Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 18 tháng 05 năm 2024,
Quy hoạch Đà Nẵng kiến tạo đô thị đáng sống chuẩn quốc tế
Đà Nẵng: Định vị là trung tâm du lịch quốc tế
Hoài Thanh - 25/11/2023 08:25
 
Các dòng sản phẩm dịch vụ cao cấp, siêu sang… tiếp tục được Đà Nẵng xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển dịch vụ chất lượng cao.
Cầu Vàng - công trình đã góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng đến
Cầu Vàng - công trình đã góp phần đưa Đà Nẵng trở thành thành phố đáng đến.

Xây dựng hình ảnh khác biệt

Không ngẫu nhiên mà trong Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt tại Quyết định số 1287/QĐ-TTg ngày 2/11/2023 đã đưa ngành du lịch đứng đầu trong nội dung Quy hoạch. Một lần nữa khẳng định, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, có vai trò rất lớn đối với sự phát triển của Đà Nẵng, trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến định hướng phát triển của những ngành, lĩnh vực khác như phát triển đô thị, công nghiệp, hạ tầng…

Theo Quy hoạch, đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, điểm đến sáng tạo của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á về tổ chức sự kiện, du lịch MICE, du lịch khám chữa bệnh và du lịch nghỉ dưỡng. Đến năm 2050, Đà Nẵng đặt mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu châu Á, là một trong những trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái cao cấp, sáng tạo, xanh, thông minh và tổ chức hội nghị, sự kiện mang tầm quốc tế.

Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng nhìn nhận, để đi đến mục tiêu trên, Đà Nẵng sẽ lựa chọn phát triển những loại hình dịch vụ du lịch có chất lượng đẳng cấp quốc tế, có hình ảnh khác biệt với các đối thủ trong khu vực. Đà Nẵng hướng đến trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với du khách và trọng tâm là thu hút khách từ các nước phát triển để đảm bảo nguồn thu du lịch bền vững, đảm bảo du lịch có giá trị lan toả lớn.

Theo ông Chinh, bên cạnh phát triển các sản phẩm du lịch, Đà Nẵng cần lựa chọn nhóm sản phẩm đặc trưng dựa trên tiềm năng, lợi thế của Thành phố. Phát triển du lịch với tư duy sáng tạo đột phá kết hợp với ứng dụng công nghệ, gắn với thiên nhiên, văn hoá lịch sử truyền thống nhằm tạo nên sự đa dạng.

Du lịch Đà Nẵng xác định 5 nhóm sản phẩm trụ cột, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng, đó là, Nhóm sản phẩm du lịch tuyến biển cao cấp; Nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; Điểm du lịch MICE; Du lịch đô thị, là thành phố động lực, trung tâm của khu vực, thu hút du khách đến vui chơi, mua sắm, học hành, y tế...; Cuối cùng là du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía Tây TP. Đà Nẵng.

“Nhóm sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Nẵng sẽ ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch biển và nghỉ dưỡng cao cấp. Theo đó, Đà Nẵng sẽ tập trung mở rộng không gian du lịch biển sang khu vực Vịnh Đà Nẵng với sản phẩm du lịch 4.0 đa dạng - đẳng cấp - khác biệt và sáng tạo” ông Chinh nhấn mạnh.

Đi sâu phân tích về nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, quy hoạch Đà Nẵng cũng chỉ rõ các sản phẩm đặc thù cần phát triển.

Cụ thể, Đà Nẵng hướng đến trở thành “điểm đến du lịch thể thao biển” thông qua việc tổ chức các sự kiện thể thao biển quốc tế. Đồng thời thu hút các thương hiệu khách sạn, khu nghỉ dưỡng “siêu sang” để tạo giá trị thương hiệu và sự khác biệt về thiết kế, chất lượng...

Phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo sự khác biệt cho Đà Nẵng cũng được luận giải thông qua việc phát triển các sản phẩm du lịch đô thị gắn với mua sắm, vui chơi, giải trí và du lịch MICE. Theo định hướng này, Đà Nẵng sẽ phát huy giá trị thương hiệu “điểm đến sự kiện - lễ hội” thông qua việc đẩy mạnh hoạt động văn hoá lễ hội hai bên bờ sông Hàn, hoạt động nghệ thuật đường phố…

Định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng trong tương lai gắn liền với thị trường khách du lịch quốc tế. Việc xác định thị trường khách du lịch sẽ giúp Đà Nẵng định hình được hướng phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực cũng như hạ tầng du lịch.

Liên quan đến vấn đề này, Quy hoạch Đà Nẵng vừa được Chính phủ phê duyệt đã xác định rõ thị trường trọng điểm cho du lịch Đà Nẵng là 2 khu vực Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng xác định thị trường tiềm năng là Tây Âu, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Australia…

Định hướng phát triển

Trên thực tế, trong suốt chặng đường phát triển của mình, Đà Nẵng đã xác định du lịch và dịch vụ là ngành kinh tế mũi nhọn, là hướng phát triển chủ lực cho Thành phố trong tương lai. Chính định hướng này đã hiệu chỉnh kịch bản thu hút đầu tư vào Đà Nẵng trong nhiều thập kỷ qua, đó là, “nói không” với công nghiệp nặng, tổn thương đến môi trường, ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao, phát triển công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số.

Ngay từ thập niên 90, Đà Nẵng là một trong những địa phương tiên phong trong việc ưu tiên thu hút các dự án hạ tầng du lịch ven biển, với “giấc mơ” đưa Đà Nẵng trở thành thiên đường nghỉ dưỡng sánh ngang với Phuket (Thái Lan), Bali (Indonesia)… Và giấc mơ đó dần thành hiện thực, khởi đầu chỉ có mỗi khu nghỉ dưỡng 5 sao Furama Resort, đến nay, hàng loạt khu nghỉ dưỡng cao cấp đã hình thành như Hyatt Regency, Vinpearl Đà Nẵng, BRG Đà Nẵng… Những thương hiệu này dần định hình chuỗi nghỉ dưỡng hạng sang tại Đà Nẵng.

Nói đến thành phố sự kiện không thể không nhắc đến Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng do Tập đoàn Sun Group phối hợp với TP. Đà Nẵng tổ chức đã tạo nên tên tuổi lớn cho thành phố bên sông Hàn.

Đặc biệt, năm 2017, Đà Nẵng tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC tạo nên sức lan toả rất lớn cho Thành phố trong mắt bạn bè quốc tế. Nhận định về phát triển du lịch Đà Nẵng, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng cho rằng, “Đà Nẵng giờ đây không chỉ xác định là điểm đến quốc gia, mà là điểm đến khu vực". Theo ông Dũng, du lịch Đà Nẵng xác định 5 nhóm sản phẩm trụ cột, để khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng, đó là, Nhóm sản phẩm du lịch tuyến biển cao cấp; Nhóm sản phẩm về văn hóa, lịch sử; Điểm du lịch MICE; Du lịch đô thị, là thành phố động lực, trung tâm của khu vực, thu hút du khách đến vui chơi, mua sắm, học hành, y tế...; Cuối cùng là du lịch sinh thái rừng núi, sông hồ đang phát triển ở phía Tây TP. Đà Nẵng.

Đà Nẵng gắn liền với tên gọi “thành phố đáng sống”. Dưới góc độ này, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính cho rằng, để trở thành thành phố đáng sống, trước hết, Đà Nẵng phải là một đô thị toàn cầu. Theo vị kiến trúc sư này thì cần xây dựng Đà Nẵng thành đô thị đáng sống không chỉ cho người Việt Nam mà cả doanh nhân, tỷ phú thế giới.

Định hướng phát triển du lịch Đà Nẵng đã tác động đáng kể để hình hài đô thị Đà Nẵng. Đương nhiên, trong những thập kỷ qua, Đà Nẵng phát triển đô thị luôn lấy tiêu chí xanh, sạch thân thiện môi trường để thu hút đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã đến Đà Nẵng và góp sức rất lớn cho hình hài Đà Nẵng ngày hôm này, trong đó tiên phong phải kể đến Tập đoàn Sun Group. Sự hiện diện của Sun Group đã mang cho Đà Nẵng một không gian đô thị du lịch hiện hữu, điều đó được nhận thấy rõ qua các khu du lịch như Bà Nà Hills, Khu đô thị sinh thái Hoà Xuân, Công viên Á Châu…

Bà Nguyễn Ngọc Thúy Linh, Tổng giám đốc Sun Property (Tập đoàn Sun Group) chia sẻ: “Một thành phố đáng đến chưa chắc đã đáng sống, nhưng đáng sống thì chắc chắn đáng đến”. Khi lựa chọn Đà Nẵng là nơi đầu tiên khởi nghiệp tại Việt Nam, trong suốt 15 năm qua, Tập đoàn Sun Group đã góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố đáng đến thông qua hai hệ sinh thái vui chơi giải trí và du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.

“Những công trình, hoạt động, sự kiện do hai thương hiệu đó của Sun Group đã tạo ấn tượng sâu sắc, giúp thế giới biết đến Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng”, bà Thúy Linh nói.

Bà Thúy Linh nhấn mạnh: “Chúng tôi đã và đang thực hiện sứ mệnh góp phần đưa Đà Nẵng thực sự khẳng định là thành phố đáng đến. Thời điểm này, Sun Group nhận thấy thương hiệu thứ 3 của chúng tôi là Sun Property, thương hiệu bất động sản gắn liền với du lịch nghỉ dưỡng cần phải phát huy thế mạnh, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố đáng sống”.

Có thể đến năm 2030 hoặc xa hơn là năm 2050, Đà Nẵng hiện hữu sẽ là một thành phố đầy công nghệ, nơi đó chỉ dành riêng cho du lịch, là điểm đến cho giới thượng lưu và quan trọng hơn, trên bản đồ du lịch thế giới, Đà Nẵng sẽ có tên gọi gắn liền với du lịch hơn, một thành phố đáng sống chuẩn quốc tế. Niềm tin tương lai sẽ thành hiện thực, bởi lẽ, những gì Đà Nẵng đã và đang làm trong hơn ba thập kỷ qua đã dần định hình, Đà Nẵng sẽ là trung tâm du lịch quốc tế.

Đà Nẵng sẽ có 7 cực, trung tâm phát triển kinh tế - xã hội
Quy hoạch thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã định hướng Đà Nẵng sẽ hình thành các cực, trung tâm phát triển kinh...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư