Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 09 tháng 05 năm 2024,
Đã đến lúc kích cầu đầu tư và tiêu dùng
Hà Thành - 29/06/2013 21:27
 
“Phải có cơ chế, chính sách để tăng sức mua, nhằm thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong ngắn hạn, khơi thông tín dụng, để có được tốc độ tăng trưởng hợp lý”, ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 đã đề xuất, đáp lại lời “kêu gọi” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng về việc muốn nghe ý kiến đóng góp của các địa phương về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội trong 6 tháng cuối năm. >>> Nguy cơ tăng trưởng thấp

“Tinh thần chung là Chính phủ quyết tâm thực hiện mục tiêu đề ra, không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng (5,5%)”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định như vậy, sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo, GDP 6 tháng đầu năm chỉ tăng trưởng 4,9% và với kết quả này, có thể, năm nay, kinh tế chỉ tăng trưởng khoảng 5,1 - 5,15%.

Cần có cơ chế, chính sách để tăng sức mua, nhằm thực hiện kích cầu đầu tư và tiêu dùng trong ngắn hạn

“Nhưng cũng còn một phương án thứ hai, nếu chúng ta nỗ lực tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, kinh tế vẫn có thể tăng trưởng 5,5%”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.

Thực tế cho thấy, dù sản xuất công nghiệp đã có dấu hiệu tích cực hơn, song nền kinh tế vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. GDP tăng trưởng khá thấp.

Lạm phát cho tới tháng 6, mới đang ở mức 2,4% - con số thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, mặt trái của con số này chính là việc, tổng cầu của nền kinh tế thấp, sức mua hồi phục chậm.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ chỉ tăng 4,9%, sau khi đã trừ đi yếu tố giá cả, thấp hơn nhiều so với con số 6,7% của cùng kỳ năm ngoái - năm mà sức mua đã bắt đầu có dấu hiệu suy giảm.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư toàn xã hội 6 tháng đầu năm ước thực hiện 448.600 tỷ đồng, bằng 43,9% kế hoạch. Trong đó, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước đạt 88.500 tỷ đồng, đạt 50,6% kế hoạch; vốn trái phiếu chính phủ ước đạt 19.800 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch; vốn tín dụng đầu tư của nhà nước ước đạt 13.900 tỷ đồng, đạt 23,2%… “Đây là mức thực hiện đầu tư còn thấp, ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thừa nhận.

Vì thế, dễ hiểu vì sao, ông Nguyễn Thế Thảo đã đề xuất giải pháp kích cầu. Và đây còn là đề xuất từ nhiều lãnh đạo các địa phương khác.

Thậm chí, một cách thẳng thắn, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBDN TP.HCM - đầu tàu kinh tế cả nước - đã kiến nghị Chính phủ và Bộ Tài chính tạm thời gia hạn khoản vay ngân sách 2.000 tỷ đồng, để Thành phố có nguồn lực cho đầu tư phát triển và tập trung xử lý một loạt vấn đề liên quan đến hàng tồn kho, nợ xấu, cũng như tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường.

“Hiện TP.HCM đã giải quyết được 2.100/14.000 căn hộ tồn kho và chúng tôi sẽ nỗ lực thực hiện trong thời gian tới”, ông Quân nói và đề xuất rằng, để tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, cũng cần từng bước tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.

“Cần kiểm soát chặt nông sản nhập khẩu, tạo điều kiện tiêu thụ nông sản cho nhà nông. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu xem đâu là lĩnh vực sản xuất hàng xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có tỷ lệ gia công lớn, để giúp doanh nghiệp trong nước đầu tư chiều sâu”, ông Quân nói.

Đồng quan điểm, ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước đang diễn biến rất khó lường, phải đưa ra các giải pháp tích cực hơn để nền kinh tế có thể lấy lại đà tăng trưởng.

“Lâu nay, chúng ta thảo luận nhiều về mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, dựa nhiều vào đầu tư và muốn chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nhưng trong tình hình hiện nay, nên có giải pháp để huy động tất cả các nguồn lực vào đầu tư phát triển. Hiện còn nhiều nguồn lực trong dân, chưa được huy động hết”, ông Thanh nói.

Liên quan đến các giải pháp hỗ trợ hệ thống doanh nghiệp, ông Thanh cho rằng, cần kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tập trung xử lý nợ xấu và có giải pháp để hệ thống doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn.

Trong khi đó, ông Mai Văn Ninh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa thì thẳng thắn đề xuất, nên bắt đầu nới lỏng chính sách tài khóa, bên cạnh việc thực hiện linh hoạt chính sách tiền tệ. “Nên dành tiền để đầu tư cho các dự án trọng điểm, giải ngân nguồn vốn ODA. Làm được vậy, vừa cứu được doanh nghiệp ngành xây dựng, vừa kích cầu nội địa, tác động tăng trưởng kinh tế”, ông Ninh nói và bày tỏ quan điểm rằng, có thể tăng đầu tư sẽ tác động đến lạm phát.

“Nhưng tôi đồng ý với quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có thể ngưỡng lạm phát hợp lý là khoảng 7%”, ông Ninh nhấn mạnh.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư