Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 18 tháng 04 năm 2024,
“Cuộc va đập lớn” và thách thức thiết kế ngôi nhà cho tương lai của Việt Nam
Huy Hào - 10/02/2019 10:31
 
“Trước cuộc va đập lớn của thế giới, nếu một quốc gia may mắn có những người lãnh đạo quả cảm, có tầm nhìn thời đại, biết khóc trước số phận nghiệt ngã của giống nòi và có khả năng tập hợp nhân tài để tìm ra con đường đi sáng suốt nhất cho dân tộc, thì quốc gia đó có khả năng thiết kế một ngôi nhà tương lai bề thế, vững chãi cho dân tộc mình”,
.
PGS-TS. Vũ Minh Khương.

PGS-TS. Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với Báo Đầu tư dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi 2019.

Dự cảm Việt Nam có thể làm thế giới kinh ngạc

Thưa ông, mỗi dịp năm mới, người ta thường nhìn lại một năm đã qua và lượng hóa, dự báo những cơ hội, thách thức, khó khăn phía trước để định hướng hành động. Vậy, nếu có thể nói ngắn gọn về không gian sống và những thách thức của chúng ta sắp tới, thì đó là gì?

Năm 2019 có lẽ sẽ là một năm có những biến chuyển bước ngoặt trong cục diện phát triển toàn cầu, trong đó, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) và sự va đập giữa hai siêu cường Mỹ - Trung sẽ là những tác nhân lớn.

Về cuộc CMCN 4.0, việc triển khai công nghệ 5G ở một số nước vào năm 2019 sẽ tạo ra một bước ngoặt lớn được so sánh với sự xuất hiện của công nghệ Internet vào những năm 1990. Nó sẽ giúp tạo ra bước phát triển vượt bậc trong nâng cao năng suất lao động và chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, nó giúp cho các nước tiên tiến sử dụng robot làm chủ đạo để quay trở lại phát triển các ngành công nghiệp chế tạo mà trước đây phải dựa vào lao động rẻ ở các nước đang phát triển.

Trong khi đó, sự va đập giữa hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc, trong đó căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nổ ra từ đầu năm 2018, là những tiến triển được coi là không thể tránh khỏi. Luận thuyết về xung đột tất yếu giữa thế lực đang thịnh trị và thế lực mới nổi lên do nhà sử học cổ đại Hy Lạp Thucydides đưa từ thế kỷ thứ V trước công nguyên đã được lịch sử chứng minh là đúng trong suốt gần 2.500 năm qua. Sự xung đột Mỹ - Trung ở thế kỷ 21 này chắc sẽ không kém phần khốc liệt do quy mô và tác động của hai quốc gia lên toàn cầu đều rất lớn, ở mức chưa từng có trong lịch sử.

Tuy nhiên, sự xung đột trong thế kỷ 21 này có sự khác biệt căn bản. Nó sẽ ở sự va đập, chủ yếu trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, để điều chỉnh chứ không dẫn đến chiến tranh tàn khốc như thường thấy trong lịch sử. Có khả năng cao là Trung Quốc sẽ có những nhượng bộ đáng kể để tiến lên trong các đàm phán sắp tới với Mỹ. Như vậy, Trung Quốc sẽ chấp nhận cuộc chơi toàn cầu với trách nhiệm cao hơn, nhưng cũng đòi hỏi cấu trúc của cuộc chơi được điều chỉnh cho phù hợp với vị thế kinh tế mới của họ.

Năm 2018, Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục 15,5 triệu lượt. Tiềm năng du lịch của Việt Nam chính một kho báu vô giá cần được quan tâm khai thác.
Năm 2018, Việt Nam đón lượng khách quốc tế kỷ lục 15,5 triệu lượt. Tiềm năng du lịch của Việt Nam chính một kho báu vô giá cần được quan tâm khai thác.

Trong cuộc “va đập lớn” đó, Việt Nam nằm ở vị trí nào và chịu những ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?

Với tỷ mức thương mại/GDP vượt trên 200%, Việt Nam là một quốc gia có mức độ hội nhập cao hàng đầu thế giới. Hơn nữa, khối lượng giao thương của Việt Nam với cả hai siêu cường Mỹ và Trung Quốc đều rất lớn: 51 tỷ USD với Mỹ và 94 tỷ USD với Trung Quốc. Trong khi đó, cán cân thương mại với cả hai nước đều mất cân bằng nghiêm trọng: thặng dư 32 tỷ USD với Mỹ và thâm hụt 23 tỷ USD với Trung Quốc (năm 2017).

Trong bối cảnh đó, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung giúp Việt Nam nổi lên như một điểm lựa chọn quan trọng cho nhiều nhà đầu tư, cả về ngắn hạn và dài hạn.

Tuy nhiên, nếu căng thẳng thương mại này ngày càng khốc liệt và không đi đến lời giải, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi, vì nhu cầu thị trường của cả hai đối tác lớn này sẽ suy giảm, trong khi môi trường đầu tư của khu vực sẽ trở nên bất ổn, khó dự báo. Do Việt Nam có thặng dư thương mại rất cao với Mỹ, các tập đoàn lớn sẽ cẩn trọng trong việc chuyển đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ.

Thế nhưng, nếu căng thẳng thương mại Mỹ - Trung được giải quyết, Trung Quốc sẽ trở thành một đối tác có trách nhiệm và đẳng cấp cao hơn trong cuộc chơi toàn cầu trong thời gian tới. Với biên giới dài và giao thương sâu rộng với Trung Quốc. Việt Nam sẽ được lợi rất lớn nếu vượt lên mạnh mẽ để nắm lấy cơ hội to lớn này, đặc biệt trong ba hướng chiến lược sau.

Thứ nhất, môi trường đầu tư của khu vực sẽ ổn định hơn, cho phép Việt Nam tiếp tục khai thác mạnh mẽ mô hình kinh tế mở và hội nhập sâu của mình để củng cố vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm và nông nghiệp chế biến, sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong thâm nhập thị trường trên 1,3 tỷ dân của Trung Quốc.

Thứ ba, Việt Nam với những địa điểm như Vân Đồn, Lào Cai sẽ trở thành những cửa ngõ giúp cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa toàn cầu thâm nhập thị trường Trung Quốc.

 Việt Nam đang có những bước tiến ấn tượng trong cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.
Việt Nam đang có những bước tiến ấn tượng trong cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển.

“Va đập lớn” thường sẽ có rạn nứt, thậm chí đổ vỡ, nhưng cũng sẽ là cơ hội để những ai đủ sức chịu đựng, vượt qua được sức ép đó vươn lên. Liệu Việt Nam có thể vượt qua sức ép để nắm lấy cơ hội từ “cuộc va đập lớn” đó?

Đúng vậy. Va đập giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ là một tảng băng nổi trong nhiều biến động rất lớn của thời đại mà các nước, trong đó có Việt Nam phải chống chọi, nắm bắt và vượt lên. Trước những đổi thay vũ bão này, cả thế giới sẽ kinh ngạc và khâm phục nếu có quốc gia nào từ thế giới đang phát triển quả cảm phất lên ngọn cờ cải cách và làm nên câu chuyện phát triển thần kỳ trong thế kỷ 21 này.

Các nghiên cứu khảo nghiệm cho thấy rằng, một quốc gia có khả năng làm nên kỳ tích từ biến động phức tạp thường phải hội tụ đủ ba thuộc tính.

Thứ nhất, quốc gia đó có độ tổn thương rất lớn trước những biến động của thế giới. Nó buộc họ phải có những nỗ lực phi thường để tồn tại, và nhờ vậy, họ có sức bật mà ở điều kiện thường, khó ai có thể hình dung được.

Thứ hai, quốc gia đó có khát vọng dân tộc rất lớn; nó giúp cuốn phăng những trở ngại tưởng như không thể vượt qua, dù đó là tư duy giáo điều, bộ máy trì trệ, hay quyền lợi ích kỷ của các nhóm lợi ích.

Thứ ba, quốc gia đó may mắn có những người lãnh đạo quả cảm, có tầm nhìn thời đại, biết khóc trước số phận nghiệt ngã của giống nòi, và có khả năng tập hợp nhân tài để tìm ra con đường sáng suốt nhất cho dân tộc. Họ có khả năng thiết kế một ngôi nhà tương lai cho dân tộc.

Tôi có dự cảm là Việt Nam sẽ là một trong những quốc gia có thể làm thế giới kinh ngạc trong các thập kỷ tới.

Ngôi nhà tương lai của dân tộc phải bề thế và vững chãi

“Ngôi nhà cho tương lai” mà ông vừa nêu có thể hình dung có diện mạo như thế nào, sẽ được xây dựng bằng chất liệu gì?

Theo tôi, diện mạo ngôi nhà tương lai của Việt Nam trong cộng đồng thế giới phải bề thế và vững chắc ở cả ba mặt: lòng tin sâu sắc của người dân vào thể chế; tầm nhìn thời đại và tư duy khai sáng của đội ngũ lãnh đạo; và cấu trúc xã hội khiến người tài lũ lượt xuất hiện, thỏa sức giúp nước và làm rạng danh dân tộc.

Để có thể xây dựng ngôi nhà tương lai này, Việt Nam phải biết đứng trên vai người khổng lồ - đó là những nước phát triển và những quốc gia đã làm nên những câu chuyện phát triển thần kỳ ở thế kỷ trước. Ở thế kỷ 21 này, chúng ta phải làm sao để những gì Việt Nam quả cảm mở đường sẽ khiến các nước khác nể phục và mong muốn đi theo học hỏi. Sức mạnh của một quốc gia nằm nhiều hơn ở khả năng khai sáng và lòng quả cảm vượt qua khó khăn hơn là tiềm lực kinh tế, quân sự. Dù chưa phải là kỳ tích lớn, nỗ lực cải cách của Việt Nam trong 30 năm qua, đặc biệt trong ba năm qua (2016-2018) có lẽ đã có những tác động không nhỏ cho nhiều nước, trong đó có CHDCND Triều Tiên, có những quyết định đáng kinh ngạc trong cải cách và hội nhập với thế giới.

Có tín hiệu nào cho thấy, Việt Nam đang có những nhân tố, những hạt nhân đủ mạnh để đi những bước dài, những bước táo bạo, mạnh mẽ khiến thế giới phải học hỏi, thưa ông?

Có đấy. Nhưng có lẽ mới ở giai đoạn sơ khai, còn cần thêm thời gian mới có thể tạo nên sức mạnh trỗi dậy. Có những điều trước đây được coi là viễn vông thì nay đã là trở thành những trăn trở thường ngày của lãnh đạo và doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi nào Việt Nam có thể gia nhập tổ chức các nước công nghiệp phát triển; khi nào Việt Nam có thể trở thành một quốc gia có nền nông nghiệp tiên tiến hàng đầu thế giới; làm cách nào để Việt Nam có được một bộ máy công quyền ưu tú như Singapore.

Điều tôi kinh ngạc là lãnh đạo Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ sẵn sàng dành rất nhiều thời gian để nghe về nội dung này. Những sắp xếp đột phá ở những nơi tưởng như rất khó như Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thời gian qua cho thấy, Việt Nam đủ bản lĩnh để tiến hành những cải cách sâu rộng trong thời gian tới.  

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam mạnh về xúc cảm tinh thần, nhưng còn yếu về tầm chiến lược và tư duy thiết kế. Chúng ta vẫn nặng về tháo gỡ khó khăn hiện tại hơn là đặt nền tảng phát triển cho nhiều thập kỷ tới. Chúng ta sẽ phải nỗ lực đưa ra những đạo luật và quyết sách mà hàng trăm năm sau con cháu chúng ta còn cảm phục tự hào. Có như vậy, chúng ta mới có khả năng đi xa vì chặng đường phía trước sẽ có rất nhiều chông gai và bão tố mà hôm nay không ai có thể lường trước hoặc tưởng tượng nổi.

Một mặt, chúng ta phải có chính sách dài hạn, nhưng không thể bỏ qua những công việc thời sự, xử lý các vấn đề bức thiết để không bị chậm chân và bước kịp guồng quay của công nghệ toàn cầu. Ông bình luận gì về những việc Việt Nam đã và đang làm?

Công cuộc phát triển dựa trên 4 động lực chủ đạo: thị trường, thể chế, con người và văn hóa. Để tiến nhanh, chúng ta phải không ngừng gia cường và nâng cấp 4 động lực này. Khi phải giải quyết những việc quan trọng, chúng ta nên ý thức rất rõ phải khai thác đồng bộ cả 4 động lực này.

Việt Nam đang có những bước tiến ấn tượng trong cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, chúng ta dường như vẫn bị thiên lệch nhiều hơn vào động lực thị trường, trong khi coi nhẹ 3 động lực còn lại - thể chế, con người và văn hóa. Điều đáng suy nghĩ là, nếu coi nhẹ 3 động lực sau, thì dù nỗ lực thúc đẩy động lực thị trường đến đâu cũng khó tiến xa được.

Sẽ không thể có một thị trường mạnh nếu thể chế yếu, cho dù độ hội nhập thương mại và đầu tư có sâu đến đâu. Tham nhũng, thiếu tầm nhìn và khả năng phối thuộc hạn chế làm suy giảm sức mạnh tiềm tàng của thị trường và làm nền kinh tế dễ tổn thương bởi các chấn động cả ở bên trong cũng như bên ngoài. Kinh nghiệm Thái Lan và Malaysia là những bài học quý.

Nguồn lực con người sẽ không mạnh, cho dù thông thạo tiếng Anh và kỹ năng số đến đâu, nếu xã hội không chung sức vun đắp xây dựng một nền văn hóa uyên thâm về trí tuệ, cao cả về tầm nhìn, cao quý về nhân văn, cao thượng về nhân cách, và luôn khắc sâu trong tâm khảm mình tình yêu thương đồng bào và trách nhiệm với Tổ quốc.

Để xây dựng được “ngôi nhà cho tương lai” đó, Chính phủ Việt Nam cũng như mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân cần xác định tâm thế như thế nào, cần thể hiện được bản lĩnh như thế nào?

Để dễ hình dung, tôi xin lấy ngành du lịch để minh họa một số ý tưởng của mình. Việt Nam có những lợi thế tuyệt vời và hội tụ đủ những điều kiện để làm nên thành công thần kỳ trong lĩnh vực này trong 2-3 thập kỷ tới. Có thể khẳng định rằng, du lịch vừa là phép thử, vừa là điểm tựa chiến lược để Việt Nam khẳng định khả năng làm kinh ngạc thế giới của mình.

Ngành du lịch cần được lựa chọn đi tiên phong bởi 3 lý do chiến lược sau. Đó là (i) đây là ngành có sự tham gia của toàn dân, ở mọi hang cùng ngõ hẻm của đất nước. Một thiết kế tốt sẽ cho phép Việt Nam khai thác sức mạnh cộng hưởng vô song của dân tộc từ sự đồng tâm quyết trí của toàn xã hội trong nỗ lực phát triển ở lĩnh vực này; (ii) đây là ngành có xu hướng tăng trưởng rất nhanh cả trong hiện tại và tương lai nhờ đóng góp của cuộc CMCN 4.0 và xu thế toàn cầu hóa; (iii) đưa ngành du lịch lên đỉnh cao hàng đầu thế giới không mất nhiều thời gian so với các ngành công nghiệp chế tạo; trong khi hiệu quả mang lại rất lớn, không chỉ về kinh tế mà cả thương hiệu quốc gia. Thành công làm kinh ngạc thế giới của Việt Nam trong phát triển ngành du lịch sẽ mở đường cho các ngành kinh tế khác khẳng định vị thế toàn cầu của mình và thu hút đầu tư của thế giới, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp hàng không, chế biến thực phẩm và văn hóa - sáng tạo.

Trong hoạch định chiến lược ngành, kinh nghiệm của các nước thành công là một kho báu vô giá cần hết sức khai thác. Chẳng hạn, Thái Lan mất 10 năm để đưa số khách du lịch quốc tế từ gần 15 triệu năm 2007 lên trên 35 triệu (với tổng mức thu 57,5 tỷ USD hay 1.600 USD/khách) năm 2017; đồng thời tăng mức đóng góp của ngành du lịch vào GDP từ 6,5% lên 10% trong giai đoạn 10 năm này. Việt Nam đạt 15,5 triệu khách du lich quốc tế trong năm 2018. Một hoạch định chiến lược có tầm có thể đặt ra mục tiêu tăng số khách du lịch quốc tế đến Việt Nam lên 35 triệu trước năm 2030 và 60 triệu trước năm 2045. Đồng thời tăng mức thu hiện tại từ 685 USD/khách (8,9 tỷ USD và 13 triệu khách) năm 2017 lên ngang bằng mức Thái Lan trong thời gian tới. Nghĩa là xuất khẩu từ du lịch sẽ tăng từ dưới 10 tỷ USD năm 2018 lên 57 tỷ USD năm 2030 và 100 tỷ USD trước năm 2045.

Để hỗ trợ ngành du lịch tiến nhanh trên lộ trình chiến lược này, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ, cả về thể chế và sáng kiến chính sách.

Chẳng hạn, Tổng cục Du Lịch nên được tách ra khỏi Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch thành một cục tác nghiệp độc lập (Statutory Board) như kinh nghiệm thành công của Singapore. Cục tác nghiệp này sẽ hoạt động như một tổng công ty (không làm kinh doanh mà chỉ có vai trò xúc tiến và phối thuộc) với sứ mệnh đưa ngành du lịch Việt Nam đạt những mục tiêu chiến lược đặt  ra và vươn lên đỉnh cao toàn cầu trong thời gian sớm nhất. Cán bộ, công nhân viên, trừ biệt phái, sẽ không còn là công chức và có thể hưởng lương theo cơ chế thị trường. CEO là người do Hội đồng Quản trị tìm kiếm và bổ nhiệm.

Trong lộ trình chiến lược phát triển ngành du lịch, một số sáng kiến chính sách đột phá cần sớm ban hành. Chẳng hạn, hỗ trợ hệ thống các trường đào tạo du lịch ở Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế; trong đó chính sách thu hút các trường du lịch hàng đầu thế giới từ Thụy Sỹ và các nước tiên tiến cần chủ động và mạnh mẽ không kém gì so với nỗ lực thu hút Samsung và Intel cho ngành điện tử. Đà Nẵng có thể định vị trở thành một cụm đào tạo du lịch hàng đầu của châu Á. Ngoài ra, trong hoạch định lộ trình chiến lược cho ngành du lich, phí visa và các phí bảo tồn du lịch nên tăng chứ không giảm. Cục tác nghiệp du lịch và các ngành liên quan cần có ngân sách thỏa đáng để thu hút nhân tài, quảng bá và hỗ trợ các đầu tư nâng cấp tăng giá trị trải nghiệm của khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch cao cấp, đi cùng gia đình.

Một khi chúng ta đã có ý chí chiến lược cao, thiết kế bài bản và dốc sức học hỏi thế giới, thì không gì chúng ta không làm được.

Dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi, xin ông cho đôi lời cảm nhận về chặng đường sắp tới của đất nước?

Năm 2019 mà về Âm lịch là năm Kỷ Hợi có lẽ sẽ đi vào lịch sử như là một dấu mốc quan trọng trong công cuộc đổi mới của Việt Nam. Nếu giai đoạn 30 năm Đổi mới đầu tiên (Đổi mới 1), từ năm 1986 đến năm 2015, được đặc trưng bởi nỗ lực thức dậy về tư duy, cởi trói về cơ chế và mạnh dạn trong hội nhập toàn cầu thì giai đoạn 30 năm tiếp theo (có thể gọi là Đổi mới 2), từ năm 2016 đến năm 2045 sẽ được định hình bởi những cố gắng phi thường của cả dân tộc trong trỗi dậy về tầm nhìn, xây dựng nền tảng cho một xã hội phồn vinh và đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường có vị thế xứng đáng trong cộng đồng quốc tế.

Chúng ta đang ở giai đoạn đặt nền móng đầu tiên cho ngôi nhà Việt Nam tương lai. Nỗ lực xây dựng nền móng của Việt Nam trong năm 2019 này sẽ là chỉ báo quan trọng cho thấy Việt Nam sẽ xây dựng một ngôi nhà ở tầm vóc nào và sẽ đi được bao xa trong hành trình đưa đất nước tiến tới kỷ niệm 100 năm độc lập vào ngày 2/9/2045.

Tiên phong đổi mới, sẵn sàng cho bứt phá
Khi Chính phủ đặt ra mục tiêu bứt phá trong năm 2019, thì trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với tư cách là “kiến trúc sư trưởng của...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư