Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Cựu Tổng giám đốc Oceanbank Nguyễn Xuân Sơn nhận "chỉ là người khuân vác" cho Hà Văn Thắm
Đỗ Mến - Bùi Trang - 27/04/2018 17:25
 
Chiều 27/4, phiên tòa xét xử vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm tiếp tục với phần tranh luận sau nửa ngày tòa tạm nghỉ hội ý. Trước khi luật sư phát biểu, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn (nguyên Tổng giám đốc Oceanbank) có phần tự bào chữa trước tòa.
TIN LIÊN QUAN

Trước đó, tại phần phát biểu quan điểm, VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị giữ nguyên 3 tội danh và mức án quy kết bị cáo Nguyễn Xuân Sơn. Bị cáo Sơn bị đề nghị y án tử hình về tội Tham ô tài sản, 17 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước và tù chung thân về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Theo Bản án sơ thẩm, bị cáo Sơn là người khởi xướng và chiếm hưởng toàn bộ số tiền 315,9 tỷ đồng đồng. Trong đó, tham ô 49 tỷ đồng; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt 197 tỷ đồng và 69 tỷ đồng thông qua Công ty BSC.

.
.

Tự bào chữa trước tòa, bị cáo Sơn tiếp tục kêu oan về tội danh Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản và Tham ô tài sản. Đối với tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước, bị cáo đề nghị tòa phúc thẩm xem xét liên đới bồi thường 200 tỷ đồng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Sơn nhiều lần tái khẳng định, bị cáo không chiếm đoạt tiền chi lãi ngoài. Số tiền này bị cáo đã chi hết. Riêng khoản 69 tỷ đồng, bị cáo đã chăm sóc cho 3 khách hàng lớn.  Đối với số tiền 246 tỷ đồng, sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo làm việc với cơ quan điều tra, khai báo rất đầy đủ, thành khẩn, rõ ràng. Một số khoản là chi cho các cá nhân, lãnh đạo cấp trên. Một số khoản chi cho hoạt động khác như an sinh xã hội, lễ tết.

“Bị cáo khai rất rõ chi cho ai, số lượng bao nhiêu, thời gian, địa điểm. Bị cáo không thể chiếm đoạt được số tiền này vì bị cáo Thắm có cách kiểm tra chi xem có đúng không. Bị cáo chỉ là người khuân vác hộ cho Thắm. Bị cáo Thắm đã rất hài lòng với việc đấy”, bị cáo Sơn nói.

Bị cáo Sơn cũng cho rằng, trong 6 năm, nhiều lần đưa tiền thông qua Ninh Văn Quỳnh (nguyên kế toán trưởng của PVN). Tuy nhiên bị cáo Quỳnh chỉ nhận một phần ít. Lý giải về việc đưa tiền cho Quỳnh, bị cáo Sơn nói vì Quỳnh là đầu mối, người lo việc gửi tiền vào các ngân hàng.

Trong bài bào chữa, bị cáo Sơn cho rằng bản thân chỉ là người làm thuê. Trong 2 năm làm việc tại Oceanbank, ngân hàng có lãi 1.000 tỷ đồng. Bị cáo Sơn cho rằng "bản chất con người bị cáo không phải là người tham lam, mà làm sai vì điều kiện, hoàn cảnh, cơ chế".

"Con người bị cáo là người hiền lành, tốt tính, nhiệt tình, được giới doanh nhân tin yêu và quý mến. Một số anh em còn nói sẽ quyên góp hỗ trợ cho bị cáo để khắc phục hậu quả”, bị cáo giãy bày.

Theo bị cáo Nguyễn Xuân Sơn, bản án sơ thẩm xác định bị cáo như là người "phát minh" ra việc chi lãi ngoài là không đúng. 

Liên quan đến việc khắc phục hậu quả 49 tỷ đồng tham ô tài sản, bị cáo Sơn trình bày xin được sử dụng 20 tỷ đồng bản án khác (bản án vụ án PVN góp vốn 800 tỷ đồng vào Oceanbank – PV) buộc Ninh Văn Quỳnh phải trả cho bị cáo để bồi hoàn. Bị cáo tính toán thêm, căn nhà ở Xuân Diệu (quận Tây Hồ, Hà Nội) có giá khoảng 20 tỷ đồng, một căn hộ khác có giả khoảng 4 tỷ đồng và tiền mặt khoảng 1 tỷ đồng. Cộng các khoản trên là hơn 45 tỷ đồng.

“Bị cáo trao đổi với gia đình, anh em đồng nghiệp, nếu phải đền bù họ cũng sẵn sàng hỗ trợ giúp mua lại tài sản, tạm ứng trước cho bị cáo để coi đó là tình tiết giảm nhẹ”, cựu Tổng giám đốc Oceanbank nói.

Kết thúc phần bào chữa, bị cáo cho rằng: “Nếu kết tội bị cáo tham ô tài sản thì hình phạt lương tâm, đạo đức nặng nề hơn bản án tử hình pháp luật quy buộc. Bị cáo mong HĐXX xem xét để bị cáo tù đày cũng được thanh thản”.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư