Thứ Ba, Ngày 22 tháng 07 năm 2025,
Rõ dần phương án đầu tư tuyến cao tốc kết nối rừng và biển
Anh Minh - 22/07/2025 08:15
 
Tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk, đoạn từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến Quốc lộ 14 có chiều dài 122 km, quy mô 4 làn xe sẽ mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh Đắk Lắk sau sáp nhập.
Dự án Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk được kiến nghị đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT

Tuyến đường “3 kết nối”

Vừa có thêm chuyển động liên quan đến việc triển khai đầu tư cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk (trục đường bộ được đánh giá là công trình hạ tầng chiến lược “3 kết nối”: Đông - Tây, rừng với biển và hạ tầng giao thông của vùng Tây Nguyên với duyên hải miền Trung).

Trong Công văn số 6765/BXD-KHTC gửi UBND tỉnh Đắk Lắk mới đây, Bộ Xây dựng đưa ra những chỉ dẫn để địa phương này hoàn chỉnh phương án đầu tư tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk theo phương thức đối tác công - tư (PPP).

Trước đó, tại Công văn số 5830/VPCP-CN, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Phú Yên, UBND tỉnh Đắk Lắk và các cơ quan liên quan, căn cứ Nghị định số 144/2025/NĐ-CP quy định về phân quyền, phân cấp trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng, Nghị định số 71/2025/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư PPP; chỉ đạo của Thủ tướng và quy định của pháp luật có liên quan để xem xét đề xuất, kiến nghị về phương án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk của UBND liên tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên.

“Bộ Xây dựng làm rõ việc điều chỉnh quy hoạch và giao cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án theo đúng thẩm quyền, bảo đảm tiến độ, hiệu quả; báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền”, Công văn số 5830/VPCP-CN lưu ý.

Trong Công văn số 6765/BXD-KHTC, Bộ Xây dựng cho biết, tại Nghị quyết số 202/2025/QH15 ngày 12/6/2025 của Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó 2 tỉnh Phú Yên và Đắk Lắk đã được sáp nhập thành tỉnh mới có tên là tỉnh Đắk Lắk kể từ ngày 1/7/2025.

“Vì vậy, để có cơ sở nghiên cứu, xử lý các kiến nghị của địa phương, Bộ Xây dựng đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk rà soát, cập nhật và báo cáo cụ thể về phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk”, ông Bùi Xuân Dũng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng lưu ý.

Sau khi sáp nhập với Phú Yên, tỉnh Đắk Lắk (mới) có diện tích hơn 18.000 km2. Tổng dân số của địa phương là hơn 3 triệu người, với 102 xã, phường mới được thành lập. Trung tâm hành chính đặt tại tỉnh Đắk Lắk hiện nay.

Được biết, có 5 nội dung mà cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực xây dựng và đầu tư kết cấu đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk hoàn thiện phương án đầu tư tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk theo phương thức PPP.

Một là, các căn cứ pháp lý liên quan đến việc đề xuất phương án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk theo phương thức PPP, trong đó có quy định giao địa phương là cơ quan có thẩm quyền đầu tư dự án.

Hai là, sự cần thiết đầu tư, mục tiêu của dự án nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh của địa phương để đề xuất đầu tư tuyến đường giai đoạn trước năm 2030.

Ba là, đánh giá, phân tích lợi thế đối với dự án khi đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT so với những phương thức đầu tư khác.

Bốn là, tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án đảm bảo phù hợp quy định, trong đó có thể tham khảo suất đầu tư của Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 219/2025/QH15 ngày 27/6/2025 do 2 dự án có địa điểm, chiều dài, quy mô, tính chất tương đồng.

Cụ thể, theo chủ trương đầu tư vừa được cấp có thẩm quyền thông qua, tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku có chiều dài khoảng 125 km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có sơ bộ tổng mức đầu tư 43.734 tỷ đồng.

Năm là, dự kiến nguồn vốn và khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư dự án, bao gồm khả năng bố trí nguồn lực của địa phương để tham gia đầu tư.

Đại diện Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam (VARSI) cho biết, các nội dung vừa được Bộ Xây dựng yêu cầu làm rõ hoặc bổ sung chính là những thông số cơ bản giúp cấp có thẩm quyền có cơ sở xem xét, quyết định đầu tư.

“Do Dự án Đầu tư tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk dự kiến được triển khai đầu tư theo phương thức PPP, nên những vấn đề liên quan đến thông số tài chính, suất đầu tư, phần vốn tham gia của Nhà nước… cần phải tính toán kỹ để đảm bảo tính khả thi trong quá trình triển khai”, đại diện VARSI chia sẻ.

Ưu tiên phương án PPP

Giữa tháng 6/2025, UBND liên tỉnh Phú Yên - Đắk Lắk đã có Tờ trình số 141/LT- ĐL-PY đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép điều chỉnh tiến trình đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk trước năm 2030 và điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01) trong Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Lãnh đạo 2 tỉnh kiến nghị người đứng đầu Chính phủ chấp thuận Dự án Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk theo phương án đầu tư theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT và bổ sung Dự án vào danh mục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

“Giao UBND tỉnh Phú Yên (trong thời gian trước khi sáp nhập tỉnh) và UBND tỉnh Đắk Lắk mới (khi sáp nhập tỉnh) là cơ quan có thẩm quyền thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk, đoạn từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến Quốc lộ 14”, Tờ trình số 141/LT- ĐL-PY nêu rõ.

Được biết, tại Quy hoạch Mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk (ký hiệu CT.23) dài khoảng 220 km, có điểm đầu tại cảng Bãi Gốc, tỉnh Phú Yên; điểm cuối tại cửa khẩu Đắk Ruê, tỉnh Đắk Lắk.

Hiện nay, đoạn từ cảng Bãi Gốc đến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01), thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên (trước sáp nhập) có chiều dài khoảng 10 km đi qua khu dân cư, khu đô thị, Khu kinh tế Nam Phú Yên đã được đầu tư cơ bản hoàn thành với quy mô 4 làn xe để phục vụ nhu cầu vận tải của địa phương và kết nối cảng Bãi Gốc và các khu lực lân cận trong Khu kinh tế Nam Phú Yên. Do vậy, 2 địa phương cho rằng, không cần thiết đầu tư đoạn tuyến cao tốc qua khu vực này.

Bên cạnh đó, việc đầu tư toàn tuyến cao tốc CT.23 chưa mang lại tính khả thi do đoạn tuyến từ Quốc lộ 14 đến cửa khẩu Đắk Ruê có lưu lượng giao thông thấp và chưa thực sự cấp thiết đối với quá trình vận chuyển hàng hóa, lưu thông trên địa bàn.

Vì vậy, tại Tờ trình số 141/LT- ĐL-PY, 2 tỉnh kiến nghị ưu tiên đầu tư tuyến đường cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk đoạn từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến Quốc lộ 14 với tiến trình đầu tư trước năm 2030. Cụ thể, Dự án Đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk có tổng chiều dự kiến khoảng 122 km với điểm đầu giao với cao tốc Bắc - Nam phía Đông; điểm cuối giao với Quốc lộ 14.

Tuyến được đầu tư theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, có làn dừng khẩn cấp liên tục, bề rộng nền đường 24,75 m; tốc độ thiết kế 100 km/h. Trên tuyến cao tốc được bố trí đầy đủ các nút giao liên thông theo quy chuẩn, tiêu chuẩn thiết kế đường bộ cao tốc nhằm kết nối các trung tâm kinh tế chính trị, khu công nghiệp, khu kinh tế, kết nối các hành lang kinh tế, mở ra không gian phát triển mới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của Dự án khoảng 29.655 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay trong thời gian xây dựng), trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là 3.366 tỷ đồng; chi phí xây dựng, thiết bị là 20.895 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác 1.672 tỷ đồng; chi phí dự phòng 3.722 tỷ đồng.

Hai tỉnh Phú Yên, Đắk Lắk kiến nghị thực hiện chuẩn bị đầu tư Dự án từ năm 2025 đến năm 2026; thực hiện đầu tư xây dựng từ năm 2026 đến năm 2029.

Theo đánh giá của 2 địa phương nay đã sáp nhập thành tỉnh Đắk Lắk, nếu triển khai Dự án theo phương thức PPP, sẽ mang lại nhiều lợi thế như huy động được nguồn lực xã hội, giảm áp lực vốn ngân sách nhà nước; tận dụng được thế mạnh về công nghệ và kinh nghiệm quản lý từ khối tư nhân; phân chia rủi ro hợp lý giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong quá trình đầu tư và khai thác dự án.

“Để đảm bảo hiệu quả về tài chính và thuận lợi trong việc thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước theo phương thức đối tác công - tư, rút ngắn thời gian hoàn vốn thì tỷ lệ % vốn giữa Nhà nước và nhà đầu tư sẽ được nghiên cứu chi tiết trong quá trình triển khai bước tiếp theo sau khi Dự án được chấp thuận phương án đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT”, Tờ trình số 141/LT- ĐL-PY nêu rõ.

Tổng diện tích đất trong phạm vi đất của Dự án Đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk khoảng 987,54 ha, trong đó đất ở khoảng 20,7 ha (số hộ bị ảnh hưởng khoảng 391 hộ); đất trồng cây hàng năm khoảng 455,36 ha; đất trồng cây lâu năm khoảng 337,55 ha; đất rừng đặc dụng khoảng 25,35 ha; đất rừng sản xuất 101,21 ha; đất khác khoảng 47,37 ha.

Trong các bước triển khai tiếp theo, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật tiên tiến trong thiết kế và thi công như cầu cạn, tường chắn có cốt, hầm, cầu nhịp lớn…, để giảm thiểu phạm vi chiếm dụng, diện tích ảnh hưởng đến đất rừng.
Đầu tư 29.655 tỷ đồng xây cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk theo phương thức PPP
Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk, đoạn từ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến Quốc lộ 14 theo phương thức PPP có chiều dài...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư