Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 20 tháng 05 năm 2024,
Nguy cơ tăng trưởng thấp
Hà Nguyễn - 29/06/2013 21:18
 
Nền kinh tế đang đứng trước nguy cơ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn mục tiêu đề ra và có thể sẽ là năm thứ hai liên tiếp rơi vào tình trạng này.
TIN LIÊN QUAN

Con số ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước chỉ đạt 4,9% sau 6 tháng đầu năm mà Tổng cục Thống kê vừa công bố - mức hụt khá xa so với mục tiêu 5,5% của cả năm 2013 - cộng thêm dự báo GDP có thể chỉ tăng 5,5 - 5,6% trong nửa cuối năm nay mà lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 6 diễn ra trong hai ngày 27 - 28/6/2013 cho thấy những tín hiệu rất đáng lo ngại. Bởi vì, nếu dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đúng, thì tốc độ tăng trưởng GDP của cả năm 2013 có thể chỉ đạt 5,1 - 5,15%.

Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội Khóa XIII vừa bế mạc ngày 21/6/2013, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đã bày tỏ sự lo ngại về việc nền kinh tế năm nay sẽ rất khó đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Rõ ràng, với vai trò là một năm “bản lề” trong Kế hoạch Phát triển kinh tế-xã hội 2011-2015, việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2013 có ý nghĩa rất quan trọng.

Ở tầm nhìn ngắn hạn hơn, việc không hoàn thành mục tiêu của năm 2013 sẽ gây áp lực không nhỏ đến khả năng thực hiện mục tiêu cho năm tiếp theo, đặc biệt trong bối cảnh Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 25/6/2013 về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2014.

Theo đó, mục tiêu tổng quát của năm 2014 là đẩy nhanh sự phát triển của nền kinh tế đi đôi với việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6% và kiềm chế lạm phát ở mức khoảng 7%.

Có thể nói, nguy cơ tăng trưởng thấp là khá rõ và hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu các giải pháp mà Chính phủ đã đề ra từ đầu năm không được thực thi quyết liệt.

Đây không phải là lần đầu tiên trong năm nay, cũng như nhiều năm trước, chứ “nếu” này thể hiện ý nghĩa quyết định của nó. Nhìn lại các Nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và Dự toán ngân sách Nhà nước năm 2013 và một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, chứ “nếu” này càng không phải chỉ mang ý nghĩa giả thiết.

Rõ ràng, khi mà các giải pháp đều đã có, ý chí chính trị cũng rất cao trong việc quyết tâm vực dậy nền kinh tế, vấn đề đặt ra là làm sao nhanh chóng đưa chính sách vào cuộc sống và phát huy được hiệu quả để doanh nghiệp và người dân thực sự được hưởng lợi từ gói hỗ trợ của Chính phủ. Ở giác độ này, tháng 6 là thời điểm rất thích hợp và quan trọng để đánh giá lại các chủ trương, giải pháp của Chính phủ đã được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đến mức nào để qua đó có những sự điều chỉnh và thúc đẩy cần thiết.

Tháng 6 cũng là thời điểm phù hợp để các bộ, ngành, địa phương cùng đánh giá lại hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành trong phạm vi trách nhiệm của mình trên hàng loạt phương diện, đặc biệt là ở các khâu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh việc thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là các nguồn vốn từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Một điểm đáng lưu ý là từ năm 2008, nông nghiệp thường được xác định là chỗ dựa của nền kinh tế khi chịu tác động của khủng hoảng. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực nông, lâm, thủy sản chỉ đạt mức tăng trưởng 2,07% trong 6 tháng đầu năm, thấp hơn đáng kể so với mức 2,88% cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ tăng chậm lại này cần được lưu ý và sớm có giải pháp phù hợp để lấy lại được những hiệu ứng tích cực.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư