Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 19 tháng 09 năm 2024,
Đà Nẵng chật vật thành lập khu công nghiệp mới
Nguyễn Toàn - 20/10/2022 15:39
 
Quỹ đất trống tại các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu sắp “cạn”, nhưng việc thành lập 3 KCN mới tại Đà Nẵng vẫn chưa thể “lăn bánh”.
KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) hiện đã lấp đầy và nằm lọt thỏm trong khu dân cư
KCN Hòa Khánh (quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) hiện đã lấp đầy và nằm lọt thỏm trong khu dân cư

Nhiều KCN không còn quỹ đất trống

TP. Đà Nẵng hiện có 6 KCN với tổng diện tích hơn 1.160,18 ha, gồm KCN Đà Nẵng, KCN Hòa Khánh, KCN Hòa Khánh mở rộng, KCN Liên Chiểu, KCN Hòa Cầm và KCN Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng.

Đến nay, 3 KCN (Hòa Khánh, Dịch vụ Thủy sản Đà Nẵng và Đà Nẵng) đã lấp đầy 100% diện tích đất công nghiệp. KCN Hòa Cầm còn 12,5 ha đất công nghiệp (chưa xây dựng hạ tầng); KCN Hòa Khánh mở rộng chỉ còn 7,05 ha đất công nghiệp; KCN Liên Chiểu còn 87,47 ha đất công nghiệp đã có hạ tầng và 30,29 ha đất công nghiệp chưa xây dựng hạ tầng.

Dẫn số liệu nói trên, Ban Quản lý Khu công nghệ cao và các KCN Đà Nẵng (DHPIZA) cho rằng, quỹ đất công nghiệp “sạch” có thể bố trí cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tại TP. Đà Nẵng hiện không còn nhiều.

Trong khi đó, các nhà đầu tư muốn tiếp cận quỹ đất lớn để thực hiện dự án có quy mô tại Đà Nẵng cũng gặp vướng mắc. Lý do là, Thành phố đang tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra. Điều này ảnh hưởng đến việc thu hút trực tiếp các dự án có quy mô sản xuất lớn, sử dụng nhiều đất.

Bởi vậy, theo DHPIZA, việc thành lập các KCN mới là nhu cầu cấp thiết hiện nay để phục vụ công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Loay hoay trên… giấy

Từ năm 2019, UBND TP. Đà Nẵng ban hành các quyết định quy hoạch các dự án KCN mới, gồm KCN Hòa Cầm giai đoạn II tại phường Hòa Thọ Tây (Cẩm Lệ) và xã Hòa Nhơn (Hòa Vang) với diện tích 120 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 2.179,9 tỷ đồng; KCN Hòa Ninh tại xã Hòa Ninh (Hòa Vang) với diện tích 400 ha, tổng vốn đầu tư 6.799,9 tỷ đồng.

Mới nhất, KCN Hòa Nhơn được phê duyệt quy hoạch tháng 12/2019, tại xã Hòa Nhơn - Hòa Sơn (Hòa Vang) với diện tích 360 ha, tổng vốn đầu tư 6.867,6 tỷ đồng.

Trên cơ sở này, tháng 4/2020, DHPIZA đã tổ chức sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với 3 dự án KCN mới theo hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế. Đã có nhiều nhà đầu tư tham dự, nhưng không nhà đầu tư nào trúng tuyển.

UBND TP. Đà Nẵng đã thông báo hủy thầu đối với bước sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư dự án, với lý do: tất cả hồ sơ tham dự không đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời sơ tuyển.

Sau đó 2 năm, chỉ có Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Hòa Cầm giai đoạn II (Dự án KCN Hòa Cầm giai đoạn II) được chính thức thông báo mời nhà đầu tư quan tâm nộp hồ sơ đăng ký, với chi phí điều chỉnh tăng lên 2.246 tỷ đồng, nhưng thời gian nộp hồ sơ vỏn vẹn chưa tới 1,5 tháng (bắt đầu ngày 19/8/2022, kết thúc ngày 30/9/2022).

Về kết quả mời thầu, ông Nguyễn Xuân Đại, Trưởng phòng Quản lý, xúc tiến và hỗ trợ đầu tư (thuộc DHPIZA) cho biết, đến ngày 7/10/2022, có một số nhà đầu tư quan tâm và tham gia nộp hồ sơ. DHPIZA đang đánh giá hồ sơ theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản pháp luật có liên quan, sẽ trình cấp thẩm quyền xem xét quyết định kết quả trong thời gian tới.

Đáng lưu ý, trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã chỉ đạo, việc lựa chọn nhà đầu tư hạ tầng dự án này cần hoàn thành trước ngày 15/11/2022.

Câu hỏi đặt ra là, thời gian từ nay đến mốc 15/11/2022 chỉ còn gần 1 tháng liệu có đủ để DHPIZA thực hiện việc lựa chọn?

Trong khi Dự án KCN Hòa Cầm giai đoạn II đang “lựa chọn” nhà đầu tư, 2 dự án KCN còn lại vẫn tiếp tục “tháo gỡ vướng mắc”.

Cụ thể, ông Đại cho hay, đối với Dự án KCN Hòa Ninh, DHPIZA dự kiến hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư trong quý IV/2022.

Đối với Dự án KCN Hòa Nhơn, DHPIZA đã có công văn gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để hỗ trợ, điều chỉnh quy mô KCN Hoà Nhơn trong phương án phát triển các KCN trong quy hoạch tỉnh và công văn gửi Sở Xây dựng để chỉ đạo Viện Quy hoạch lập ranh giới KCN Hoà Nhơn điều chỉnh theo chủ trương của UBND TP. Đà Nẵng.

“Sau khi có quy hoạch điều chỉnh, Ban Quản lý sẽ tham mưu UBND TP. Đà Nẵng trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo ý kiến chỉ đạo của UBND TP. Đà Nẵng”, ông Đại thông tin.

Để đón đầu hiệu quả làn sóng chuyển dịch đầu tư và hoàn thiện môi trường đầu tư tại TP. Đà Nẵng, ông Lê Hồng Chương, đại biểu HĐND TP. Đà Nẵng cho rằng, việc tập trung tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục để đẩy mạnh đầu tư các KCN, cụm công nghiệp mới trên địa bàn là một trong những nội dung quan trọng cần được quan tâm, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Nhưng thực tế, không khó để nhận ra, tiến độ “tháo gỡ vướng mắc” liên quan đến Dự án KCN Hòa Ninh và KCN Hòa Nhơn từ đầu năm đến nay chưa có “đột phá”.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng đánh giá, chủ trương đầu tư, phát triển mới các khu, cụm công nghiệp là đúng đắn và cần quyết liệt triển khai; phải đeo bám, tập trung xử lý dứt điểm các vướng mắc. “Chúng ta nên tham khảo cách làm của các địa phương khác. Vì sao địa phương khác làm nhanh, mà Đà Nẵng động vào cái gì cũng khó khăn?”, ông Triết đặt câu hỏi.

Đà Nẵng yêu cầu quyết liệt giải ngân vốn đầu tư công
Thành phố Đà Nẵng yêu cầu quyết liệt hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án để tăng tỷ lệ giải ngân kế hoạch...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư