Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại biểu đi giám sát, chế độ chỉ có 100.000 đồng một cuộc
Nguyễn Lê - 27/05/2023 13:11
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao trong năm sau.
.
Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận.

Thông tin này được Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề cập khi gút phiên thảo luận sáng 27/5 về dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội năm sau, trong đó có ý kiến đại biểu về tăng kinh phí cho hoạt động này.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương), hiện nay kinh phí dành cho hoạt động giám sát tại các đoàn đại biểu Quốc hội địa phương còn quá ít ỏi. Để tổ chức hoạt động giám sát trực tiếp tại cơ sở, các thành viên đoàn giám sát là các đại biểu Quốc hội của đoàn đại biểu Quốc hội địa phương còn phải phối hợp hết sức chặt chẽ với nhiều cơ quan, ban ngành khác của địa phương và mời các thành viên khác, chuyên gia tham gia đoàn giám sát.

“Thế nhưng với kinh phí quy định như hiện tại thì việc mời được các chuyên gia của cá lĩnh vực, mời được thành viên của cơ quan khác tham gia đoàn giám sát cũng chưa được thuận lợi”, bà Nga nhấn mạnh.

Đại biểu cho rằng, điều này ít nhiều ảnh hưởng tới chất lượng của hoạt động giám sát cả về chất lượng lẫn khâu tổ chức hoạt động. 

“Đề nghị Quốc hội rà soát, xem xét, nâng mức kịnh phí hoạt động giám sát cho phù hợp với yêu cầu thực tế, tình hình hiện tại”, bà Nga nói.

“Báo cáo Quốc hội là nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách cũng có ý kiến về tiền hỗ trợ cho hoạt động giám sát. Tiêu chuẩn tham gia hoạt động giám sát một đại biểu Quốc hội chỉ có 100.000 đồng một cuộc giám sát”, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nói.

Góp ý vào các chuyên đề được dự kiến, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP.HCM) cho rằng, nền kinh tế đang có dấu hiệu suy giảm, số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng. Do vậy, ông bày tỏ đồng tình với việc giám sát chuyên đề 1 về việc thực hiện Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, theo đại biểu, nếu chờ tới năm 2024 mới xong giám sát thì e rằng muộn. Bởi nếu kinh tế tăng trưởng dưới 3% thì áp lực sẽ gia tăng với an sinh rất lớn. Theo báo cáo số lượng lao động bị mất việc làm, cắt giảm giờ lao động trong thời gian gần đây rất lớn, đến hơn 500.000 lao động.

Trong khi đó, gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 cho đến nay mới giải ngân được 87.300 tỷ đồng/301.000 tỷ đồng, không kể 46.000 tỷ đồng cho y tế. Tỷ lệ như vậy mới được 29% mà đã mất 1,5 năm, trong khi gói này có thời hạn chỉ 2 năm. Do vậy, phải nỗ lực nhiều hơn.

Ông đề nghị Chính phủ có thể đề xuất với Quốc hội có gói hỗ trợ khẩn cấp hơn để hỗ trợ an sinh xã hội, người lao động, gia đình chính sách, gia đình có người mất trong đại dịch Covid- 19 trong giai đoạn hiện nay.

Hiện nay, tổng cầu thế giới đã suy giảm và tổng cầu trong nước đã suy giảm, các siêu thị khuyến mãi rất nhiều nhưng doanh thu rất khó, ông Ngân nói.

Liên quan đến vấn đề giảm thuế, ông Ngân cho rằng nếu đọc số liệu cứ nghĩ giảm thuế sẽ giảm thu ngân sách, nhưng rõ ràng năm 2022 tiến hành giảm thuế và thu ngân sách dự toán 1,4 triệu tỷ đồng, song đến cuối năm thực thu trên 1,8 triệu tỷ đồng.

Thu ngân sách vượt dự toán trên 400.000 tỷ đồng, như vậy rõ ràng việc giảm thuế là cần thiết, giúp tăng doanh thu, góp phần giải quyết việc làm, ông Ngân nêu quan điểm.

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn 4 chuyên đề trình Quốc hội xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao. Hai chuyên đề còn lại sẽ giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức giám sát.
Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (như: Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1) (dự kiến giao Ủy ban tài chính, Ngân sách phối hợp với Ủy ban kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Pháp luật chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Quốc phòng và An ninh chủ trì tham mưu về nội dung).
Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan (dự kiến giao Ủy ban Kinh tế chủ trì tham mưu về nội dung).
Dự kiến giám sát Chương trình phục hồi, chưa giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư