Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội: "Chả vui gì khi hút tài nguyên lên bán"
Nguyễn Quỳnh (VOV) - 06/04/2016 08:57
 
Đại biểu cho rằng các phương án sản xuất phải nhằm mục tiêu ổn định vĩ mô, phục vụ cho kinh tế phát triển.

Năm 2015, việc hút thêm dầu đã giúp thu ngân sách nhà nước bất ngờ vượt dự toán. Trong bối cảnh giá dầu đang ở mức thấp, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế của cả năm 2016, kế hoạch hút thêm 2 triệu tấn dầu để bù hụt thu ngân sách lại được đặt ra.

Trao đổi về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng cho rằng, việc khai thác dầu lên bán để cứu tăng trưởng là bình thường, nhưng phải đảm bảo làm sao việc hút dầu lên bán không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế đất nước.

Thưa ông, để đảm bảo tăng trưởng kinh tế của cả năm 2016, chúng ta có kế hoạch khai thác thêm 2 triệu tấn dầu để mục tiêu ngân sách đã đề ra. Ông có ý kiến gì về kế hoạch này?

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KT Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng trao đổi về đảm bảo nguồn thu ngân sách.
Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KT Quốc hội, Đại biểu Quốc hội tỉnh Sóc Trăng trao đổi về đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Việc có hút dầu lên vượt so với kế hoạch quy định hay không là quyền của Chính phủ, đồng thời phụ thuộc vào Vietsopetro. Tôi cho rằng việc hút dầu lên bán để cứu tăng trưởng là bình thường. Trên thế giới nhiều nước làm như vậy không chỉ riêng gì Việt Nam. Chính vì thế cho nên mới có cuộc chiến Nga với APEC, cuộc chiến giữa Saudi Arabia với Iran và lạm phát của Venezuela đã từng lên tới 700%.

Thưa ông, như vậy chúng ta đa tính bài toán hiệu quả hay không khi liên tục hút dầu bán.

Nếu nói như vậy thì sẽ nói thế nào với tình trạng của Iran, trong bối cảnh như thế, các nước khác làm thế nào, ta điều hành nền kinh tế đất nước có theo nguyên tắc của thị trường hay không?

Vấn đề là nếu ta điều hành theo nguyên tắc của thị trường thì phải cân nhắc giữa dừng khai thác mỏ với việc tiếp tục khai thác mỏ, chấp nhận lỗ, tính toán phương án nào có lợi nhất cho đất nước thì hãy để cho họ làm.

Nhưng ông đánh giá thế nào khi nhiều dự án của PVN đang thua lỗ, trong khi Nhà nước thì vẫn tiếp tục rót tiền cho PVN đầu

Cần phân biệt rõ ràng vấn đề đối với các dự án của PVN, không vì sự việc Petro Vietnam làm dự án không có hiệu quả sẽ liên quan đến việc giá dầu giảm và tác động đến doanh nghiệp. Việc quyết định khai thác 2 triệu tấn dầu thì Tổng cục Thống kê không tuyên bố và dự báo. Nên số liệu này của Tổng cục Thống kế nghe để biết và phục vụ cho việc khác.

Việc PVN hút thêm dầu ở mỏ Việt Nam hay mỏ của nước ngoài thì đó là việc điều hành quản trị của doanh nghiệp đó. Đảm bảo làm sao việc hút lên không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế đất nước. Tất cả các phương án sản xuất phải nhằm mục tiêu ổn định vĩ mô, phục vụ cho kinh tế phát triển.

Nền kinh tế phải cân đối được giữa ổn định vĩ mô với hút dầu lên bán sẽ như thế nào? Việt Nam cũng không khác thông lệ quốc tế và không phải không bị tác động của thế giới. Do đó, Việt Nam phải nhìn nhận rõ ràng, năm 2015 chúng ta khai thác thêm hơn 1 triệu tấn từ các nguồn chứ không phải chỉ trong nước nên mới đảm bảo được thu chi ngân sách, đảm bảo nợ công, cân đối giữa trả nợ và vay nợ mới, thế mà nợ chính phủ còn vượt trần nên tất nhiên chả vui gì khi hút tài nguyên lên bán.

Thưa ông, mục tiêu quan trọng nhất vẫn là ổn định kinh tế vĩ mô, nhưng khi giá dầu đi xuống thì chúng ta phải tính toán việc khai thác như thế nào cho hiệu quả chứ không thể cứ hút dầu với giá rẻ để bán?

Tôi bảo vệ việc ổn định kinh tế vĩ mô, còn ổn định vĩ mô bằng hình thức nào như thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, bán doanh nghiệp nhà nước… thì đó thuộc thẩm quyền của Chính phủ làm và báo cáo Quốc hội. Nếu chúng ta để lạm phát bùng nổ, doanh nghiệp chết liệu chúng ta có ngồi ôm mỏ dầu để khai thác được không?

Trong nền kinh tế của ta, cân đối thu chi như thế nào, còn có thể tăng đảm bảo nguồn thu để đảm bảo an sinh xã hội như thế nào, làm thế nào để đảm bảo là quốc gia có trách nhiệm với các cam kết về vay nợ và trả nợ đúng hạn. Nên việc hút lên hay không hút lên, thoái vốn hay không thoái vốn doanh nghiệp, quyết định như thế nào là bài toán so sánh kinh tế, phương án nào có lợi nhất cho quốc gia, cho nhân dân thì ta làm.

Xin cảm ơn ông.

Trước đó, trao đổi với báo chí, ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội khóa XIII, Đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu cũng cho rằng, việc tính GDP không tính theo giá dầu hiện hành. Việc tăng trưởng sẽ được tính theo giá cố định và hiện tại đang được tính trên mặt bằng giá năm 2010. Do đó, tăng trưởng hay không tăng trưởng thì cũng phụ thuộc vào sản lượng dầu, dưới hay trên đều tác động tăng trưởng.

Do đó, việc khai thác sản lượng dầu bao nhiêu, khi lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tài chính để tính toán nguồn thu từ dầu thô sẽ căn cứ vào kế hoạch do Tập đoàn dầu khí xây dựng. Các bộ chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính xem xét và Chính phủ rà soát đưa vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

Vấn đề là khai thác bao nhiêu triệu tấn dầu sẽ phải đảm bảo tình hình thực tiễn và đảm bảo tính khả thi, không thể lập lên một kế hoạch quá phiêu lưu mà không thể thực hiện được. Do vậy, tính toán sản lượng khai thác bao nhiêu, cần cân nhắc để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Hiệu quả ở đây không chỉ là hiệu quả của doanh nghiệp khai thác dầu sau khi bán, nộp thuế và có lãi, mà phải tính hiệu quả khai thác vỉa dầu triệt để hơn.

Đại biểu Phan Văn Quý: Đầu tư thích đáng để bảo vệ chủ quyền biển đảo
Phát biểu tại hội trường ngày 1/4 về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2015; kết quả thực hiện 5 năm 2011-2015 và kế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư