Thứ Bảy, Ngày 05 tháng 04 năm 2025,
Cuộc chiến thuế quan, nhà đầu tư "trú ẩn" vào các cổ phiếu nào?
Nhã An - 04/04/2025 09:28
 
Các chính sách thuế quan thường thay đổi nhanh và trong bối cảnh như hiện nay, nhà đầu tư không nên hoảng loạn, có thể tìm kiếm nơi “trú ẩn” bằng cách đầu tư vào các công ty hàng đầu, có nội lực để chống chọi được với khủng hoảng.

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trum công bố mức áp thuế cao đối với nhiều quốc gia, bao gồm cả Việt Nam đang tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư, khiến thị trường điều chỉnh giảm mạnh.

Chuyên gia Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, trong dòng chảy kinh tế thế giới, Việt Nam không chỉ là một điểm sáng xuất khẩu, mà còn là một mắt xích quan trọng trong cuộc tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng ánh sáng nào cũng đi cùng bóng tối: khi thặng dư thương mại tăng cao, cũng là lúc áp lực điều chỉnh trở nên không thể né tránh. 

Thách thức thuế quan không chỉ đơn thuần là một cuộc thương thảo về chính sách, mà còn là phép thử cho bản lĩnh và sự linh hoạt của Việt Nam. Né tránh có thể giúp trì hoãn, nhưng chỉ có ứng biến khôn ngoan, tận dụng đúng thời cơ, tạo thế đi trước một bước mới giúp Việt Nam không rơi vào thế bị động trong cuộc chơi lớn, theo quan điểm của chuyên gia SHS. 

Chuyên gia SHS nêu rõ quan điểm từ đầu năm, thị trường chứng khoán 2025, lo ngại lớn nhất là biến số Trump 2.0. Các thị trường trên thế giới ngoài Mỹ đều lo ngại về sự bất ổn trong chính sách mà ông Donald Trump có thể gây ra tương tự như giai đoạn Trump 1.0, khi lần đầu ông nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ. Nỗi bất an sinh ra sự sợ hãi và lo lắng, nên mặc dù định giá chung thị trường đã được cho là định giá rẻ hơn, nhưng thị trường vẫn rất trầm lắng trong giai đoạn chờ đợi biến động.

Ông Nguyễn Minh Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phân tích SHS Research cho biết, quan điểm từ đầu năm 2025 thể hiện trong báo cáo chiến lược năm 2025 là "Timing is Everything" - năm đặc biệt biến động và yếu tố "timing" cần đặt lên hàng đầu.

“Về dài hạn, timing là không cần thiết. Nhưng từng năm một như năm nay lại rất cần thiết và cốt yếu”, ông Hạnh chia sẻ.

Nhưng ông Hạnh cũng cho rằng, chính sách thuế quan thường thay đổi nhanh và trong bối cảnh như hiện nay, nhà đầu tư nên tránh các công ty yếu kém, có thể tìm kiếm nơi “trú ẩn” bằng cách đầu tư vào các công ty hàng đầu, có nội lực để chống chọi được với khủng hoảng.

5 nhóm ngành tiêu biểu 2025 do SHS khuyến nghị
5 nhóm ngành tiêu biểu năm 2025 do SHS khuyến nghị.

Sau năm 2023 tăng 12,2%, năm 2024, VN-Index tăng 12,1% - mở ra kỳ vọng VN-Index sẽ có năm thứ 3 liên tiếp tăng điểm, kiểm tra lại mức giảm mạnh -33% trong năm 2022. Tuy nhiên, năm 2025, giá cổ phiếu cơ bản tốt đang ở nền giá cao, trong khi các nhóm cổ phiếu khác lại kinh doanh suy yếu tạo khó khăn trong việc lựa chọn cơ hội đầu tư có định giá tốt với cổ phiếu cơ bản. Năm 2025, dự báo VN-Index có thể có sự biến động rất mạnh với một đợt điều chỉnh mạnh từ 15 - 20% trước khi thị trường tăng trưởng ổn định trở lại trong trung và dài hạn sau đó.

Một điểm cần lưu ý khác, giai đoạn 2023-2024, dư nợ cho vay ký quỹ liên tục tăng và đạt mức đỉnh 219.358,9 tỷ đồng trong cuối quý II/2024. Tỷ lệ dự nợ trên vốn hóa HoSE cũng lập mức cao mới 4,2%, vượt các mức kỷ lục quý I/2022, thời điểm VN-Index ở mức 1.500 điểm.

Tỷ lệ sử dụng đòn bẩy dư nợ gia tăng thể hiện dòng tiền mới gia tăng vào thị trường yếu hơn áp lực bán ròng đột biến của khối ngoại. Đây cùng là một phần nguyên nhân VN-Index tích lũy trong biên độ hẹp trong năm 2024.

Trong năm 2025, để VN-Index có thể tăng trưởng tốt, chuyên gia SHS cho rằng, tỷ lệ dư nợ vay ký quỹ trên vốn hóa thị trường có thể cần giảm về mức 3,5- 3,7% tương đương thời điểm cao nhất năm 2021-2022. Điều này có thể cải thiện nhờ khối ngoại giảm áp lực bán ròng, dòng tiền mới gia tăng vào thị trường tốt hơn, doanh nghiệp tăng trưởng tốt...

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc SSI Research, Trưởng ban Đào tạo và Phát triển, CTCP Chứng khoán SSI, không lạc quan thái quá về “tin xấu thành tin tốt”, bởi khi “xấu đến mức này rồi” thì đâu đó sẽ nghĩ đến các hành động tiếp theo của Chính phủ sẽ mạnh hơn để giải quyết vấn đề này. Với nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài trao đổi với SSI suốt thời gian qua thì đâu đó rủi ro thuế quan với Việt Nam là lớn nhất, nên họ vẫn đang chờ, khi các rủi ro này được thể hiện xấu nhất thì họ có thể xem xét lại đầu tư vào Việt Nam được rồi

Khi tin xấu ra, với nhà đầu tư nước ngoài thì họ xem xét các nhóm ngành mục tiêu đang có mức định giá hấp dẫn hơn trước đó. So với định giá Việt Nam so với thời diểm chiến tranh thương mại năm 2018, thời điểm mà P/E có thể lên đến 23-24x, thì nay mới khoảng một nửa, nên áp lực bán ra quá mạnh không quá lớn.

“Những thông tin như thế này có thể với các nhà đầu tư tổ chức có thể đánh giá lại vị thế của họ tại thị trường Việt Nam và nhiều khi có thể theo chiều hướng tốt”, ông Hưng nói. 

Dĩ nhiên, với tâm lý của thị trường Việt Nam với tỷ lệ giao dịch bị chi phối bởi phần lớn các nhà đầu tư cá nhân trên 90% thì đâu đó có tâm lý bất ổn nhất định.

“Nói vui thôi, ngày 8-9/4 áp dụng thuế, cũng là ngày FTSE đánh giá thị trường Việt Nam, biết đâu sẽ có diễn biến ngược vào ngày đó. Tốt nhất chúng ta có 2 tin tốt vào giai đoạn này thì câu chuyện hoàn toàn khác ngày hôm nay ta nói chuyện”, ông Hưng chia sẻ. 

Nếu chọn ngành có thể xem xét thì ưu tiên doanh nghiệp có doanh thu nội địa chiếm tỷ trọng lớn. Các doanh nghiệp liên quan nhiều thị trường trong nước như ngành điện khá thú vị, đang có nhiều thông tin pending như sửa đổi Quy hoạch Điện VIII, hay xử lý giá FIT của nhiều dự án điện năng lượng tái tạo. Nhiều nhà đầu tư đã có ý kiến lên Chính phủ và đã có tổ công tác xử lý vấn đề này, nên câu chuyện này có thể thay đổi. Hay liên quan giá điện, đã có Nghị định trong việc giảm bán lẻ giá điện. 

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), mức thuế 46% là con số gây bất ngờ đối với kỳ vọng của nhà đầu tư trước đó. Bởi trước đó, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đều có mức thuế thấp hơn nhiều. Điều này có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn lớn, đặc biệt là các ngành như dệt may, da giày, gỗ, thép, và điện tử - những lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn sang Mỹ.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là động thái gây áp lực để Việt Nam có sự điều chỉnh trong cán cân thương mại, đồng thời đẩy nhanh đàm phán song phương với Mỹ để tìm giải pháp phù hợp nhất.

Tâm lý nhà đầu tư toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, vì quyết định này có thể làm trầm trọng hơn các căng thẳng thương mại và gia tăng lo ngại về sự bất ổn kinh tế toàn cầu.

Thị trường chứng khoán Mỹ có thể điều chỉnh, đặc biệt là cổ phiếu của các công ty đa quốc gia có chuỗi cung ứng phụ thuộc vào các nước bị áp thuế. Trên thực tế, chiều 2/4 theo giờ địa phương, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến xu thế giảm điểm bao trùm ngay sau khi Tổng thống Donald Trump công bố áp thuế chiết khấu đối ứng nhằm vào hàng chục đối tác thương mại. Hàng loạt mã chứng khoán Mỹ đã giảm điểm sau giờ giao dịch khi Tổng thống Trump công bố áp thuế ít nhất 10% và thậm chí cao hơn đối với một số quốc gia và vùng lãnh thổ, làm tăng nguy cơ chiến tranh thương mại toàn cầu. Chỉ số Dow Jones giảm 256 điểm, tương đương 0,61%; S&P 500 giảm 1,69%; chỉ số Nasdaq giảm 2,54%. 

Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán có thể phản ứng tiêu cực trong ngắn hạn, với áp lực bán mạnh ở các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực. Hôm 3/4, chỉ số VN-Index giảm gần 88 điểm, khoảng 6,68% so với phiên trước. Đây là áp lực ngắn hạn vì tâm lý lo ngại bao trùm, tuy nhiên, nếu Chính phủ có biện pháp ứng phó phù hợp, tâm lý thị trường có thể ổn định dần.

Về ngắn hạn, thông tin về việc Mỹ áp thuế cao ngay tức thì sẽ tác động mạnh tới tâm lý nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng, không nên hoảng loạn và bán tháo, bởi dù thuế suất cao gây khó khăn, nhưng tác động thực sự đến doanh nghiệp cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh. Cùng với đó, có nhiều ngành ít bị ảnh hưởng và có triển vọng tốt, chẳng hạn bán lẻ, công nghệ, ngân hàngtiêu dùng nội địa có thể là lựa chọn an toàn hơn.

Ngoài ra, trong bối cảnh này, nhà đầu tư cần theo dõi các động thái từ Chính phủ và thị trường quốc tế. Nếu có tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại, thị trường sẽ sớm phục hồi.

Trên thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố nội tại hỗ trợ mang tính dài hạn như: kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, sự hồi phục của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang kỳ vọng lớn vào khả năng nâng hạng trong thời gian tới và sự vận hành chính thức của hệ thống KRX…

Không thể phủ nhận việc Mỹ áp thuế cao đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu vào Mỹ của Việt Nam là thông tin bất lợi, tuy nhiên, ông Ngọc vẫn tin tưởng vào các giải pháp mà Chính phủ đã và tiếp tục triển khai để đảm bảo sự phù hợp trong quan hệ thương mại với Mỹ nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung. 

Theo đó, ông Ngọc kỳ vọng Chính phủ sẽ có nhiều cuộc đàm phán song phương để tìm cách giảm mức thuế áp dụng, có thể thông qua việc ký kết các thỏa thuận thương mại hoặc cam kết về chính sách tiền tệ và cán cân thương mại. Cùng với đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh thị trường nội địa và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc thông qua các hiệp định thương mại như EVFTA, CPTPP.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, thông qua các giải pháp hỗ trợ chính sách tài khóa, hỗ trợ tín dụng, miễn giảm phí vận chuyển và logistics… để giúp doanh nghiệp giảm chi phí.

Ngoài ra, theo ông Ngọc, Việt Nam cần thúc đẩy chuỗi cung ứng nội địa. Nếu Mỹ đánh thuế cao vào các mặt hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng sản xuất tại Việt Nam, Việt Nam cần gia tăng tỷ lệ nội địa hóa để tránh rủi ro bị đánh thuế "né xuất xứ".

Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu quan điểm về việc Hoa Kỳ áp thuế đối ứng
Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp và trao đổi với phía Hoa Kỳ trên tinh thần xây dựng và hợp tác để tìm ra các giải pháp thiết thực, góp phần...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư