 đã được doanh nghiệp áp dụng, sử dụng như một kim chỉ nam cho các cải cách quản trị công ty tại doanh nghiệp. Một tỷ lệ tăng lên đáng kể doanh nghiệp đã thực hiện tự đánh giá về khả năng tuân thủ các quy tắc quản trị công ty (37,5% so với 30,5% năm 2019).

Đồng thời, kết quả chấm điểm quản trị công ty năm 2020 cho thấy, các doanh nghiệp có điểm quản trị tốt có giá cổ phiếu cao hơn các doanh nghiệp có quản trị kém, cũng là nhóm có hiệu quả kinh doanh tốt nhất. Kết quả đánh giá trong 3 năm từ 2018-2020 đều tương đồng là bằng chứng thuyết phục rằng, quản trị tốt giúp doanh nghiệp ngăn ngừa rủi ro, hệ thống vận hành ổn định, có thể kiểm soát tốt chi phí, giúp doanh nghiệp có thể vượt qua khủng hoảng và phục hồi nhanh.

Dù vậy, vẫn còn rất nhiều điểm cần cải thiện. Theo GS-TS. Trần Ngọc Thơ (Đại học Kinh tế TP.HCM), thành viên Hội đồng Bình chọn, cần phân biệt các doanh nghiệp niêm yết là các định chế tài chính (các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán) và các doanh nghiệp phi tài chính hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và cung ứng dịch vụ để đưa ra các tiêu chí bình chọn phù hợp.

Chẳng hạn, đối với lĩnh vực ngân hàng, do phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn hoạt động theo Tiêu chuẩn Basel từ các quy định của Ngân hàng Nhà nước, nên điểm quản trị công ty thường có xu hướng cao hơn các doanh nghiệp phi ngân hàng. Nhưng điều này không có nghĩa là, các vấn đề thuộc về quản trị công ty và tình hình tài chính của các ngân hàng tốt hơn các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh.

“Chúng ta nên nghiên cứu các khác biệt quá lớn này để có các điều chỉnh thích hợp cho cuộc bình chọn các năm sau. Theo dõi các báo cáo thường niên của ngành ngân hàng trong nhiều năm qua, tôi nhận thấy, các ngân hàng vẫn chưa tập trung công khai và minh bạch các thông tin vào các rủi ro này. Đây là điểm mà tôi, với tư cách là một thành viên Hội đồng Bình chọn, muốn nhìn thấy có sự tiến bộ hơn của các ngân hàng trong mùa bình chọn năm sau”, ông Thơ nói.

Phát triển bền vững là tất yếu

Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt khi Việt Nam bị ảnh hưởng bởi thiên tai và đại dịch Covid -19. Các tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam nằm trong 5 quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, áp lực lực từ cộng đồng, xu thế đầu tư có trách nhiệm từ dòng vốn đầu tư quốc tế như “mệnh lệnh thị trường” đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao hơn nữa ý thức, thực thi phải phát triển bền vững. Yêu cầu này không chỉ ở mức độ đơn giản như tiết kiệm năng lượng, các hoạt động xã hội, mà phải là chiến lược xuyên suốt thấm nhuần trong tất cả các hoạt động doanh nghiệp.

Theo kiến nghị của Dragon Capital, các ngân hàng đi đầu trong áp dụng tiêu chuẩn môi trường xã hội và quản trị (ESG) vào xét danh mục cho vay, thì tác động lan tỏa tới thúc đẩy phát triển bền vững ở Việt Nam là rất lớn.

Ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital chia sẻ, là quỹ đầu tư theo đuổi hoạt động đầu tư có trách nhiệm, Dragon Capital mong muốn các ngân hàng nên có chính sách hướng tới tài chính xanh, làm sao trong danh mục cho vay nên giảm thiểu các dự án phát thải carbon cao hay ảnh hưởng lớn đến môi trường, sự đa dạng sinh học. Các thông tin này cần được công bố công khai để có thể đánh giá được. Ngoài ra, hầu hết các doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam chưa đánh giá phát thải carbon, nên quỹ đầu tư không có số liệu để đánh giá.

Nhằm thúc đẩy phát triển bền vững, năm nay, Ban Tổ chức Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết đưa thêm tiêu chí liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển bền vững vào đánh giá doanh nghiệp. Kết quả chấm điểm cho thấy, chỉ 4,2% doanh nghiệp công bố chính sách và các thực hành, mô tả nỗ lực trong việc đảm bảo thực hiện các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp, sản xuất cung ứng dịch vụ.

Đây cũng là một trong những lý do để năm nay, Ban Tổ chức quyết định không chỉ tổ chức Lễ trao giải đơn thuần, mà mở rộng quy mô ra các doanh nghiệp niêm yết và phối hợp thành sự kiện Hội nghị Niêm yết 2020. Ông Trung cho biết, ngày 4/12 - Ngày Thế giới bảo tồn các loài hoang dã - được chọn là ngày tổ chức Hội nghị và Lễ trao giải. Ban Tổ chức muốn vận động các doanh nghiệp chủ động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, chia sẻ những bước phát triển, những tấm gương tốt.

Với quy mô và sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, Hội nghị Niêm yết 2020 sẽ lan tỏa Cuộc bình chọn trong cộng đồng doanh nghiệp niêm yết Việt Nam với thông điệp “Minh bạch, quản trị tốt và phát triển bền vững là nền tảng giúp doanh nghiệp tăng niềm tin của nhà đầu tư và thị trường vào doanh nghiệp”.

Sau 2 vòng chấm sơ khảo và chung khảo, Ban Tổ chức và Hội đồng Bình chọn đã quyết định chọn 40 doanh nghiệp niêm yết xuất sắc nhất để vinh danh ở 3 hạng mục: Doanh nghiệp có báo cáo thường niên tốt nhất; Doanh nghiệp có báo cáo phát triển bền vững tốt nhất và Doanh nghiệp có điểm quản trị công ty cao nhất.

Ngoài ra, ở mỗi hạng mục, Ban Tổ chức cũng chọn 1 doanh nghiệp có sự tiến bộ vượt bậc để trao Giải “Tiến bộ vượt trội” nhằm ghi nhận nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc minh bạch thông tin.

Phát triển du lịch bền vững Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung sẽ liên kết chặt chẽ với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh để phát triển du lịch bền vững.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư