Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đà Nẵng sẽ tổ chức đối thoại với doanh nghiệp về giá đất
Sơn Thuận - 12/10/2023 06:24
 
Nhiều doanh nghiệp tại Đà Nẵng bày tỏ giá cho thuê đất cao ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức đối thoại để tìm hướng tháo gỡ.

Giá thuê đất quá cao

Tại Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp năm 2023 vừa được UBND TP. Đà Nẵng tổ chức chiều ngày 11/10, giá tiền thuê đất cao  được nhiều doanh nghiệp phản ánh.

Công ty TNHH Sao Việt Non Nước
Chính quyền TP. Đà Nẵng kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH Sao Việt Non Nước trong sáng ngày 11/10. Nguồn: danang.gov.vn.

Ông Nguyễn Mạnh Trung, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, đại diện cho các doanh nghiệp đang đầu tư các khách sạn, resort ven biển tại TP. Đà Nẵng cho biết, vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải là vấn đề giá đất.

Theo đó, doanh nghiệp đã đầu tư vào TP. Đà Nẵng từ cách đây 15 năm nhưng sau 3 kỳ, giá đất đã tăng lên 30 - 50 % lần; từ 2010 - 2014 giá đất tăng 2 lần, 2015 - 2019 tăng 4 lần, trong năm 2020 - 2024 tăng thêm 4 lần nữa.

Doanh nghiệp cũng ghi nhận TP. Đà Nẵng đã hết sức hỗ trợ giảm tất cả hệ số tính tiền thuê đất thế nhưng hiện nay giá đất vẫn tăng lên “khủng khiếp”. Chính vì vậy, tất cả doanh nghiệp ven biển hiện đang rất khó khăn. “Hiện nay, số doanh nghiệp, số dự án ven biển đóng cửa rất nhiều”, ông Trung nêu thực tế.

Trong các năm 2020 - 2022, tình trạng nhiều doanh nghiệp không có doanh thu nhưng vẫn phải đóng tiền thuê đất, nhiều doanh nghiệp doanh thu không đủ để trả tiền thuê đất.

“Khách sạn Melia Đà Nẵng doanh thu 2022 là 37 tỷ đồng, tiền thuê đất (28 tỷ đồng) sau khi giảm 30% là gần 20 tỷ đồng. Tiền thuê đất chiếm hơn 50% thì chúng tôi nghĩ doanh nghiệp không tồn tại được”, chủ doanh nghiệp này lo lắng.

Ngoài vấn đề tiền thuê đất giá rất cao, theo ông Trung còn nhiều vấn đề “không hợp lý”

Theo đó, 70% diện tích đất là cảnh quan, cây xanh, đường giao thông nhưng doanh nghiệp phải trả tiền thuê đất như đất thương mại dịch vụ khác trong khi mật độ xây dựng, hệ số sử dụng đất đều thấp (đất xây dựng công trình).

Cùng với đó, theo doanh nghiệp này, giá đất thị trường – đất ở đã giảm 40 - 50%, nhưng TP. Đà Nẵng lấy giá đất cơ sở năm 2019 và bắt đầu áp dụng từ năm 2020. Do vậy, TP. Đà Nẵng nên “xem lại” định giá đất.

Do vậy, doanh nghiệp mong muốn chính quyền Thành phố đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn về vấn đề tiền thuê đất, tránh tình trạng doanh nghiệp đóng cửa hàng loạt

Cùng chung mối quan tâm, bà Huỳnh Thị Kim Lương, Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Đà Nẵng cho biết, sau khi được ký gia hạn thời gian sử dụng đất (vào tháng 12/2022), hàng loạt thông báo của Cục Thuế đẩy mức giá thuê đất “thực sự khiến doanh nghiệp choáng”.

Theo bà Lương, đơn giá cố định đối với lô đất của Khách sạn Thanh Bình đã tăng lên gấp 3 lần. Với số tiền hồi tố 10 tỷ tại thời điểm 2022 (cho bắt đầu từ năm 2019), thực sự 2 năm dịch doanh nghiệp đã kiệt quệ rồi.

“Con số 10 tỷ đồng, được giảm 30% so với con số tăng lên 300% đối với doanh nghiệp là quá sức tưởng tượng, cứ làm được đồng nào là nộp ngân sách đồng đó. Hiện tại, chúng tôi đã nộp hết tạm tính theo số phát sinh so với phụ lục hợp đồng, tiền chậm nộp đã lên đến gần 1 tỷ đồng”.

Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch Công đoàn Đà Nẵng cho rằng, giá thuê đất cao sẽ ảnh hưởng đến chất lượng là giá bán ra của doanh nghiệp dịch vụ du lịch. Do vậy, cạnh tranh điểm đến là điều mà Thành phố cần lưu tâm.

“Chúng ta muốn có cạnh tranh so với Nha Trang, Vũng Tàu, Quảng Ninh nên nghiên cứu, có chính sách phù hợp các doanh nghiệp, đặc biệt liên quan đến giá đất doanh nghiệp du lịch dịch vụ để giảm giá bán ra, canh tranh điểm đến sẽ tốt hơn”, bà Lương kiến nghị.

Chính quyền Đà Nẵng nói gì?

Ông Trần Quốc Hùng, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng thừa nhận, năm 2022 khi tính lại giá đất thì các doanh nghiệp phải chịu giá đất đã tăng từ năm 2019, nên giá tiền thuê đất của các doanh nghiệp rất là lớn. Sở thấu hiểu và chia sẻ khó khăn này của doanh nghiệp.

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định TP. Đà Nẵng đã đồng hành với doanh nghiệp trong vấn đề giảm tiền thuê đất.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường khẳng định TP. Đà Nẵng đã đồng hành với doanh nghiệp trong vấn đề giảm tiền thuê đất.

Theo ông Hùng, TP. Đà Nẵng cũng đã triển khai các giải pháp để đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, năm 2019, tỷ lệ đất thương mại dịch vụ so với tỷ lệ đất ở là bằng 85% thì năm 2022, Thành phố điều chỉnh còn 70%. Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 so với năm 2019 giảm 10%.

Cùng với đó, mức phần trăm thuê tiền thuê đất quy định từ 1,7 đến 2 lần; năm 2021, Thành phố đã điều chỉnh xuống còn 1 lần.

“Với điều chỉnh này, giá đất của từng doanh ngiệp đã giảm từ 40 đến 50%, nếu không có điều chỉnh hỗ trợ doanh nghiệp này thì giá đất sẽ tăng gấp đôi”, đại diện Sở này khẳng định.

Ngoài ra, trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp về xem xét đơn giá đất theo mục đích sử dụng đất, TP. Đà Nẵng cũng đã có báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị cho phép xác định mục đích sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết để làm cơ sở xác định giá đất cho doanh nghiệp.

“Mặc dù đúng thực tế giá đất của doanh nghiệp tăng rất nhiều nhưng Thành phố cũng đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian qua. Tất nhiên là chưa đạt được mong muốn, yêu cầu của doanh nghiệp nhưng sự chia sẻ đồng hành của Thành phố là có”, ông Hùng thông tin.

Liên quan đến giá đất, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, sau 3 năm kể từ năm 2019, bảng giá đất không còn phù hợp nên đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính thuê đơn vị tư vấn để rà soát bảng giá đất, nếu có biến động giảm thì báo cáo cấp thẩm quyền thông qua phê duyệt điều chỉnh sát với thị trường.

Đối với tỷ lệ tính tiền thuê đất, Thành phố cũng đã hạ xuống từ 2% còn 1%, “như vậy không thể hạ được nữa”.

Đối với khung giá đất thương mại dịch vụ so với đất ở, Thành phố cũng đã thuê đơn vị tư vấn và đã có kết quả.

Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết thêm, qua kiểm tra thực tế trong sáng ngày 11/10 tại Dự án Ariyana Đà Nẵng (Công ty cổ phần Khách sạn và Du lịch Thiên Thai) và Dự án Melia Đà Nẵng Resort (Công ty TNHH Sao Việt Non Nước) các dự án có mật độ sử dụng và xây dựng thấp dưới 25%; đất cây xanh, đất giao thông (hạ tầng kỹ thuật) nhưng vẫn tính tiền thuê đất thương mại dịch vụ.

Đối với vấn đề trên, UBND TP. Đà Nẵng đã có kiến nghị gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng Bộ trả lời là “không được”. Tuy nhiên, UBND TP. Đà Nẵng sẽ tiếp tục kiến nghị cơ quan có thẩm quyền, nhất là Đoàn Đại biểu Quốc hội để sửa đổi Luật Đất đai.

“Đối với các vấn đề doanh nghiệp ven biển TP. Đà Nẵng như Công ty TNHH Sao Việt Non Nước, do mỗi doanh nghiệp có đặc thù khác nhau, Thành phố sẽ có buổi đối thoại riêng để có thể trao đổi sâu hơn và giải quyết được cụ thể, thiết thực hơn. Những vấn đề vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền”, ông Minh thông tin.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND TP, Đà Nẵng cho hay, trong giai đoạn gần đây là chu kỳ 2017-2022, TP. Đà Nẵng “giảm giá đất chớ không tăng”. Bảng giá đất ổn định từ năm 2017, riêng chu kỳ năm 2019 lên cao nên có điều chỉnh hệ số.

Chủ tịch TP. Đà Nẵng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp trong hội nghị đối thoại về giá đất sắp tới.
Chủ tịch TP. Đà Nẵng mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ doanh nghiệp trong hội nghị đối thoại về giá đất sắp tới.

 “Thành phố đã giao các ngành chức năng rà soát lại những gì tốt nhất, đúng quy định pháp luật mà có thể vận dụng được để giảm giá đất ven biển. Đây vừa là chủ trương, vừa là trách nhiệm cũng là tình cảm của lãnh đạo Thành phố”, Chủ tịch TP. Đà Nẵng nói.

Ông Chinh cũng mong muốn, tới đây trong buổi đối thoại do Thành phố tổ chức (do ông Minh chủ trì), cộng đồng doanh nghiệp sẽ hiến kế, chia sẻ cho Thành phố những quy định có thể vận dụng được. Chính quyền TP. Đà Nẵng luôn luôn lắng nghe và làm sớm nhất có thể.

Đà Nẵng tham gia cuộc đua ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn
Nhận định ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có nhiều tiềm năng; tạo động lực phát triển, thành phố Đà Nẵng bàn giải pháp phát triển nguồn...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư