Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Đại biểu Quốc hội lo ngại thương mại với Trung Quốc
Hàn Tín - 23/05/2013 10:39
 
Một trong 2 chỉ tiêu được đánh giá là thành công nhất trong điều hành kinh tế - xã hội trong 16 tháng qua là cân bằng cán cân thương mại vừa được các đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” với sự lo ngại thay vì vui mừng.
TIN LIÊN QUAN
Ông Phùng Văn Hùng, Đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng.

“Chúng ta vui mừng vì năm 2012 lần đầu tiên xuất siêu sau 9 năm nhập siêu, 4 tháng đầu năm nay cán cân thương mại cũng tương đối cân bằng khi nhập siêu quay trở lại nhưng không nhiều (nhập siêu 722 triệu USD, bằng 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu). Nhưng nếu phân tích kỹ thì rất đáng lo”, ông Phùng Văn Hùng, đại biểu Quốc hội tỉnh Cao Bằng phát biểu tại buổi thảo luận tổ về tình hình triền khai kinh tế - xã hội.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung Quốc hiện chiếm tỷ trọng 11% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Không phải là thị trường xuất khẩu lớn nhất (sau EU, Mỹ, ASEAN và Nhật Bản), nhưng Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta và hiện chiếm 25% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu, cao hơn rất nhiều so với kim ngạch nhập khẩu từ các nước khác như ASEAN chiếm tỷ trọng 18%, Hàn Quốc (13,7%), Nhật Bản (khoảng 10%) và EU chiếm tỷ trọng 7,7%.

Ông Phạm Văn Cường, đại biểu Quốc hội tỉnh Lao Cai cũng lo ngại, hoạt động thương mại của nước ta phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc và ngày càng phụ thuộc sâu hơn, mạnh hơn.

“Điều đáng nói là, chúng ta xuất sang nước này thì ít mà nhập thì nhiều (năm 2012, nhập siêu từ Trung Quốc 16,7 tỷ USD). Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc (hàng chính ngạch) tập trung nguyên phụ liệu, linh kiện lắp ráp, gia công và các máy móc thiết bị phục vụ xuất khẩu. Như vậy, có thể nói hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước đang phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc”, ông Cường lo ngại.

Ngoài thế mạnh có chung đường biên giới, hàng Trung Quốc ồ ạt đổ vào thị trường phía Nam là do giá rẻ. Đây cũng là điều lo ngại của ông Phùng Văn Hùng và nhiều đại biểu Quốc hội khác khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội.

“Không kể hàng tiêu dùng, hàng loạt công trình, dự án, kể cả công trình, dự án quan trọng từ nhà máy nhiệt điện đến xi măng, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, chúng ta cũng sử dụng hàng “Made in China” giá rẻ. Hậu quả là, năng suất lao động thấp, tiêu hao năng lượng cao, hiệu quả kém và đặc biệt là không ít thiết bị, máy móc, công trình chỉ vừa mới đi vào sản xuất, đi vào vận hành đã phải sửa chữa, thay thế”, ông Hùng báo động.

“Nếu không đa dạng hóa cả thị trường xuất khẩu, lẫn nhập khẩu, chúng ta ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc trong lĩnh vực thương mại. Hệ quả là chỉ cần Trung Quốc điều chỉnh chính sách thương mại hoặc có động thái xây dựng các biện pháp bảo hộ hàng sản xuất trong nước, hỗ trợ xuất khẩu, cấm hoặc hạn chế mặt hàng xuất - nhập khẩu nào đó thì nền kinh tế trong nước trao đảo”, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, ông Nguyễn Thành Tâm lo lắng.

Theo ông Tâm, thành tích cân bằng cán cân thương mại không lấy gì quá tự hào, bởi trên thực tế thành tích này đều do khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đem lại.

Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 4 tháng đầu năm 2013, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 39,4 tỷ USD, tăng gần 17% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước mới đạt chưa đến 14 tỷ USD, tăng 7%, thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 25,5 tỷ USD, tăng hơn 23% so với cùng kỳ năm 2012.

Còn năm 2012, khu vực doanh nghiệp có vốn đẩu tư nước ngoài xuất khẩu 72,27 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu 114,57 tỷ USD, tăng hơn 31%, thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ tăng vỏn vẹn 1,2% so với năm 2011 và chưa bằng 10% mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chung là 13%.

“Trong cùng một môi trường kinh doanh bình đẳng, tại sao doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đà tăng trưởng hoạt động sản xuất, kinh doanh; tăng trưởng xuất khẩu tăng mạnh, còn doanh nghiệp nội địa lại có diễn biến ngược lại?”, ông Hùng đặt câu hỏi.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư