Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 07 tháng 05 năm 2024,
Cứu doanh nghiệp không chỉ bằng lãi suất
Thùy Liên - Thùy Vinh - 01/04/2013 08:38
 
Giảm lãi suất cho vay mới và các khoản vay cũ, xem xét tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ, lùi thời gian áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHN về phân loại nợ… là những giải pháp mà ngành ngân hàng đang nỗ lực để cứu doanh nghiệp trong năm nay. Tuy nhiên, chỉ giải pháp này chưa đủ...
TIN LIÊN QUAN

Lãi suất cho vay giảm tối đa thêm 2-3%

Lãi suất vẫn cao và khó tiếp cận là nhận định chung mà nhiều doanh nghiệp (DN) đưa ra tại Hội nghị làm việc giữa lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) với TP. Hà Nội và TP.HCM cuối tuần qua.

Ông Vũ Thanh Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho rằng, mức lãi suất Hapro phải trả cho các ngân hàng chỉ còn 11-14%/năm, nhưng các công ty thành viên có vốn điều lệ thấp rất khó vay.

“Hiện nay đang tồn tại tâm lý như sau: ngân hàng sợ cho vay, cán bộ tín dụng sợ trách nhiệm khi thẩm định dự án vay, cùng với đó là tình trạng, DN cũng sợ đi vay. Nếu không tháo gỡ được khó khăn này, thì cả hai bên cùng lôi nhau đi xuống”, ông Sơn nói.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Minh Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) cho hay, hiện nay, các DN lớn đi vay vốn dễ dàng, nhưng các DN nhỏ thì vô cùng chật vật. Chung cảnh ngộ, ông Đỗ Văn Minh, Tổng giám đốc Công ty Dệt 19/5 cho rằng, có nhiều dấu hiệu cho thấy, nền kinh tế sắp qua thời kỳ trì trệ, nhưng DN không vay được tiền để đầu tư đón cơ hội phục hồi sản xuất.

Trước khó khăn của DN, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng, lãi suất cho vay ở nhiều nước trên thế giới hiện nay là 5 - 9%/năm, nên nói lãi suất cho vay ở Việt Nam thiếu cạnh tranh là đúng. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất phải phù hợp với điều kiện kinh tế vĩ mô. Theo dự báo của NHNN, năm nay, có khả năng lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức dưới 7%, vì vậy, NHNN sẽ kiên trì mục tiêu giảm tiếp lãi suất. Tuy nhiên, dư địa để lãi suất cho vay hạ thêm chỉ còn 2 - 3% trong năm nay. Cụ thể, theo Thống đốc, chỉ trong vòng 1,5 – 3 tháng tới, lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh sẽ hạ xuống mức 9-10%/năm, lãi suất các khoản vay cũ được đưa về 13%/năm.

Tài khóa phải ra tay

Theo các ngân hàng thương mại (NHTM), thực tế lãi suất cho vay đã giảm xuống 10 – 11%/năm trước khi NHNN đưa trần huy động về 7,5%/năm, nhưng ngân hàng không dễ tìm được khách hàng tốt cho vay, bởi đối với doanh nghiệp có đủ điều kiện để vay, thì họ chưa muốn vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh trước tình hình sức mua thị trường yếu, hàng tồn kho không giảm.

Chủ tịch HĐQT Eximbank, ông Lê Hùng Dũng cho rằng, giảm lãi suất đầu ra là vấn đề đơn giản, nhưng điều quan trọng hơn đối với doanh nghiệp lúc này, giảm lãi suất mới chỉ là điều kiện cần, trong khi làm thế nào để tạo được thị trường, tiêu thụ được sản phẩm mới là điều kiện đủ.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Đông (OCB) cũng khẳng định, điều khó nhất trong phát triển tín dụng hiện nay là không tìm được khách hàng tốt để trao vốn.

Thực tế hiện nay, nhiều DN than khó tiếp cận vốn hiện nay đều là các doanh nghiệp đã cạn tài sản thế chấp ngân hàng và đang vướng phải nợ xấu.

Tuy nhiên, trước đề nghị “hạ chuẩn” để cho vay của các DN, NHNN khẳng định sẽ không hạ chuẩn tín dụng, mà thậm chí còn siết chặt hơn chất lượng tín dụng. Tuy nhiên, để tháo gỡ khó khăn cho DN trong bối cảnh hiện nay, NHNN cũng đang xem xét đến việc gia hạn thời gian thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ xấu, đồng thời giãn thời gian cho vay ngoại tệ nếu DN quá khó khăn.

Dù đang tiến hành quyết liệt các giải pháp để kiềm chế lạm phát, song Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho rằng, chỉ riêng chính sách tiền tệ không thể cứu các DN trong bối cảnh hiện nay. “Lúc này, dư địa chính sách tài khóa phải phát huy. Thuế thu nhập DN đã giảm thì phải giảm xuống 15%, ít nhất phải giảm xuống 20%, hay thuế VAT phải giảm xuống 5%. Giảm thuế, giảm phí thì mới kích thích tiêu dùng, từ đó sản xuất mới phục hồi”, Thống đốc khẳng định.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư