Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Đặc biệt ưu tiên dự án trọng điểm vào Tây Nguyên
Hoàng Thủy - 15/04/2013 08:22
 
 “Phát triển Tây Nguyên phải bằng các giải pháp, chính sách đặc thù nhằm huy động các nguồn vốn để đầu tư hạ tầng, đồng thời tăng cường liên kết với các khu vực, trung tâm đô thị lớn” là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên lần 2, diễn ra tại TP. Pleiku (Gia Lai) cuối tuần qua.
TIN LIÊN QUAN
Việc xây dựng một cơ chế đặc biệt sẽ là động lực thu hút nhiều dự án lớn vào Tây Nguyên

(baodautu.vn) Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định, Tây Nguyên luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đặc biệt. Hàng năm, Chính phủ luôn dành một phần vốn ngân sách, cũng như nguồn vốn ODA phân bổ cho các tỉnh Tây Nguyên, nhằm thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển. Trong đó, đặc biệt ưu tiên đầu tư những dự án trọng điểm và phát triển cây công nghiệp mũi nhọn, như cà phê, hạt tiêu…

Về tình hình thu hút đầu tư, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, kể từ sau Diễn đàn Xúc tiến đầu tư 2009 đến nay, thu hút đầu tư vào Vùng đã có những chuyển biến tích cực, với tổng vốn đăng ký lên đến 90.000 tỷ đồng, bình quân đạt 30.000 tỷ đồng/năm, tăng cao so với các năm trước (16.500 tỷ đồng/năm). Riêng thu hút FDI đạt 169 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 900 triệu USD, chỉ bằng 1,2% số dự án và 0,4% tổng vốn FDI cả nước. Kết quả này còn quá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Vùng.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, Tây Nguyên vẫn được đánh giá là vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Trong đó, khó khăn cơ bản nhất vẫn là yếu kém về mặt hạ tầng, thiếu nhân lực có trình độ cao, đặc biệt là thiếu cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp khi tham gia đầu tư vào khu vực Tây Nguyên.

Nguyên nhân dẫn tới khó khăn trên, theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ngoài việc thiếu nguồn vốn đầu tư, còn có nguyên nhân chủ quan. Trong đó, tập trung chủ yếu vào việc thiếu quy hoạch mang tính tổng thể và đồng bộ, bao gồm cả ngắn hạn và dài hạn, việc cải cách hành chính cải thiện môi trường đầu tư chưa hiệu quả…

“Để phát huy tiềm năng và lợi thế, Tây Nguyên cần phát triển đồng bộ mạng lưới giao thông, hiện đại hóa hệ thống sân bay, lựa chọn hình thức đầu tư phù hợp…, đồng thời tiến hành chuyển đổi toàn diện cơ cấu nông nghiệp đi đôi với phát triển nhân lực”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh khẳng định.

Về phương diện tài chính, ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HđQT Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, cần phát triển Tây Nguyên theo mô hình đặc khu kinh tế mang tính đặc thù. Tây Nguyên cần áp dụng mô hình liên kết vùng như các vùng khác đang triển khai trên cơ sở sự kết hợp của “ba nhà” (nhà đầu tư, Nhà nước và ngân hàng).

Ông Trần Bắc Hà góp ý, Chính phủ cần thông qua sớm quy hoạch phát triển Tây Nguyên, sau đó tiếp tục rà soát và xây dựng cơ chế phát triển mang tính đặc thù. “Điểm yếu nhất của Tây Nguyên vẫn là hạ tầng. Vì vậy, Tây Nguyên cần phải xây dựng hình thức đầu tư mới về hạ tầng theo hình thức hợp tác công - tư”, ông Trần Bắc Hà nói.

Liên quan đến vấn đề cơ chế, nhiều đại biểu khác cũng khẳng định rằng, Tây Nguyên có nhiều lợi thế phát triển, trong đó đáng chú ý là nằm trong Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam. Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế đặc biệt sẽ là động lực để thu hút những dự án lớn, các nhà đầu tư có tiềm lực để phát triển kinh tế khu vực này.

Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo, các địa phương phải tăng cường phối hợp, tạo tiếng nói chung để cùng xây dựng chính sách phù hợp với điều kiện phát triển khu vực, phát huy thế mạnh và tập trung đầu tư vào những ngành nghề chính để phát triển.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư