Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Cuộc cạnh tranh sòng phẳng
Như Loan - 17/10/2016 13:06
 
Vừa qua, thông tin 22 cửa hàng Thế Giới Di Động rút khỏi BigC đã một lần nữa dấy lên những lo ngại về việc các nhà bán lẻ ngoại đang áp đảo thị trường nội và sự yếu thế của các nhà bán lẻ nội trên sân nhà. Một số quan điểm còn nhầm lẫn khái niệm giữa ngành bán lẻ và ngành sản xuất, theo đó lo ngại việc hàng ngoại, đặc biệt là hàng Thái Lan tràn vào Việt Nam.
.
Điện máy Xanh đang có khoảng 161 siêu thị trên 63 tỉnh thành tính đến ngày 13/10/2016, chiếm khoảng trên 11% thị phần toàn thị trường

Câu chuyện về sản xuất hàng hóa và tiêu dùng là một câu chuyện khác, còn trên thực tế, câu chuyện về bán lẻ vẫn là câu chuyện… thuần Việt và nó cho thấy một bức tranh không hề đáng lo ngại như nhiều người đang nghĩ. Và quả thực, các nhà bán lẻ Việt cũng đang chơi một cuộc chơi rất “sòng phẳng” với các đối tác ngoại đang toan tính xâm lấn thị trường Việt hiện nay.

Bán lẻ xét theo góc độ nhu cầu của người dùng có thể chia làm mấy mảng chính. Mảng có dung lượng lớn nhất và gần gũi nhất với đại bộ phận người tiêu dùng đó là mảng bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng hàng ngày. Mảng thứ hai liên quan tới điện máy, các sản phẩm điện tử gia dụng, mảng lớn thứ ba là điện thoại di động, loại sản phẩm giờ đây đã được xếp vào loại hàng hóa thiết yếu. Một vài lĩnh vực bán lẻ khác liên quan đến nhu cầu của người tiêu dùng như quần áo (thời trang), đồ nội thất… Hiện những chuỗi này chưa có một tên tuổi nào lớn tới mức thị trường có thể gọi mặt điểm tên.

Xét ở lĩnh vực bán lẻ hàng hóa, ngay cả những tên tuổi lớn hiện có mặt trên thị trường như AEON, BigC, Lotte hay CoopMart mới chỉ chiếm khoảng trên 10% thị phần, số phần trăm còn lại thuộc về các chợ truyền thống có từ bao đời rải rác khắp các con cùng ngõ hẻm trên toàn Việt Nam. Trong đó, Coopmart là một doanh nghiệp thuần Việt với 83 siêu thị trên toàn quốc chưa kể các đại siêu thị CoopXtra, doanh nghiệp này năm ngoái là nhà bán lẻ lớn nhất cả nước theo tạp chí Retail Asia. Như vậy, trong lĩnh vực bán lẻ hàng tiêu dùng, doanh nghiệp Việt Nam cũng vẫn đang cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác ngoại.

Điện máy Xanh – Đối trọng ở lĩnh vực bán lẻ điện máy

Nếu Coopmart đang là đối trọng của doanh nghiệp nội ở mảng bán lẻ hàng tiêu dùng thì ở lĩnh vực bán lẻ điện máy, điện tử điện lạnh và gia dụng, Điện máy Xanh chính là cái tên đang được nhắc đến. Hai nhà bán lẻ khác ở trong cùng lĩnh vực này là Nguyễn Kim và Trần Anh đều có vốn góp của đối tác ngoại. Hiện với số điểm bán nhiều nhất, độ phủ lớn nhất cả nước, Điện máy Xanh len lỏi tới các vùng đô thị xa xôi, những nơi đang còn thiếu các dịch vụ bán lẻ chuyên nghiệp nên cung cấp các mặt hàng này chủ yếu là các cửa hàng nhỏ lẻ quy mô gia đình.

Điện máy Xanh đang có khoảng 161 siêu thị trên 63 tỉnh thành tính đến ngày 13/10/2016, chiếm khoảng trên 11% thị phần toàn thị trường, theo thông tin từ nhà bán lẻ này, họ đang tích cực gia tăng khoảng cách với các tay đua còn lại bằng việc liên tục mở mới các điểm bán và đa dạng hóa kích thước cửa hàng, kể cả việc duy trì một quy mô Điện máy Xanh nhỏ chỉ khoảng 400 – 500m2. Năm 2016, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu doanh thu 34.166 tỷ đồng và lợi nhuận 1.388 tỷ sau thuế nhưng sau 8 tháng công ty đã hoàn thành lần lượt 79% và 81% kế hoạch. Đóng góp của Điện máy Xanh trong tổng doanh thu hiện đang chiếm khoảng 28,2%, một tỷ lệ lớn hơn rất nhiều so với trước đó 1 năm với chỉ 16,2%.

Tăng trưởng của Điện máy Xanh các tháng so với cùng kỳ 2015. Nguồn: CEO report, www.mwg.vn
Tăng trưởng của Điện máy Xanh các tháng so với cùng kỳ 2015. Nguồn: CEO report, www.mwg.vn

Nếu nhìn vào lịch sử Điện máy Xanh có thể thấy đây là nhà bán lẻ có tốc độ phát triển nhanh khi chỉ mất chưa đầy 6 năm, từ tháng 12/2010 đơn vị này đã nhanh chóng leo lên vị trí hàng đầu trong bản đồ bán lẻ điện máy. Từ một cái tên được ví như “tân binh” ra đời trong sự ngờ vực của thị trường, cả sự nghi ngại về việc đơn vị này tiến hành quá trình Bắc tiến sau đó, thế nhưng Điện máy Xanh đã cho thấy, mọi giới hạn đều không phải là vật cản. Tốc độ tăng trưởng của Điện máy Xanh qua các tháng so với cùng kỳ luôn ở mức trên 200% khiến khoảng cách giữa Điện máy Xanh và các nhà bán lẻ khác càng nới rộng theo thời gian.

Nếu có một sự nghi ngại nào đó về việc chiếm lĩnh của “khối ngoại” trên thị trường bán lẻ, thì đó chắc chắn không phải là ở lĩnh vực bán lẻ điện máy, ít nhất là trong thời điểm này khi Điện máy Xanh vẫn đang là một đối trọng lớn và ngày càng lớn hơn trước những thế lực ngoại đang cố gắng bằng cách này hay cách khác mở rộng mức độ ảnh hưởng của mình tại thị trường Việt Nam. 

Big C sẽ "khai tử" trang thương mại điện tử Cdiscount.vn
Cdiscount.vn - trang thương mại điện tử thuộc Big C – một hệ thống siêu thị lớn tại Việt Nam vừa thông báo sẽ đóng website bán hàng vào ngày...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư